Bữa ăn học đường bé lại

05/10/2011 18:37 GMT+7

Biến động về vật giá khiến bữa ăn học sinh ở trường trở nên hết sức gọn nhẹ, thiếu dinh dưỡng.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc

Một phụ huynh gửi con ở trường mầm non khu vực Bắc Mỹ An (Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) kể lại câu chuyện của mình trong sự lo lắng cao độ: “Mới đây, khi tôi đi chợ, ngang qua hàng cá, tôm ươn - vốn là nơi cung cấp thực phẩm cho các quán cơm bụi sinh viên - thấy cô giáo phụ trách bếp của trường con tôi học đang đứng mua toàn loại thực phẩm kiểu này với số lượng lớn rồi mang về trường”. Đây cũng chính là nỗi lo lắng của nhiều bậc phụ huynh. “Đưa con đi học, lo nhất là việc ăn uống của con. Những dư chất độc hại trong thực phẩm ngày càng nhiều, trong khi ở nhà tìm mọi cách để tránh cho cháu, ai biết được liệu những thực phẩm như vậy có len lỏi vào trường học hay không?”, một phụ huynh có con học trường Mẫu giáo Minh Đức (Đà Nẵng) chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Hồng Phấn - Hiệu trưởng trường Mầm non công lập 20.10, TP Đà Nẵng - cho hay: “So với sức tăng giá mạnh của thị trường, mức thu tiền ăn hiện nay của mỗi trẻ là không cao, nhưng bằng việc xoay xở linh hoạt, nhà trường vẫn có thể đảm bảo được nguồn dinh dưỡng cho các cháu. Các cô cấp dưỡng phải cân, đo, đong, đếm sao cho hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn của cháu vẫn đảm bảo đủ theo tiêu chuẩn”.

Hiện nay, nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP Đà Nẵng sử dụng thực phẩm do các công ty cung cấp nhằm đảm bảo thực phẩm rõ nguồn gốc. Tuy vậy, chỉ có những trường lớn mới đủ khả năng mua thực phẩm "sạch". Những trường vùng ven, với số tiền thu vào quá ít ỏi thì bữa ăn của học sinh cũng ảnh hưởng rõ rệt. Với số tiền 500 ngàn đồng/cháu/tháng cho toàn bộ các khoản kể cả tiền ăn, theo cô Nguyễn Thị Lệ - Hiệu trưởng trường Mầm non 1.6

Nếu trước kia, một lần ăn, mỗi em được 4 miếng thịt thì giờ chỉ còn 3 hoặc nếu đủ 4 thì miếng thịt phải mỏng đi

Trương Diệu Thừa - Hiệu trưởng trường Bàu Sen

(Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), phải cố gắng lắm mới có thể xoay xở cho các cháu một bữa ăn đủ dinh dưỡng. Cô Lệ chia sẻ thêm: “Nhà trường vừa rục rịch tăng thu thì các phụ huynh đã vội đến xin cho con được về nhà ăn trưa để tiết kiệm chi phí. Việc đó ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của các cháu ở độ tuổi mầm non, nên chúng tôi phải cân nhắc dữ lắm mới quyết định tăng hay không”.

Bà Huỳnh Thị Tam Thanh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết để khắc phục tình trạng này, ngành đã vận động một số đơn vị kinh doanh mặt hàng thực phẩm trên địa bàn TP đến những vùng sâu, vùng xa để cung cấp cho các trường với mức giá hợp lý. “Lãnh đạo ngành sẽ kiểm tra kỹ về khẩu phần ăn của trẻ có đảm bảo như mức thu hay không, nhất là đối với các trường tư. Tuy nhiên, sẽ rất khó quản khẩu phần ăn ở những nhóm trẻ gia đình”, bà Thanh cho hay.

Các thành phần đều giảm

Tại trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM), các suất ăn được nhà trường hợp đồng với đơn vị cung cấp. Bữa ăn của hơn 500 học sinh chỉ đơn giản có cơm và món mặn là sườn non kho, canh rau cải để trong thố nhựa dùng chung. Một học sinh lớp 7 cho biết: “Hằng ngày, thực đơn có thay đổi nhưng bữa cơm của chúng em chỉ có 2 món như vậy”. Ở trường Tiểu học Bàu Sen (Q.5, TP.HCM), bữa cơm của học sinh do bếp ăn của trường tự nấu cũng chỉ có món mặn và canh mà thôi. Bà Trương Diệu Thừa - Hiệu trưởng trường Bàu Sen, thừa nhận: “Dù cố gắng hết sức nhưng trường khó lòng đảm bảo chất lượng bữa ăn như trước. Nếu trước kia, một lần ăn mỗi em được 4 miếng thịt thì giờ chỉ còn 3 hoặc nếu đủ 4 thì miếng thịt phải mỏng đi”.

