Cụ thể, theo thông báo được Nam Phi đưa ra ngày 24.8, 6 quốc gia mới bao gồm Ả Rập Xê Út, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Argentina và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Nhóm BRICS hiện có 5 thành viên gồm Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nga và Trung Quốc.
Cuộc tranh luận về việc mở rộng khối là nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày ở TP.Johannesburg (Nam Phi). Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh BRICS, cho biết các ứng viên mới sẽ được kết nạp làm thành viên vào ngày 1.1.2024.
BRICS nỗ lực đạt đồng thuận về mở rộng khối
Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan hoan nghênh thông báo từ Nam Phi và cho biết nước ông mong muốn được gia nhập khối. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi đây là thời điểm "lịch sử" sẽ viết nên một chương mới cho các nước đang phát triển cùng hợp tác.
Các quan chức Nam Phi cho biết hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS và 22 quốc gia đã chính thức yêu cầu được kết nạp. Việc mở rộng cũng có thể mở đường cho hàng chục quốc gia có mong muốn vào BRICS, tại thời điểm mà sự phân cực địa chính trị đang rõ nét hơn bao giờ hết.
Theo Reuters, dù tất cả các thành viên BRICS đều công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với việc phát triển khối, thì vẫn có sự chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo về mức độ và tốc độ phát triển.
Mặc dù là nơi sinh sống của khoảng 40% dân số thế giới và 1/4 tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, việc các thành viên BRICS không thống nhất được tầm nhìn nhất quán từ lâu đã khiến nhóm này không đủ sức nặng với tư cách là một chủ thể kinh tế và chính trị toàn cầu.
Bình luận (0)