Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận trong suốt thời gian dài gần đây thì đảng Bảo thủ của Thủ tướng đương nhiệm Rishi Sunak sẽ bất lợi và Công đảng Anh có cơ hội chiến thắng. Những hệ lụy dai dẳng của Brexit đóng vai trò quyết định trong chiều hướng diễn biến chính trị ấy ở Anh.
Nguyên do chính là cả quá trình Brexit lẫn tác động của nó đối với tương lai của Anh hậu Brexit đều không đúng như các thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ quả quyết và cam kết với người dân. Sau 4 năm, cái giá mà nước Anh đã phải trả cho Brexit đã chứng tỏ là quá đắt đối với người dân Anh và đảng Bảo thủ.
Tình hình kinh tế của Anh hiện tại, tức là 4 năm sau Brexit, tệ hơn rõ rệt so với giai đoạn Anh còn là thành viên của EU. Với Brexit, nước Anh không còn tham gia Thị trường nội địa chung và Liên minh thuế quan chung của EU mà sau 4 năm Anh vẫn chưa có được đối tác hợp tác kinh tế và thương mại thay thế EU cũng như thị trường thay thế thị trường EU.
Những dự tính của chính phủ Anh khi toan tính và quyết định đưa nước Anh ra khỏi EU về ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế và thương mại song phương với các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ hay Canada đều chưa trở thành hiện thực.
Quá trình liên quan Brexit đã lập kỷ lục khi trong thời gian ngắn "tiêu tốn" nhiều thủ tướng nhất gồm các vị David Cameron, Theresa May, Boris Johnson, Liz Truss và tới đây Thủ tướng đương nhiệm Rishi Sunak (đều thuộc đảng Bảo thủ) cũng đứng trước nguy cơ. Brexit thậm chí còn có thể mở đường cho Công đảng Anh trở lại cầm quyền và đẩy đảng Bảo thủ Anh vào phe đối lập.
Bình luận (0)