"Em ơi mỗi chiều, cuộc đời mỗi xiêu/nhưng em mỹ miều, lòng ta cứ yêu…" (Bài tình cho giai nhân - Quốc Bảo). Ở Oscar lần thứ 88 vừa qua, giây phút Saoirse Ronan, nàng thơ của làng điện ảnh xuất hiện trong bộ đầm sequin màu xanh của thương hiệu Calvin Klein, vẻ đẹp Ai len của cô cũng lấp lánh như chiếc váy. Khoảnh khắc đó, người theo dõi nàng nhận ra cô bé Hanna hoang dã ngày xưa đã bung cánh rực rỡ không thua kém bất kỳ bông hồng nước Anh hay thiên nga nước Úc nào.
Sinh năm 1994, xét về thời gian hoạt động nghệ thuật dễ được xếp vào một lứa với Jennifer Lawrence nhưng có vẻ Saoirse Ronan chọn cho mình con đường đi lặng lẽ hơn, nói cách khác là khá "indie". Điều đó không liên quan gì đến tài năng hay nhan sắc, bằng chứng là tuy chỉ mới hai mươi hai tuổi, Ronan từng được hai đề cử Oscar và vô số đề cử danh giá khác. Tham gia cuộc đua Oscar năm nay, Saoirse Ronan được đề cử giải diễn viên chính xuất sắc nhất trong bộ phim Brooklyn, một tác phẩm - trùng hợp sao, nói về cô gái trẻ người Ai len trên hành trình tìm đến Giấc mơ Mỹ của mình.
Dựa vào tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Colm Toibin, Brooklyn của đạo diễn John Crowley hoàn toàn xứng đáng nhận được ba đề cử quan trọng là Phim hay nhất, Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Cũng hình ảnh một cô gái xinh đẹp, một con tàu cập bến, những người nhập cư lo âu xếp thành hàng trước vài viên hải quan Mỹ, và xa xa, bức tượng nữ thần Tự do như một lời chào "welcome to American dream"…, song Brooklyn là một sắc thái khác nếu đem so với The Immigrant của James Gray năm 2013. Không giống như vai diễn Ewa Cybulska của minh tinh Marion Cotillard, nhân vật Eilis của Saoirse Ronan tìm đến Mỹ chẳng vì lý do to tát nào ngoài việc chạy trốn khỏi cuộc sống nhàm chán ở cái thị trấn nơi đã chôn vùi tuổi trẻ của chị cô và đang làm hao mòn thanh xuân của chính cô. Một ngày, quyết định bỏ lại tất thảy, kể cả trách nhiệm và định kiến, Eilis đã bước chân lên con tàu đưa cuộc đời cô sang ngã rẽ mới, vĩnh viễn.
Cô gái Ai len, may mắn thay, đã không mong mỏi gì hơn ngoài một "cuộc sống khác", so với cái thị trấn nhàm chán cô đã lớn lên. Vì thế, đã không có những giấc mơ sụp đổ và một thực tế vỡ vụn. Đặt chân đến Mỹ vào khoảng những năm 1950 của thế kỷ 20, Eilis không bị truyền thuyết về những bữa tiệc hoành tráng ở nhà Gatsby vĩ đại quyến rũ, hay dính vào một băng đảng nào đấy - dám lắm chứ, ở thời đó, mafia Ý và găng tơ Ai len đang lũng đoạn luật pháp Mỹ mà! Cô khép mình trong một nhà trọ do một vị mục sư bảo lãnh và chăm chỉ bán hàng ở một trung tâm mua sắm sang trọng. Thế rồi, cô gái Ai len (không thuộc nhóm găng tơ) cũng tìm được tình yêu của mình ở một anh chàng người Ý (không liên quan đến mafia). Họ, những con người lao động rất đỗi bình thường đã đi vào đời nhau bằng cái cách cũng hết sức bình thường: mời một điệu nhảy rồi chàng đưa nàng về. Chẳng có bất kỳ xung đột dữ dội nào trong Brooklyn, kể cả khi tình yêu của họ bị gián đoạn - thường thôi, như bao đôi lứa chốn nhân gian này. Brooklyn hoàn toàn là bài thơ dịu dàng, cuốn hút người ta bởi những ngọt ngào thầm kín, không trúc trắc, không màu mè và dấu chấm chỉ được đặt sau câu cuối cùng đầy viên mãn, trọn vẹn. Vì thế mà bỗng dưng, Brooklyn lại đứng riêng ở một thái cực khác và có công dụng xoa dịu những mất mát, thống khổ cũng như điên loạn cho những con người vừa bước ra từ cực kia, với những Revenant, Mad Max: Fury road, Room…
Như đã nói ở trên, Brooklyn và The Immigrant có thể xem là đối trọng của nhau khi kể về thân phận hai cô gái, tuy một Ba Lan, một Ai len nhưng đều chìm nổi trong một Giấc mơ Mỹ to lớn. Một lý do khác khiến người viết khăng khăng “bắt” hai tác phẩm ấy phải liên quan với nhau có lẽ là do nhan sắc động lòng người của hai nữ diễn viên thủ vai chính trong hai bộ phim. Cái vẻ đẹp "hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh" của Marion Cotillard đã báo trước một số phận "làm gương cho khách hồng quần thử soi", chả khác chi Thúy Kiều. Còn nàng thơ Saoirse Ronan, với vẻ yêu kiều thuần khiết ấy, như thể nàng được định sẵn là sinh ra để làm cô gái Ai len trong bài của John Crowley vậy. Dĩ nhiên cái đẹp là một ý niệm. Marion Cotillard vẫn là bảo vật của nước Pháp, vẫn sừng sững trên những tấm poster của các nhãn hàng thời trang nổi tiếng. Và Saoirse Ronan sau những Atonement, những Grand Budapest hotel, những Brooklyn, cô lại cặm cụi đi trên con đường mình đã chọn. Chỉ là, từ hai tác phẩm đó, từ trong sâu xa, một lần nữa, định nghĩa về giai nhân đã làm người yêu cái đẹp phải tự vấn. Giai nhân là gì? Phải chăng, giai nhân là thứ cần hoặc vốn dĩ được cuộc đời tha thứ và nâng niu. Chẳng phải sao, người ta chỉ viết bài tình cho giai nhân...
Bình luận (0)