Chan chứa yêu thương
“Tôi còn nhớ ngày hôm đó, một ngày đau khổ và nghiệt ngã vô cùng. Khi bố đã từ bỏ mẹ con tôi mà ra đi mãi mãi. Năm đó, tôi mới là học sinh lớp 2 còn chị là học sinh lớp 6. Những cảm xúc và sự đau đớn trong tôi dường như chưa xuất hiện. Tôi vẫn thản nhiên vui đùa trong khi mẹ tôi đang tột cùng đau khổ, vật vã.
Một người phụ nữ đang mang bầu đứa trẻ vừa tròn 9 tháng phải chịu cảnh mất đi người chồng. Chỉ còn mười ngày nữa thôi, nó đâu quá dài! Tại sao ông trời không để em tôi ra đời sớm hơn để gia đình tôi được đoàn tụ, để bố nhìn thấy em mà có thêm động lực tiếp tục sống? Để tôi không phải đưa ra những câu hỏi ngây ngô: “Sao mẹ và chị cứ khóc suốt vậy, bố đi đâu rồi mà không thấy về chơi đồ hàng với con!”.
Đó là một phần nội dung trong bức thư mang nhan đề “Mẹ của tôi”, bài tham gia cuộc thi viết dành cho người nhiễm HIV và người thân tỉnh Thái Bình năm 2007 vừa lan truyền trên mạng mấy ngày qua đã khiến nhiều người rơi lệ vì xúc động.
Toàn bộ bức thư là những tâm sự của một người con hiếu thảo khi em kể lại những nỗi đau đớn quá lớn về tinh thần xảy ra với tuổi thơ em. Bố em qua đời đột ngột để lại mẹ em bụng mang dạ chửa và 2 chị em của em. Càng đau đớn hơn cho các em sau đó khi hay tin bố mất vì bị HIV, mẹ em cũng bị bệnh do lây nhiễm từ bố. Sự kỳ thị với người nhiễm HIV của mọi người xung quanh ám ảnh tâm trí non nớt các em là những vết thương không thể xóa nhòa.
|
May mắn mẹ em không đầu hàng số phận. Bà tham gia câu lạc bộ Những người có HIV. Căn nhà của mẹ con em trở thành điểm hẹn mỗi tối ngày 21 hàng tháng dành cho những người có HIV. Mẹ em và những người cùng cảnh ngộ vẫn sống vui, khỏe, có ích. Bà còn tham gia chương trình "Người xây tổ ấm" của Đài truyền hình Việt Nam, được tặng “Cup” cho ý tưởng sáng tạo trong ngày phòng chống HIV- AIDS.
Bức thư với chủ đề “Những ước mơ bé nhỏ” của em vừa được post trên mạng đã nhanh chóng đón nhận hàng loạt những lời động viên, chia sẻ chân thành từ những người đọc.
Nhiều người không giấu được sự cảm phục với mẹ em và thật sự xúc động trước sự hiếu thảo, lòng nhân ái bao la của em khi em gửi gắm ước mơ: Tôi mong mình có thể lớn thật nhanh để trở thành bác sĩ tìm ra thuốc điều trị căn bệnh thế kỷ này và tôi cũng mong mình sẽ được đưa mẹ đi nhiều nơi để hiểu biết hơn về thế giới, để nơi đâu cũng có dấu chân của mẹ. Người mẹ anh hùng vô vàn yêu quý của chúng tôi!
Dưới đây là toàn bộ nội dung bức thư đã làm lay động nhiều người "Những ước mơ bé nhỏ" Buổi tối đó, cả nhà đang hồi hộp không ai nói gì cả, nhưng tôi biết mọi người đều đang có một hy vọng lớn. Tối hôm nay, mẹ sẽ được xuất hiện trên truyền hình và sẽ được nhận “cúp” tương ứng với với một ý tưởng sáng tạo trong ngày phòng chống HIV/AIDS. Thế rồi không khí căng thẳng và hồi hộp cũng tan đi trong tiếng cười và niềm hạnh phúc. Tôi có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc của mẹ khi lên nhận giải. Trông mẹ cười thật tươi, nụ cười mà bấy lâu nay tôi không được thấy trên khuôn mặt của mẹ. Ngày hôm sau trên đường đi học về tôi có cảm giác như hôm nay sẽ là ngày đẹp và vui nhất. Ngày mà mẹ tôi về mang theo chiếc “cúp” vinh dự. Không khí thật trong lành, làn gió sớm còn hơi sương lạnh khẽ lướt qua, những tia nắng ban mai đầu tiên đã rọi xuống. Khác hẳn với không khí của bốn năm về trước. Tôi còn nhớ ngày hôm đó, một ngày đau khổ và nghiệt ngã vô cùng. Khi bố đã từ bỏ mẹ con tôi mà ra đi mãi mãi. Năm đó, tôi mới là học sinh lớp 2 còn chị là học sinh lớp 6. Những cảm xúc và sự đau đớn trong tôi dường như chưa xuất hiện. Tôi vẫn thản nhiên vui đùa trong khi mẹ tôi đang tột cùng của sự đau khổ, vật vã. Một người phụ nữ đang mang bầu đứa trẻ vừa tròn chín tháng phải chịu cảnh mất đi người chồng. Chỉ còn mười ngày nữa thôi, nó đâu quá dài. Tại sao ông trời không để em tôi ra đời sớm hơn để gia đình tôi được đoàn tụ, để bố nhìn thấy em mà có thêm động lực tiếp tục sống. Để tôi không phải đưa ra những câu hỏi ngây ngô: “Sao mẹ và chị cứ khóc suốt vậy, bố đi đâu rồi mà không thấy về chơi đồ hàng với con!”