Bức ảnh “em bé cầu vồng” sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đang lay động lòng người và trở thành biểu tượng tiếp thêm động lực cho các cặp vợ chồng hiếm muộn trên hành trình tìm con của mình.
tin liên quan
16 cô y tá ở khu chăm sóc đặc biệt mang thai cùng lúcTheo CNN, 1.616 ống kim tiêm xếp thành hình trái tim xung quanh em bé là tượng trưng cho 1.616 mũi tiêm mà người mẹ đã chịu tiêm vào người trong suốt 4 năm cố gắng thụ tinh trong ống nghiệm, với 7 lần tạo phôi và 3 lần sẩy thai.
Cuối cùng, bé London (sinh ngày 3.8) là con gái của cặp vợ chồng Patricia và Kimberly O'Neill (ở Arizona, Mỹ) đã chào đời trong niềm hạnh phúc vô biên của gia đình.
Patricia và Kimberly yêu nhau từ 6 năm trước khi cùng làm việc chung tại một nhà trẻ. Họ sống chung với nhau từ năm 2014 và muốn có con chung. Đến tháng 1.2017 cả hai chính thức kết hôn.
Patricia (hiện giờ 30 tuổi) đã có một con gái 7 tuổi với người chồng trước. Trong khi đó, Kimberly cũng đã có một con trai 14 tuổi với vợ trước.
tin liên quan
Bác sĩ cũng sốc: Cụ bà 71 tuổi mang thai con thứ 9“Chúng tôi nghĩ rằng, việc có con lần này cũng sẽ rất tự nhiên như lần trước. Chúng tôi sẽ chỉ việc đi vào một phòng khám sản khoa theo dõi thai kỳ và có thể đón em bé chào đời chín tháng sau đó”, Patricia tâm sự.
Tuy nhiên, mọi việc đã không diễn ra như cô nghĩ. Cặp vợ chồng đã phải tìm đến các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Họ đã cố gắng hai lần làm phương pháp bơm tinh trùng để có thể thụ tinh trong tử cung người vợ nhưng thất bại. Sau đó, họ bước đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Trong lần thụ tinh trong ống nghiệm thứ hai, họ có được 5 phôi và được cấy vào tử cung người mẹ. Tuy nhiên, cặp vợ chồng đã mất một em bé lúc thai được 6 tuần và mất hai em bé sau lúc 8 tuần.
Thấy có vấn đề không ổn, bác sĩ đã cho Patricia làm một số xét nghiệm di truyền và phát hiện cô gặp một vấn đề về đông máu. Đó là một đột biến của một yếu tố đông trong máu và làm tăng nguy cơ bị "cục máu đông bất thường". Có nghĩa là, phụ nữ bị đột biến này có nguy cơ phát triển cục máu đông cao hơn trong thai kỳ.
Biết được vấn đề, bác sĩ cùng cặp vợ chồng đã tiếp tục thực hiện việc cấy phôi thêm một lần nữa.
“Chúng tôi đã thấy nhịp tim của em bé và sau đó, đến tuần thứ 11, nhịp tim đã dừng lại”, Patricia ngậm ngùi và chia sẻ cô dường như đã gục ngã khi biết mất con trai.
Tuy nhiên, theo hai vợ chồng, họ đã bắt đầu cuộc hành trình này với nhau và quyết định sẽ luôn ở bên nhau trong những giai đoạn khó khăn nhất để tiếp tục.
Họ tìm đến một bác sĩ mới, là một chuyên gia về đột biến đông máu. Ông đã hỗ trợ thêm để giải quyết vấn đề đông máu của cô trong thai kỳ.
Các bác sĩ cùng cặp vợ chồng lại tiếp tục cấy phôi thêm một lần nữa và phôi thai đã phát triển trong cơ thể mẹ. Lần này, Patricia không được phép đi bất cứ đâu thậm chí đi bộ, phải đeo mặt nạ toàn bộ thời gian.
“Niềm vui khi mang thai đi kèm với cảm xúc sợ hãi”, cô nói. Họ đã siêu âm mỗi hai tuần thai kỳ để có thể phát hiện ra sớm nhất bất cứ dấu hiệu gì.
Cuối cùng, sau hành trình dài, thiên thần nhỏ của gia đình đã ra đời.
Bức ảnh cùng với sự hiện diện của em bé và câu chuyện của vợ chồng nhà O'Neill là minh chứng cho một hy vọng bất diệt đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn, đặc biệt trong những lúc họ đau khổ và mất dần hi vọng nhất.
“Tôi hy vọng rằng bức ảnh và câu chuyện của chúng tôi sẽ tạo niềm tin cho những người đang trải qua những gì tương tự chúng tôi, rằng: luôn có hy vọng ở cuối đường hầm. Có một ánh sáng và bạn chỉ cần cố gắng đi đến đó”, Patricia O'Neill nói với CNN.
Bình luận (0)