Bữa ăn bán trú của học sinh hiện nay thường không có món xào. Một giáo viên của trường Tiểu học Bàu Sen cho biết: “Ban đầu trường vẫn thiết kế món xào, nhưng do học sinh không ăn và thường bỏ mứa nên trường bỏ món này. Chúng tôi biết không có món này sẽ làm thiếu nhiều chất dinh dưỡng, nhưng bù lại, chúng tôi bổ sung dầu mỡ vào món kho, chiên”.

Bà Diệu Thừa nói thêm: “Theo quy định của phòng GD và UBND quận thì mức thu tiền ăn bán trú từ 18 - 20 ngàn đồng/ngày, trường chỉ dám thu 18 ngàn đồng. Ban đầu, trường định đặt các công ty cung cấp suất ăn và yêu cầu họ thực hiện một bữa chính có tráng miệng và ăn phụ vào buổi chiều. Nhưng với giá này, tất cả các công ty mà trường tiếp xúc đều né”.

Hiệu trưởng một trường ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) ưu tư khi nói về chất lượng bữa ăn cho trẻ: “Hiện nay giá cả tăng nhiều, nhà trường vẫn giữ mức thu như cũ, vì thế mức ăn của học sinh bị giảm lượng đạm: từ 50g thịt/bữa chỉ còn 30-40g thịt, tôm nõn nấu canh mỗi ngày phải giảm từ 5 kg xuống còn 3 kg, sườn nấu canh cũng giảm tương tự. Ngay cả món hoa quả tráng miệng cũng giảm từ 110g xuống còn 60-70g”. Bà Trần Thị Liên - Hiệu trưởng trường Mầm non Ba Trại (H.Ba Vì, Hà Nội) ngậm ngùi: “Nâng lên đặt xuống mãi mới dám tăng mức ăn lên 7 nghìn đồng. Với mức thu ít ỏi như vậy trong khi giá cả đắt đỏ như hiện nay thì chúng tôi khó có thể cung cấp cho các cháu những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng; mặc dù rau nhà trường tự trồng, còn trứng, thịt thì vận động phụ huynh cung cấp cho nhà trường với giá gốc”.

Ý kiến

Không có rau xanh

“Mỗi ngày, đọc thông tin về chuyện thực phẩm không an toàn, bị tẩm ướp những chất gây nguy hiểm cho sức khỏe, tôi rất lo lắng đến chuyện ăn uống của con mình. Thông thường bữa ăn ở trường không chú trọng đến rau xanh nên tối về tôi luôn cố gắng bù đắp sao cho cháu đủ chất”. (Bà Nguyễn Thị Hòa - Phụ huynh học sinh tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Không đủ ăn

“Mấy năm trước tôi còn cho cháu ăn trưa tại trường, nhưng từ năm lớp 9 tôi không còn đăng ký nữa. Chiều nào đi học về cháu cũng than đói do đồ ăn ở trường ít trong khi con trai đang tuổi ăn tuổi lớn”. (Phụ huynh học sinh trường THCS Đống Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Rất khó ăn

“Thường con chẳng ăn được mấy. Cơm thì nấu thất thường, bữa thì sống, bữa khô cứng rất khó ăn. Thức ăn cũng không ngon, thông thường chỉ có món mặn và canh. Có nhiều bạn phải mang thêm thức ăn ở nhà”. (Một học sinh trường THCS Đống Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Thiếu canxi và các vitamin

Bác sĩ ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP - Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM: “Bữa ăn ở trường mầm non tại TP.HCM đảm bảo đủ chất, ở cấp học cao hơn phần lớn thiếu

vitamin và canxi. Chúng tôi vừa khảo sát thực tế bữa ăn ở một số trường học tại Q.10. Theo đó, bữa ăn của các em thường thiếu canxi (giúp tăng chiều cao), vitamin A (gây bệnh khô giác mạc, nhuyễn giác mạc, khô da…), vitamin B (gây bệnh tiêu chảy, khàn giọng, mất tập trung), vitamin B2 (có thể gây viêm da), vitamin B6 (gây chuột rút), vitamin B12 (gây thiếu máu), vitamin C (có thể gây bệnh sưng lợi, chảy máu, tay và chân bị sưng khớp).

Nhìn chung, một bữa ăn của trẻ cần phải cân đối, chế biến thực phẩm sao cho đủ 4 thành phần chính: chất bột, đường, đạm, dầu mỡ, chất xơ và vitamin. Một bữa cơm cần một món kho hoặc chiên chế biến từ các loại: thịt, cá, trứng, đậu hũ (các chất này chứa nhiều đạm), một món xào (rau xào, cải xào). Món này rất quan trọng vì nó bổ sung chất mỡ từ dầu thực vật hoặc mỡ động vật và chất xơ. Nên có thêm món canh rau để bổ sung thêm chất xơ và phải có trái cây (có thể là nho, chuối…) vì nó bổ sung các vitamin cho cơ thể. Nếu trong khẩu phần ăn chính chỉ có món mặn và canh thì không cân đối”.

T.Nguyễn - D.Hiền - B.Thanh - M.Luân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.