|
Quanh đi quẩn lại, người nông dân lúc nào cũng thiệt. Nỗi khổ của người nông dân là hệ lụy tất yếu của một ngành nông nghiệp thiếu đồng bộ, lỏng lẻo, thiếu tính định hướng…
Khởi đầu cho bức tranh này là tháng 1.2014. Trong khi người nông dân ở các tỉnh ĐBSCL đang điêu đứng vì lúa gạo tồn kho quá nhiều và vấn đề giá cả, thì Chính phủ và các doanh nghiệp cũng đang đau đầu tìm đầu ra cho gạo, cũng như hỗ trợ người nông dân. Vì đâu nên nỗi?
Nhà nước có nhiều chương trình cải tiến trong nông nghiệp, đẩy mạnh nhiều biện pháp hỗ trợ người nông dân, nhưng dường như ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu tính định hướng, để đến khi người nông dân than trời than đất, doanh nghiệp kêu lên kêu xuống thì lúc này mới ngồi lại tháo gỡ vấn đề.
Tháng 2.2014, hàng loạt người dân trồng bắp cải từ Đà Lạt tới các tỉnh thành miền tây như Đồng Tháp, Cần Thơ đều chịu chung cảnh lỗ nặng. Giá tại ruộng dao động từ 500 - 1.000 đồng/kg, trong khi đó tại TP.HCM, giá lại được đội lên gấp 15 - 20 lần. Còn một số nơi thì giá cũng chẳng dao động là mấy.
Nếu xét theo quy luật cung cầu, thì khi một mặt hàng có lượng cung trong xã hội tăng lên đột biến trong khi lượng cầu thay đổi không đáng kể thì giá cả mặt hàng đó sẽ theo chiều hướng giảm. Nay thì ngược lại, chỗ thừa chỗ thiếu làm xuất hiện đầu cơ giá cả, trong khi người nông dân lại chịu lỗ nặng. Sự phân phát trong xã hội không đều, để mặc cho người dân tự bơi, cộng với hàng loạt nông phẩm cạnh tranh giá rẻ từ Trung Quốc qua con đường nhập lậu, là điều khiến người dân rơi vào tình cảnh như hiện nay.
Tháng 3.2014, người ta lại nhắc nhiều đến dưa, và nó cũng chẳng khác gì so với bắp cải ở Đà Lạt. Đơn giản vì người dân dù có trồng dưa, trồng cải, hay trồng lúa, cũng đều khổ như nhau. Người nông dân với tầm nhìn hạn chế, cộng thêm đó là tâm lý đám đông, nên đâu thể dự liệu được nền kinh tế để mà chạy theo. Mà cái căn bản là ở đất nước có truyền thống nông nghiệp như Việt Nam, làm nông như một cái nghiệp của nông dân, cho dù thế nào họ cũng bám víu vào hai chữ “Nông nghiệp”.
|
Qua đó mới thấy được sự ảnh hưởng của Nhà nước trong việc định hướng sản xuất, tư vấn và hỗ trợ người nông dân lớn đến nhường nào. Tạo cho ngành nông nghiệp Việt Nam một lối đi đúng đắn để phát triển thông qua việc áp dụng công nghệ kỹ thuật vào cuộc sống, cải tiến sản xuất để nâng cao hiệu quả và năng suất lao động, kèm theo đó là sự hỗ trợ, tư vấn tận tình đến bà con nông dân và doanh nghiệp, là một yêu cầu cấp thiết đối với các nước đang phát triển, đặc biệt đối với một nước có truyền thống nông nghiệp như Việt Nam.
Muốn cho “Dân giàu nước mạnh” thì trước hết phải cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, một tầng lớp chiếm đa số trong xã hội hiện nay.
Kết thúc quý 1.2014 với nhiều biến động trong ngành nông nghiệp, mọi con mắt đều đổ dồn vào những diễn biến tiếp theo của ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Và rồi mọi thứ lại tiếp diễn như hiện tại hay sao? Đối với người nông dân trồng lúa họ nhìn thấy thu hoạch vụ hè thu đang trước mắt, rồi sau đó thì sao nữa…?
Rồi đây, việc nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bằng cách giảm lãi suất cho vay, cộng thêm một lượng tiền lớn hỗ trợ bất động sản trong nước, sẽ làm gia tăng lượng cung tiền trong nền kinh tế, làm cho nhu cầu tiêu dùng trong xã hội được đẩy lên cao. Điều đó sẽ trực tiếp đẩy CPI đi lên...
Đi tìm giải đáp cho câu hỏi “Bao giờ nông dân hết khổ?” hay phủ định lại câu khẳng định “Người nông dân khổ lại hoàn khổ”, âu cũng là vấn đề đau đầu cho các nhà quản lý. Lựa chọn bức tranh nào cho nền nông nghiệp Việt Nam? Câu trả lời lại nằm ở chính các nhà chức trách.
Nguyễn Cường *
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một bạn đọc đang sống và làm việc tại TP.Đà Nẵng
>> Dưa hấu ế đồng, nông dân điêu đứng
>> Bao giờ nông dân hết khổ?
>> Không chỉ nông dân khóc
>> Đừng để nông dân 'chết' oan
>> Nông dân mất tiền vì thương lái “đểu”
>> Gần 90% nông dân phải mua giống khoai lang trôi nổi
Bình luận (0)