Bức tranh đau thương về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
02/08/2022 06:58 GMT+7

Khi Thế chiến 2 đi vào giai đoạn kết thúc thì tại Việt Nam xảy ra sự kiện nạn đói năm Ất Dậu 1945, cướp đi mạng sống của hơn 2 triệu người Việt . Đây không chỉ là sự kiện tàn khốc nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam, mà còn là một trong những nạn đói kinh hoàng nhất từng xảy ra trong lịch sử nhân loại.

Dù hơn 70 năm trôi qua nhưng những câu chuyện về nạn đói năm 1945 và những hình ảnh đau lòng vẫn còn là cơn ác mộng khó quên trong ký ức của những người từng biết đến sự kiện này. Ở đâu cũng nhìn thấy xác người chết đói. Hình ảnh những hố chôn người tập thể trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi biết bao thế hệ… Trong hồi ức của nhiều người vẫn còn hình ảnh những chiếc xe bò chở xác người trên phố Hà Nội buổi sáng tinh sương, hình ảnh người nằm chết la liệt khắp các con đường, hình ảnh những người kiệt sức, còng queo xếp hàng dài nối nhau đi xin ăn…

NXB

NXB Chính trị Quốc gia Sự thật và Omega+ vừa xuất bản tác phẩm Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử (ảnh), của hai học giả Việt - Nhật là Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furuta Motoo. Cuốn sách được thực hiện công phu, nghiêm túc, là kết quả của 3 đợt điều tra và khảo sát thực tế có quy mô lớn vào các năm 1992, 1993 - 1994, 1994 - 1995 ở 23 điểm thuộc 21 tỉnh, thành phố từ tỉnh Quảng Trị trở ra. Các tác giả đã nghiên cứu và khảo cứu công phu, tìm hiểu chi tiết các tư liệu lịch sử, khảo sát trực tiếp những địa điểm xảy ra nạn đói, phỏng vấn những nhân chứng lịch sử để dựng lại khá toàn diện bức tranh về nạn đói, làm rõ số lượng hơn 2 triệu người chết đói; nguyên nhân dẫn đến nạn đói. Tác phẩm còn cung cấp cho độc giả góc nhìn toàn diện, đầy đủ và có hệ thống những chứng tích về sự mất mát, đau thương mà nhân dân Việt phải gánh chịu trong lịch sử, với lượng tư liệu đồ sộ và các phân tích khoa học, như gạch nối giữa hiện tại và quá khứ đau buồn.

Nhờ sự hợp tác của tri thức từ cả hai nước, đây là công trình công phu độc nhất có cái nhìn khách quan thấu suốt vào sự thật lịch sử nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Việc tìm hiểu, nghiên cứu về sự kiện này và những hậu quả của nó có ý nghĩa không chỉ đối với các nhà nghiên cứu để tìm hiểu về hiện thực lịch sử đã diễn ra mà còn có tác dụng đối với việc lên án những tội ác của chủ nghĩa phát xít, sự tàn bạo của chiến tranh và tăng cường củng cố hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Giáo sư Văn Tạo là Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam từ năm 1980 - 1989. Trong hơn nửa thế kỷ làm công tác nghiên cứu lịch sử, ông đã để lại một sự nghiệp khoa học đồ sộ với gần một trăm đầu sách (kể cả in chung), cùng hơn 200 bài viết công bố trên nhiều tạp chí, trong các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Còn Giáo sư Furuta Motoo là Viện trưởng Viện Cao học văn hóa tổng hợp kiêm Hiệu trưởng Trường Đại cương (ĐH Tokyo); Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Đông Nam Á.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.