Bức tâm thư của một học sinh yêu sử

22/05/2014 17:05 GMT+7

Các nhà giáo dục kính mến! Em biết các thầy đều đau trước sự rẻ rúng của học sinh dành cho lịch sử. Ta khao khát thay đổi, nhưng nhiều khi bất lực vì có những lúc phải thỏa hiệp với cuộc sống.

Tôi là một học sinh lớp 12 nặng lòng với sử. Những ngày qua, nằm mơ thấy bão tố ngoài biển Đông, tôi chợt tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta quên lãng những giá trị vĩnh hằng của quá khứ? Giáo dục lịch sử - nơi lưu giữ ký ức hào hùng cho mỗi đứa trẻ - phải làm gì đây trước những đợt sóng dữ dội ngoài kia?

 

Thân gửi những ai “thức trắng” cùng sử học
 Học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) trong giờ học sử - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

Bản thân là học sinh đã từng lăn lộn với môn sử, tôi xin được góp tiếng nói nhỏ bé với những tâm sự về việc dạy và học sử hiện nay. Tuy chỉ là những lời bồng bột của một chú bé, tôi vẫn khao khát nhận được sự lắng nghe của tất cả những ai đang "thức trắng" cùng lịch sử!

Chưa bao giờ, chúng ta cần sự thay đổi như lúc này!

Hiện tại ảm đạm…

“Học làm cái gì?!”, “vô bổ, hại não!”. Đó là những đánh giá không mấy vui vẻ về môn sử của những người bạn mà tôi quen. 

Và thứ mà lũ bạn tôi than vãn nhiều nhất, đó là lối dạy nhồi nhét đơn điệu - lối “khổ sai trí nhớ” mà tất cả chúng tôi vừa chán, vừa ghét, mà cũng vừa sợ.

Như những hạt lạc (đậu phộng) bị ép dầu, học sinh bị ép vào khuôn khổ của một chùm những kiến thức khô khan. Chưa có cảm tình gì với sự kiện này, với nhân vật nọ, học trò đã phải học thuộc cả đống những dữ liệu về sự kiện ấy, nhân vật ấy với những bài học lịch sử rập khuôn kèm theo. Tâm hồn học trò sẽ rung động trước những giá trị tốt đẹp nhất của lịch sử dân tộc làm sao đây khi những giá trị ấy bị học thuộc một cách vô cảm, bị nhai lại một cách máy móc? Cuốn sách giáo khoa dày đặc chữ giáng những đòn chí tử vào niềm hăng say học sử của học sinh. Phương pháp nhồi sọ nghiền nát phần còn lại! Đau xót thay, học sinh mặc dù chán ngán nhưng vẫn phải ngồi học trong một tâm thế đối phó với điểm số.

Khơi dậy tinh thần tri ân quá khứ chỉ đơn giản là bắt học sinh ngồi học thuộc ê a những con số, con chữ khô khan như vậy sao?

Một anh bạn vô danh nào đó từng dí dỏm: “Dân ta phải biết sử ta/ Nếu mà không biết thì tra Gu gồ (Google)”. Tôi tin những người yêu sử đều nhận ra một sự thật từ câu tếu táo này: Trong một thời đại mà internet trở thành công cụ tìm kiếm tri thức vĩ đại nhất, vai trò của người thầy không còn là truyền thụ để rồi bắt học sinh học thuộc theo kiểu học vẹt những kiến thức mà chúng có khả năng độc lập tìm kiếm. Vì con người ta sinh ra không phải để trở thành cái USB.

Do vậy, theo tôi, thời kỳ phổ thông chỉ là lúc “khai mở” cánh cửa tư duy lịch sử, chứ không phải chất đầy một pho sự kiện vào đầu học trò.

Rốt cuộc, mục đích thực sự của việc dạy sử là gì?

Cá nhân tôi thấy rằng, mục đích của giáo dục lịch sử ngoài việc khơi dậy tinh thần tri ân quá khứ thì còn phải trang bị cho người ta thứ công cụ sắc bén để có thể tự học lịch sử cả đời, cụ thể là phương pháp tư duy lịch sử.  

Nhưng giáo dục lịch sử phổ thông hiện tại, dường như không quan tâm tới việc đánh thức tiềm năng tư duy sử học trong mỗi học sinh.

 
Một nền sử học công bằng và trung thực cần được xây dựng vững chãi trên cột trụ là những góc nhìn đa chiều, đa dạng. Và điều hạnh phúc nhất của một người học trò đó là được tiếp cận với những góc nhìn đa chiều như thế.
Đây chính là căn bệnh trầm kha của của việc dạy sử. Thay vì hướng dẫn cho học sinh chúng tôi cách phê phán lịch sử thì giáo viên lại bao cấp, phân phát, chất đầy vào đầu óc người học một lô một lốc những sự kiện, những nhân vật, những con số. 
 
Tôi có cảm giác người thầy đang đóng chặt những cuốn sách lịch sử vào đầu học sinh để biến chúng từ lũ trẻ với tiềm năng tư duy vô hạn, trở thành những con cừu tung tăng trên lề lối vẽ sẵn. Những lời bình luận về sử mà học sinh vẫn hằng ngày phải học, phải viết vào bài thi, đều không phải những gì chúng tự chiêm nghiệm thấy sau một quá trình suy ngẫm, mày mò đổ mồ hôi sôi nước mắt, mà đều do học thuộc. Đó là một thực tế đau xót. Việc dạy sử vì mục tiêu thi cử đã tạo ra những cái đầu chỉ cần lặp lại y đúc những gì đã được các giáo sư viết ra, mà không bao giờ biết phê phán và phản biện.

