(iHay) Anh Mẹo, người xã Phổ Thạnh, ở rể xã Phổ Châu kế bên (thuộc huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) là chủ nhân của một cây xoài 'tứ quý' ăn ngon lạ lùng.
>> Trổ tài làm gỏi xoài khô cá cơm
|
Nói 'bữa giỗ làm… khổ cây xoài' là nói cho có vần vèo, quanh co, bóng bẩy thế thôi (như cách nói 'có rau đau mắm' vậy) chứ thật ra xoài đâu có khổ. Sướng tít mây xanh thì có. Hèn chi nghe bà con khen, hàng nghìn con mắt lá xoài cứ xanh veo gờn gợn đong đưa trong gió xem chừng hạnh phúc lắm.
Bữa đó mình bỗng dưng thèm được làm… cây xoài nhà bạn để được bà con ăn giỗ túm tụm dưới gốc mà bàn tán, xuýt xoa, nói xoài gì mà ngon quá ngon chừng! Có cô mới vừa đúng tuổi công dân hôm qua đã “dám” tuyên bố: Đời con chua ngọt đã từng, nhưng ăn xoài mà thấy… lâng lâng thì chỉ có bữa nay, tại nhà chú Mẹo.
Vâng, anh Mẹo, người xã Phổ Thạnh, ở rể xã Phổ Châu kế bên (thuộc huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) là chủ nhân cây xoài ấy. Rất hóm hỉnh, anh cười hì hì kể rằng đời tui có 3 cái hên. Một, tui đi nghĩa vụ, các sếp thấy tui to con, lại nhanh nhẹn nên “rủ” ở lại luôn, giờ làm “quan” huyện đội. Hai, vợ tui tên Thu nhưng ít khi “thu”, cổ “chi” cho tui tiêu thoải mái lắm. Ba, tui mua cây xoài ở hội chợ xuân năm đó, tưởng xoài thường, ai dè xoài rất… phi thường.
Mấy anh em nghĩ coi, xoài người ta thì mỗi năm chỉ cho trái có một lần vào vụ xuân hè. Còn xoài tui thì khỏi nói, mặc cho bốn mùa thay lá, cứ đơm bông rồi kết trái hết đợt này tới đợt khác, nối nhau không dứt như “hết ngày dài lại tới đêm thâu, chúng ta đi trên đất.... Phổ Châu”. Thành thử nhà tui quanh năm lúc nào cũng có xoài ăn. Ăn hoài ăn hủy nhưng đâu có ngán bởi hương vị của nó thì… chà chà, biết nói gì cho xứng đây?
Ăn giỗ nhà anh xong, ai cũng vội về vì công việc đồng áng nhưng anh cầm lại, nói khoan khoan, còn một màn nữa: Ăn xoài “tứ quý” rồi hẵng về (tên xoài là do anh đặt). Quả không bõ công ngồi lại, ai cũng trầm trồ ca ngợi chất lượng xoài tuyệt vời của anh. Người nói ngon hơn xoài cát, người nói mát hơn xoài cơm, người nói thơm hơn xoài tượng.
Riêng cô bé 18 tuổi, bạn học của con gái anh Mẹo, thì khá dạn dĩ, thủng thẳng nói: “Xoài này lấy hương từ nắng, lắng lọc mùi vị từ sương nên ngoài cái ngon ngọt của xoài thường, xoài tứ quý còn có chút chua thanh, chút bùi bùi, chút chát chát. Độc đáo nhất là cùng một trái mà có chỗ mềm mại, có chỗ giòn giòn… Xoài này hay quá chú ơi”. Vừa dứt lời cô bé được gia chủ thưởng ngay một trái vì “đoạn văn có tác dụng làm phổng mũi chú Mẹo”.
Chị Mẹo dắt gần chục người ra sau nhà. Vườn có ba cây xoài. Trong đó hai cây chỉ toàn lá không thôi. Chị nói hai cây đó là xoài “nhứt quý”, chỉ đơm bông vào cuối mùa đông. Sau tết mỗi cây cho vài chục trái. Rồi chị chỉ cây còn lại, nói cây xoài tứ quý của anh Mẹo nhà tui đó, tháng nào cũng có trái, trái nào cũng tròn quay, mập ú, nhìn thương lắm.
Anh Mẹo khoèo tặng mỗi người một trái. Chú Tư, thím Sáu nói thằng Mẹo làm vầy bà con ngại lắm, đã được ăn giỗ còn làm khổ cây xoài. Anh Mẹo cười hề hề, nói cây nhà lá vườn, tình làng nghĩa xóm, ngại gì đâu mà ngại. Vợ chồng tui mấy năm rồi không làm bánh ít vì ỷ lại… cây xoài tứ quý. Được cái nó biết mình ỷ lại mà vẫn vô tư ra trái bốn mùa. Cây trái còn có cái tình. Sao mình lại không đem cái tình ra mà đối xử với nhau?
Trần Cao Duyên
>> Thương nhau như mực phủ trộn xoài
>> Ăn xoài giúp phụ nữ 'yêu'... quật khởi hơn
>> Giảm nhiệt mùa nóng với pudding xoài
Bình luận (0)