Ban đầu, bức tranh được Sotheby dự tính chỉ bán đến 80 triệu USD, theo Reuters. Thế nhưng, chỉ qua 15 phút đấu giá, một thương gia giấu tên mua với giá 119.922.500 USD, bao gồm phí bảo hiểm từ giá khởi điểm 50 triệu USD. Bức The scream có đến 4 phiên bản giống nhau được danh họa Edvard Munch sáng tác từ năm 1893 đến 1910. Ngoài bức được bán đấu giá, 3 phiên bản còn lại thuộc quyền sở hữu của các bảo tàng.
The scream được cả thế giới biết đến như một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của hội họa hiện đại. Doanh nhân Na Uy Petter Olsen đã rao bán bức The scream vẽ năm 1895. Cha của Olsen là bạn thân đồng thời là người bảo trợ danh họa Edvard Munch. Tác phẩm hội họa siêu đắt này làm lu mờ kỷ lục đấu giá cũ được xác lập khi bức Nude, green leaves and bust của danh họa Picasso bán với giá 106,5 triệu USD tại nhà Christie (Anh) hai năm trước.
|
Bức Femme assise dans un fauteuil của Picasso cũng được nhà Sotheby bán trong dịp này với giá 29,2 triệu USD, Tete humaine của Joan Miro và Printemps necrophilique của Salvador Dali lần lượt được mua với giá 14,86 triệu USD và 16,3 triệu USD. Tổng doanh thu đấu giá của Sotheby đợt này lên đến 330,6 triệu USD.
|
The scream mô tả một người đang bịt tai, gương mặt sợ hãi và miệng thì la thét. Giới phê bình và người thưởng lãm đánh giá tác phẩm lột tả trọn vẹn nỗi kinh sợ, lo lắng hiện hữu của con người trong cuộc sống, bất luận ở thời đại nào. Suốt thế kỷ 20 và bước sang thế kỷ 21, The scream được xem như biểu tượng văn hóa mang tính toàn cầu, một tác phẩm hội họa đương đại ảnh hưởng sâu rộng đến suy nghĩ cũng như nhận thức của đông đảo công chúng, là một trong những tác phẩm nghệ thuật mang tính hình tượng nhất thế giới. The scream còn là ý tưởng để các nhà làm phim thực hiện loạt phim hoạt hình The simpsons, The howl hay phim kinh dị Scream. Tháng 8.2006, Công ty Masterfoods USA - nhà sản xuất kẹo M&M - bắt đầu sử dụng bức tranh The scream để quảng cáo cho loại sô cô la đen.
Ngày 12.2.1994, bốn người đàn ông đột nhập vào Thư viện quốc gia Oslo (Na Uy) lấy cắp một phiên bản The scream. Sau khi từ chối bỏ ra số tiền chuộc 1 triệu USD vào tháng 3.1994, Thư viện quốc gia Oslo đã nhờ đến cảnh sát Na Uy phối hợp cùng cảnh sát Anh truy tìm bọn trộm và thu lại bức The scream vào ngày 7.5.1994. Tháng 1.1996, bốn tên trộm trong đó có Pal Enger - kẻ từng đánh cắp bức Vampire cũng của Munch năm 1988 - bị kết án. Ngày 22.8.2004, các tay súng đeo mặt nạ đột nhập vào Bảo tàng Munch ở Oslo đánh cắp một phiên bản khác trong sê ri The scream vẽ năm 1893. Ngày 8.4.2005, cảnh sát Na Uy đã bắt giữ một nghi can trong vụ án. Ngày 31.8.2006, cảnh sát Na Uy thông báo thu hồi được tác phẩm của Munch và cho phục hồi nguyên trạng.
Tờ The Telegraph (Anh) bình luận bức The scream mang bán đấu giá là bức tranh duy nhất do tư nhân sở hữu, được giới sưu tập săn lùng nhiều nhất do trên đó có bài thơ của chính tác giả ghi lại bằng tay ý tưởng khi thực hiện tác phẩm trên khung tranh.
Đỗ Tuấn
>> Tuyệt tác “Scream” “trẻ lại” gần 20 tuổi
>> Tiếng thét và Madonna được đem ra trưng bày
>> 24 năm tù cho bọn trộm tranh của danh họa Munch
Bình luận (0)