BS Lương Ngọc Trung - Bệnh viện FV: Không ngừng học hỏi để cứu giúp bệnh nhân

14/06/2022 13:00 GMT+7

Luôn liên tục đối mặt với những khoảnh khắc sinh tử của bệnh nhân, thạc sĩ - bác sĩ Lương Ngọc Trung - Khoa Phẫu thuật mạch máu Bệnh viện FV hiểu rằng để có thể cứu được bệnh nhân khỏi cửa tử, ngoài sự tận tâm thì bác sĩ cần phải liên tục học hỏi nâng cao tay nghề.

Chúng tôi đến gặp bác sĩ Ngọc Trung tại khu khám ngoại trú của Bệnh viện FV khi anh vừa khám xong ca bệnh cuối cùng trong ngày. Nở nụ cười hiền lành và khiêm nhường, anh kể về chuyện nghề y với một trái tim rực lửa, đau đáu và trăn trở từng ngày để tìm ra những phương pháp mới và cách áp dụng các kỹ thuật điều trị hiện đại với mong muốn cứu chữa tốt nhất cho bệnh nhân của mình.

Bác sĩ Lương Ngọc Trung luôn trăn trở áp dụng những kỹ thuật điều trị mới để cứu chữa cho bệnh nhân hiệu quả

Luôn học hỏi để vững vàng đối mặt những thử thách cân não

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ y khoa tại Đại học Y Huế năm 2001, bác sĩ Lương Ngọc Trung tiếp tục chương trình Thạc sĩ y khoa và Bác sĩ nội trú bệnh viện chuyên ngành Ngoại tổng quát, chuyên môn phẫu thuật tim mạch, lồng ngực cũng tại trường đại học này. Trong quá trình công tác, hễ có cơ hội là bác sĩ Trung liền đăng ký học. Anh tham gia nhiều khóa đào tạo tu nghiệp trong và ngoài nước như chứng chỉ Can thiệp nội mạch động mạch chủ và mạch máu ngoại biên của Đại học Y The Prince of Songkla (Thái Lan); chứng chỉ phẫu thuật tim mạch và lồng ngực tại Đại học Y Paul-Sabatier, Toulouse (Pháp), chứng chỉ Thay van động mạch chủ qua da (TAVI), bằng phẫu thuật tim mạch và can thiệp nội mạch cũng của ĐH Y Pierre & Marie Curie (Paris 6).

Xác định lựa chọn ngành phẫu thuật mạch máu, thường xuyên đối mặt các ca sinh tử, bác sĩ Trung luôn tự nhủ phải luôn nâng cao tay nghề để có thể đứng vững trước những thử thách cân não nhất. Năm 2014, bác sĩ Trung tiếp tục “cắp sách” đi học và nhận chứng chỉ Phẫu thuật nội soi lồng ngực tại Trường đại học Y Dược TP.HCM, trước khi hoàn thành tiếp khóa Can thiệp nội mạch phình động mạch chủ (EVAR) tại Bệnh viện Chợ Rẫy vào tháng 3.2015.

Đến năm 2017, khi đang là bác sĩ cấp cao Khoa Phẫu thuật mạch máu của Bệnh viện FV, bác sĩ Trung tiếp tục hoàn thành nhiều chứng chỉ thực hành các kỹ thuật phẫu thuật, điều trị mạch máu bằng thiết bị hiện đại hàng đầu, với tâm niệm phục vụ tốt nhất cho việc cứu chữa hiệu quả cho bệnh nhân.

Chính sự đầu tư nghiêm túc vào kiến thức và tay nghề, bác sĩ Trung đã thực hiện được nhiều ca phẫu thuật khó, trực tiếp cứu sống nhiều bệnh nhân thập tử nhất sinh. Đặc biệt là ca phình động mạch chủ ở ngực đến 83mm của bệnh nhân 62 tuổi người Cần Thơ trong năm 2018. Đây là ca hiếm thấy và cực kỳ nguy hiểm vì có thể khiến bệnh nhân tử vong bất cứ lúc nào. Bác sĩ Trung đã chữa trị ca bệnh này thành công bằng kỹ thuật đặt stent graft nội soi, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh đến không ngờ.

Hay như năm 2019, anh và ê kíp cũng đã cứu sống thành công cho người đàn ông Pháp bị “bóc tách động mạch chủ ngực Type B” rất nguy hiểm. Bác sĩ Trung lựa chọn phương án đặt stent graft qua can thiệp nội mạch và ca mổ thành công sau khoảng 2 tiếng rưỡi cân não, giúp bệnh nhân Pháp vượt qua lằn ranh sinh tử.