Trong bối cảnh biển Đông đang dậy sóng, chẳng nhẽ chúng ta vẫn muốn tạo ra những con robot chỉ biết nhắc lại những giá trị lịch sử thiêng liêng một cách vô cảm và máy móc? Rốt cuộc, mục đích dạy sử của chúng ta là gì?

Phương pháp nhồi sọ, nhai lại theo tôi chỉ là cái ngọn mỏng mảnh mọc lên từ cái gốc không vững. Là một học sinh cấp 3, tôi xin phép được bàn luận đôi chút về một vấn đề có thể nói là quá tầm, đó là sự đa dạng, đa chiều trong giáo dục lịch sử.

Theo như ý kiến cá nhân tôi, một nền sử học công bằng và trung thực cần được xây dựng vững chãi trên cột trụ là những góc nhìn đa chiều, đa dạng. Và điều hạnh phúc nhất của một người học trò đó là được tiếp cận với những góc nhìn đa chiều như thế. Nó tương tự như việc con người luôn thích làm đẹp với những cái áo đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, hoa văn.

Nhưng dường như giáo viên lịch sử phổ thông hiện nay đang lạc lối trên con đường tới với trái tim học trò khi đã nhét tất cả bọn chúng vào trong một bộ đồng phục quá chật chội: bộ đồng phục ấy chính là góc nhìn lịch sử một chiều, duy nhất, mà đại diện là quyển sách giáo khoa lịch sử (SGK).

Xin đừng hiểu lầm rằng tôi có ý coi thường SGK. Cần phải khẳng định SGK là thành tựu của những bộ óc sử học hàng đầu đất nước. Do vậy, tôi không bao giờ đồng ý với hành động xé SGK, xé đề cương sử như đã xảy ra cách đây mấy năm. Đó là hành động thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với tài năng và tấm lòng của những người thầy.

Nhưng tôn trọng là một chuyện, còn coi những điều được viết trong SGK là những chân lý tối thượng thì lại là một chuyện khác.

Theo như nhận thức hạn chế của tôi, cuốn SGK lịch sử chỉ đơn giản là cuốn cẩm nang có ý nghĩa tham khảo. Nhưng cách dạy sử ở trường phổ thông đang biến những gì được ghi trong cuốn SGK này trở thành những giá trị tuyệt đối, những chân lý bất khả xâm phạm mà học trò không được phản biện. Và thế là SGK nay đã thành cuốn “Kinh Phúc m” của cả một thế hệ người học.

Từ đó có thể suy ra: Dù có tư duy đột phá thì học trò cũng không được phép thoát ra khỏi khuôn khổ chung của cuốn SGK với góc nhìn lịch sử duy nhất mà nó đang áp đặt.

Bác Hồ kính yêu từng khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Và theo tôi, tự do lớn nhất là tự do về tư duy. Thế nên, điều đau khổ nhất của những người học sử chúng tôi là luôn bị trói buộc vào tư duy của các vị giáo sư chứ không được tự tìm ra lối suy nghĩ độc lập của riêng mình.

Tôi xin được hỏi những ai có trách nhiệm, với cách giáo dục áp đặt ấy, học trò chúng tôi sẽ biến thành cái gì: những cái máy photocoppy hay những con người biết tư duy sử học? Lối học áp đặt đấy liệu có xứng đáng để học sinh yêu thích và say mê? Lối học áp đặt ấy liệu có xứng đáng đối với vẻ đẹp đích thực của môn lịch sử?

Niềm tin cho tương lai?

Các nhà giáo dục kính mến! Em biết các thầy đều đau trước sự rẻ rúng của học sinh dành cho lịch sử. Ta khao khát thay đổi, nhưng nhiều khi bất lực vì có những lúc phải thỏa hiệp với cuộc sống. Nhưng thưa các thầy, đã tới lúc thầy trò ta không thể thỏa hiệp.

Ngoài kia, biển Đông đang dậy sóng! Chưa bao giờ, những giá trị vững bền, thâm sâu của lịch sử quan trọng như lúc này.

Hỡi tất cả những người thầy đang đau đáu vì sự hồi sinh, hãy thổi bùng lên những giá trị vĩnh hằng của lịch sử dân tộc! Hãy biến lịch sử thành thứ vũ khí chiến đấu vì vận mệnh giang sơn!

Đừng chờ đợi nữa, đừng do dự nữa! Tất cả những ai đang mang những ước mơ cháy bỏng, chúng ta phải thay đổi! Chúng ta phải hành động! Hãy đứng lên mà chiến đấu vì một nền sử học khai phóng! Hãy đứng lên để vực dậy những giá trị vĩnh hằng của dân tộc!

Khi mà xứ sở này vẫn còn những người thức trắng cùng lịch sử, thì chúng ta có quyền tin vào một tương lai tươi sáng.
 
Khi bên nhau, không có gì là chúng ta không làm được.

Trân trọng.

Chánh Nhân*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một học sinh giỏi quốc gia môn sử 

>> Hiếm học sinh chọn thi môn sử
>> Chỉ hơn 11% thí sinh chọn thi tốt nghiệp môn lịch sử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.