Bao giờ nông dân hết khổ?

24/03/2014 02:34 GMT+7

Hình ảnh người nông dân bất lực trước chính các sản phẩm của mình đang đặt câu hỏi cho các cơ quan có thẩm quyền về chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm, 22.000 con bò Úc được nhập vào VN, cộng với khoảng 3.000 con "tuồn" vào theo đường nhập lậu mỗi ngày... khiến thị trường thịt bò nội địa đang dựa chủ yếu vào nguồn bò ngoại. Dự báo năm nay, chỉ riêng nhập khẩu bò Úc sẽ tăng gấp khoảng 3 lần năm 2013, lên gần 200.000 con. Ngược lại với sự tăng trưởng vũ bão ở đầu nhập khẩu, người chăn nuôi nước ta đang cơn bĩ cực vì rớt giá. Thống kê trong vòng 2 năm qua, họ đã lỗ tới 27.000 tỉ đồng và tình trạng lỗ vẫn đang được tiếp tục với mức độ ngày càng trầm trọng. Gần đây, nhiều người trồng rau ở Đồng Tháp đang phải nhổ bắp cải đổ trôi sông vì giá bán chỉ bằng 1/4 giá thành mà vẫn không có ai mua. Như vậy, tiếp theo vụ nhổ hoa, cắt rau cho bò ăn ở Đà Lạt cách đây chưa lâu (mà không ít người nghĩ chỉ là hiếm hoi), một lần nữa chúng ta lại chứng kiến cảnh chua chát khi người nông dân phải tự tay nhổ bỏ chính những sản phẩm mà họ tốn bao công sức chăm bón. Thế nhưng, mỗi đêm vẫn có hàng ngàn tấn rau củ quả Trung Quốc được đưa về các chợ đầu mối rồi từ đó "tỏa" đi khắp chợ lẻ. Ở các tỉnh giáp ranh biên giới, người ta công khai "đánh" hàng lậu vào nội địa. Hàng chính ngạch, hàng nhập lậu... cùng “hiệp lực” bóp nghẹt sản xuất nuôi - trồng trong nước trong sự bao che và bất lực của các cơ quan có thẩm quyền.

Bi kịch không kém, người nông dân trồng lúa - nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới của VN - đang khóc ròng ngay giữa vụ mùa bội thu bởi lúa gạo thế giới mất giá. Điều đáng nói là nguy cơ dư thừa, dự báo giá giảm... đều có trước. Đặc biệt, chiến lược giảm đất lúa, trồng màu cũng đã được phê duyệt nhưng những người có trách nhiệm chẳng ai "xắn tay" vào thực hiện. Bao nhiêu diện tích đều dồn vào trồng lúa. Kết quả là lúa tồn kho, giá giảm ngoài thị trường và người nông dân chỉ còn biết kêu trời.

Một số chủ trang trại chăn nuôi đang có ý định ngưng nuôi heo, gà chuyển sang nuôi bò thịt dù các chuyên gia và cả lãnh đạo ngành nông nghiệp đều cho rằng chúng ta không có lợi thế để phát triển đàn bò. Chắc chắn người trồng lúa sẽ vẫn tiếp tục "trám" hết diện tích mình có cho cây lúa dù nguồn cung trên thế giới được dự báo dư thừa. Cũng không có gì bảo đảm những người nhổ hoa, nhổ rau cho bò ăn hay thả trôi sông hôm nay sẽ dừng lại ở vụ sau... Bởi đó là nghề của họ. Họ chắc chắn sẽ tiếp tục và rất có thể mùa sau chúng ta sẽ phải tiếp tục chứng kiến những chuyện đau lòng như nói trên; chứng kiến nghịch lý trồng-chặt, chặt - trồng đeo bám ngành nông nghiệp hay chăn nuôi lệch pha với thị trường và cuộc chiến không cân sức với hàng nhập lậu từ Trung Quốc.

Chúng ta nói nhiều đến "chiến lược", "tái cơ cấu", đến đề án nọ, chương trình kia... nhưng các giải pháp áp dụng trên thực tế lại chỉ mang tính đối phó. Nếu cứ như vậy, bao giờ nông dân mới hết khổ?

Nguyên Hằng

>> Tỏi được mùa, mất giá
>> Vẫn lo được mùa mất giá
>> Thách thức trong nhiệm kỳ mới: Phá bỏ nghịch lý được mùa mất giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.