. Sự ra đi của bố tôi đã là một sự mất mát và đau khổ lớn của mẹ tôi. Nỗi đau khổ đó dường như dâng lên bội phần khi mẹ phải chịu cảnh dèm pha, xì xèo của hàng xóm. Từ lúc biết bố tôi nhiễm HIV rồi truyền sang cho mẹ thì mọi người đã xa lánh gia đình tôi. Mẹ chạy chợ mà hôm nào cũng ế ẩm, hàng khô thì mốc hết. Nhìn thấy mẹ người ta bàn tán không chỉ sau lưng mà còn trước mặt. Ban ngày thì mẹ cắn răng chịu đựng nhưng ban đêm về tôi mới biết đêm nào hầu như mẹ đều thức trắng đêm. Quá bức xúc khi phải chịu sự kì thị xa lánh của mọi người tôi biết có những lúc tuyệt vọng mẹ đã muốn tìm đến cái chết bằng cách uống thuốc sâu, thuốc ngủ. Chị em tôi đã bàng hoàng nghe được điều đó khi nghe mẹ nói cùng với tiếng khóc trong lời chia sẻ khi tham gia chương trình “Người xây tổ ấm”. Quá khứ đen tối vẫn còn in hằn trong tâm trí chúng tôi. Câu hỏi luôn ở trong đầu tôi là: Tại sao tất cả mọi người lại xa lánh mẹ con chúng tôi. Chẳng lẽ những sự mất mát đau khổ trong gia đình chúng tôi như vậy là chưa đủ, những mơ ước dù là nhỏ nhoi của chúng tôi sẽ không thực hiện được…?! Rồi thời gian cũng dần trôi qua, bằng sự nghị lực kiên cường, mẹ tôi đã vượt qua bao nhiêu đau khổ, tủi nhục để vươn lên. Từ ngày biết rằng không chỉ có mình mẹ bị nhiễm HIV mà còn có biết bao nhiêu người cùng cảnh ngộ đang cần được quan tâm và chia sẻ. Và cũng chính từ đó ngôi nhà của gia đình tôi đã trở thành ngôi nhà chung dành cho những người có HIV đến để tâm sự và cảm nhận sự cảm thông của người khác cũng như cộng đồng đối với mình. Thế là câu lạc bộ người có HIV được thành lập, từ đó tôi thấy mẹ sống vui tươi hẳn lên, mẹ hay cười và ít lo lắng hơn. Cuộc sống của gia đình tôi tuy còn gặp nhiều khó khăn, vì lí do sức khỏe mẹ đã thôi không chạy chợ, nhưng trong ngôi nhà chung của gia đình tôi đã tràn ngập tiếng cười. Mọi người xung quanh đã nhìn gia đình tôi với ánh mắt dịu dàng chứa đầy sự quan tâm, không còn những ánh mắt tò mò soi mói nữa. Và cũng chính từ đó mà chị em tôi cũng không còn phải xấu hổ vì bố mẹ bị nhiễn HIV nữa, thay vào đó là sự ngưỡng mộ và tự hào. Từ khi câu lạc bộ dành cho những người có HIV được thành lập, mẹ tôi và các cô chú trong CLB rất tích cực tìm hiểu các tài liệu liên quan đến việc phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, để từ đó có thể tuyên truyền tới mọi người nhằm giảm thiểu sự lây nhiễm HIV trong gia đình và xã hội. Ngày 21 hàng tháng là ngày mọi người tụ họp tại gia đình tôi cùng nhau hát hò vui vẻ. Nỗi mặc cảm trong mọi người không còn, mẹ sẽ thấy cuộc sống rất tươi đẹp, mẹ vẫn có thể cống hiến khả năng khác nhau của mình cho xã hội. Vậy là mẹ tôi đã đứng lên được một cách vững vàng, và bây giờ tôi chỉ ước một ngày sớm nhất các bác sĩ và chuyên gia sẽ tìm gia loại thuốc để chữa cho mẹ tôi và thế giới này, những người đang mang trong mình căn bệnh HIV. Và những đứa trẻ như chúng tôi sẽ được mọi người quan tâm giúp đỡ để chúng tôi không phải như mẹ, chịu biết bao nhiêu đau khổ. Tôi mong mình có thể lớn thật nhanh để trở thành bác sĩ tìm ra thuốc điều trị căn bệnh thế kỉ này và tôi cũng mong mình sẽ được đưa mẹ đi nhiều nơi để hiểu biết hơn về thế giới, để nơi đâu cũng có dấu chân của mẹ. Người mẹ anh hùng vô vàn yêu quý của chúng tôi! |
Thúy Hằng
>> Trẻ phơi nhiễm HIV trước khi sinh tăng rủi ro mất thính giác
>> Cả nước hiện có khoảng 5.700 trẻ em bị nhiễm HIV
>> Viện Pasteur TP.HCM khảo sát vụ nhiễm HIV tập thể
>> Vụ xóm có 12 người nhiễm HIV bí hiểm: Viện Pasteur TP.HCM vào cuộc
>> Xóm có 12 người nhiễm HIV bí hiểm: Nhiều tình tiết nghi ngờ nguyên nhân lây bệnh
>> Vụ 12 người bị nhiễm HIV bí hiểm: Bệnh nhân nghi ngờ ở khâu bơm rút thuốc
Bình luận (0)