Mong muốn bệnh nhân được chữa trị kịp thời

Bác sĩ Ngọc Trung cho biết bệnh mạch máu là một trong những nguyên nhân gây tử vong và thương tật thường gặp nhất. Với 17 năm kinh nghiệm trong ngành phẫu thuật mạch máu, đối với bác sĩ Lương Ngọc Trung thì thành công của một ca điều trị còn phụ thuộc rất lớn vào việc người bệnh có thăm khám và được chẩn đoán kịp thời hay không.

“Có nhiều trường hợp xuất hiện triệu chứng nhưng lại bỏ qua vì nghĩ là không có vấn đề gì và cứ để tình trạng như vậy. Nhưng bệnh đến giai đoạn cấp tính và chuyển nặng thì đã quá muộn, làm giảm đáng kể hiệu quả điều trị. Dẫn đến việc bệnh nhân phải sống chung với căn bệnh gần như suốt đời, hoặc thậm chí có thể tử vong bất kỳ lúc nào. Đừng đợi tới khi bệnh trở nặng và không thể cứu chữa hiệu quả”, bác sĩ Trung nhắn nhủ.

Bác sĩ đưa ra dẫn chứng về một căn bệnh khá phổ biến sau đại dịch Covid-19: huyết khối tĩnh mạch hai chi dưới (xuất hiện máu đông trong tĩnh mạch). Huyết khối tĩnh mạch là bệnh thường gặp và nguy hiểm, nhưng nếu phát hiện sớm trong vòng 2 tuần kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên của huyết khối như phù một bên chân, thì phải đi khám ngay. Anh cảm thấy đáng tiếc khi người bệnh không được cập nhật kiến thức đầy đủ về căn bệnh này. Nhiều trường hợp thấy sưng, phù chân mà nghĩ là bình thường và để như vậy lâu dài thì sẽ càng khó phát hiện. Từ đó dẫn đến nguy cơ bị hậu huyết khối, sẽ càng khó điều trị và dễ đưa tới hậu quả là chàm da, loét da. Thậm chí bệnh nhân phải đối mặt với việc phải sống chung với căn bệnh suốt đời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

BS Lương Ngọc Trung thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật

Bác sĩ Trung cho biết, ngoài vấn đề phổ biến kiến thức đến bệnh nhân, anh cũng kiến nghị bệnh viện áp dụng các kỹ thuật điều trị huyết khối tĩnh mạch thế hệ mới, giúp điều trị bệnh này triệt để hơn. Theo xu thế phát triển và để đáp ứng đúng với sự phát triển tay nghề của anh, hiện Bệnh viện FV đang áp dụng phương pháp hút huyết khối cơ học qua can thiệp nội mạch bằng máy Penumbra Indigo (nhập từ Mỹ), kết hợp truyền thuốc tiêu sợi huyết dưới sự hướng dẫn của máy X-quang hay Cathlab.

Đây là kỹ thuật mới được FV tiên phong ứng dụng, đạt hiệu quả điều trị tối ưu hơn so với phương pháp điều trị bằng thuốc chống đông truyền thống. Quan trọng là đem lại sự an toàn cao hơn cho bệnh nhân, do hạn chế được những biến chứng xuất huyết như trước đây.

Bác sĩ Trung đặc biệt lưu ý về bệnh huyết khối tĩnh mạch sau Covid

Một vấn đề khác khiến bác sĩ Trung luôn đau đáu trong nhiều năm qua đó là chi phí phẫu thuật bệnh lý về mạch máu khá cao, do phải sử dụng kỹ thuật và thiết bị tối tân để cứu chữa (chẳng hạn như phòng can thiệp tim mạch Cathlab), vô hình trung tạo ra gánh nặng không nhỏ cho bệnh nhân. Tuy nhiên mới đây, Bệnh viện FV đã ký kết với Bảo hiểm xã hội TP.HCM để bệnh nhân sử dụng các kỹ thuật khảo sát và điều trị tại phòng Cathlab sẽ được bảo hiểm chi trả.

Đây vừa là tâm huyết và sự sẻ chia thiết thực của bệnh viện với bệnh nhân, vừa là cách để hiện thực hóa mong muốn của FV, trong đó có bác sĩ Lương Ngọc Trung, đó là: “Ngày càng nhiều người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế chuẩn quốc tế tại Việt Nam bằng mức chi phí hỗ trợ khi tham gia bảo hiểm y tế”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.