Hậu Giang có tổng diện tích tự nhiên 162.223 ha; trong đó đất nông nghiệp 140.371 ha, chiếm 86,53%. Toàn tỉnh hiện có trên 728.290 người, trong đó 71,9% sinh sống ở khu vực nông thôn. Tính đến tháng 9.2024, cơ cấu khu vực I (nông - lâm - thủy sản) chiếm 21,95% trong cơ cấu GRDP của Hậu Giang và đóng góp hơn 12.840 tỉ đồng.
Những gam màu sáng
Giai đoạn 2021 - 2023, Hậu Giang chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa 14.980 ha. Trong đó, diện tích chuyển sang trồng cây hằng năm 973 ha, trồng cây lâu năm 2.197 ha, trồng lúa kết hợp với nuôi thủy sản 11.810 ha. Những chuyển đổi cơ cấu này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2- 4 lần so với trồng lúa.
Đến nay, Hậu Giang đã hình thành các vùng chuyên canh, tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: vùng nuôi tập trung cá tra (H.Châu Thành, H.Phụng Hiệp, TP.Ngã Bảy), cá thát lát (H.Phụng Hiệp), nuôi lươn (H.Long Mỹ, H.Vị Thủy), cá đồng (H.Phụng Hiệp, H.Vị Thủy, H.Long Mỹ). Vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở H.Phụng Hiệp, H.Vị Thủy, H.Châu Thành A, H.Long Mỹ... Vùng chuyên canh cây ăn trái (bưởi da xanh, chanh không hạt, mít, xoài, sầu riêng, mãng cầu xiêm, khóm…) ở H.Châu Thành, H.Châu Thành A, H.Phụng Hiệp, H.Long Mỹ...
Hậu Giang đã có 132 mã số vùng trồng được chứng nhận (diện tích 2.365 ha, 44.399 tấn sản phẩm) và 9 mã số đóng gói. Diện tích sản xuất được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP 1.427ha (sản lượng 27.891 tấn), chủ yếu là lúa, khóm, sầu riêng, bưởi, mít, chanh, xoài, dưa hấu… Diện tích chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP 229 ha (sản lượng 3.659 tấn), chủ yếu là lúa, mít, mãng cầu xiêm, sầu riêng, chanh, khóm. Tỷ lệ cơ giới hóa trong canh tác lúa đạt 100% khâu làm đất và thu hoạch. Nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến được ứng dụng trong sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện và trên 80% diện tích đất sản xuất được tưới tiêu chủ động.
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, đến nay, Hậu Giang đã có 41/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 3/8 đơn vị cấp huyện (TP.Ngã Bảy, TP.Vị Thanh, H.Châu Thành A) được công nhận hoàn thành, đạt chuẩn nông thôn mới. Hậu Giang hiện có tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt trên 80% và 100% trung tâm xã đảm bảo đường giao thông từ trụ sở đến UBND cấp huyện được trải nhựa, cứng hóa.
Toàn tỉnh đã đánh giá, phân hạng, cấp giấy chứng nhận 266 sản phẩm OCOP với 125 chủ thể đăng ký tham gia trong đó 92 sản phẩm 4 sao, 174 sản phẩm 3 sao. Hậu Giang cũng có 11 sản phẩm đăng ký dự thi OCOP 5 sao của T.Ư. Từ năm 2020 đến nay, Hậu Giang giải quyết việc làm cho 79.770 người và đào tạo nghề cho hơn 44.095 người. Toàn tỉnh đã xây dựng 77 mô hình giảm nghèo quy tụ 1.172 hộ tham gia. Đến cuối năm 2023, Hậu Giang còn 6.611 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,29%) và 6.741 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,36%.
Tam nông tương lai
Ngày 5.9 vừa qua, Tỉnh ủy Hậu Giang đã có báo cáo số 601- BC/TU (BC601) tổng kết 5 năm thực hiện Kết luận số 54- KL/TW ngày 7.8.2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông).
Theo báo cáo, từ nay đến năm 2030, Hậu Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP (nông - lâm - thủy sản) đạt bình quân 3,05%/năm, tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 5,5- 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn đạt bình quân hơn 10%/năm. Tỷ lệ xã nông thôn mới đạt 100%. Số xã nông thôn mới nâng cao đạt trên 50%. Số xã nông thôn mới kiểu mẫu đạt hơn 20%. Số đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới đạt 75%... Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng tối thiểu 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 90%. Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%...
Ông Trần Văn Huyến, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, khẳng định thời gian tới nông dân và cư dân nông thôn sẽ có trình độ, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực. Quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp ở những vùng có điều kiện lợi thế. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tổ chức đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Bình luận (0)