Sáng qua 5.1, Bộ VH-TT-DL đã công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành năm 2012. Có tới 3 sự kiện liên quan đến di sản lọt vào danh sách: tín ngưỡng Hùng Vương được vinh danh di sản UNESCO, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm trở thành di sản tư liệu thế giới và vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên. Bên cạnh đó, 2 nhóm sự kiện “đến hẹn lại lên” cũng được vinh danh là: nhóm các hoạt động nhân năm hữu nghị (Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Ấn Độ…) và nhóm các hoạt động thi đua khen thưởng (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú). Ngành du lịch cũng có thành tích đón, phục vụ khách được đưa vào danh sách này.
Số còn lại là: khánh thành tượng Bác Hồ với các dân tộc Tây nguyên tại Gia Lai và tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm cấp quốc gia; Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 18, thành công của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế; ngày hội văn hóa thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận năm 2012 và khánh thành cụm tháp Chăm tại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam.
Có thể thấy những sự kiện được chọn là tiêu biểu hoàn toàn không có những “điểm nóng” đã gây cơn sốt trong dư luận trong năm qua. Không có việc các di sản bị hủy hoại. Càng không có “kỷ lục ngược” của trào lưu nghệ sĩ ăn mặc phản cảm. Về điều này, ông Phạm Đình Tân, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL cho biết: “Danh sách chỉ gồm sự kiện nổi bật. Trước đây, chúng tôi từng bình bầu những sự kiện nổi cộm. Tuy nhiên, sau đó cũng có góp ý từ chính báo chí là nên động viên khích lệ, hóa giải hiềm khích, định hướng năm mới bằng sự tốt đẹp. Những cái chưa được trong năm đã có kỷ luật, thậm chí kỷ luật nặng. Vì thế, nếu báo chí cần thì sang năm chúng tôi lại bổ sung”.
Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng cho biết những điều “nổi cộm” mà ông Tân nói, trong tổng kết ngành, Bộ sẽ làm rất rõ để rút kinh nghiệm. Chính vì thế, có thể nói, nhóm các sự kiện tiêu biểu trên chỉ là phần “nổi” tiêu biểu của hoạt động văn hóa.
Tôn vinh phải bền vững
Nhưng phát triển văn hóa không chỉ là chuyện kiểm điểm. Nó phải là những thực hành văn hóa đúng liên tiếp nhiều năm. Kể từ khi cố đô Huế trở thành di sản văn hóa thế giới đầu tiên tại Việt Nam đã 20 năm trôi qua. Sau Huế, nhiều di sản trong nước khác cũng gia nhập danh sách này. Tuy nhiên, hiện ngành VH-TT-DL có chưa có một điều tra tổng thể để so sánh tình trạng di sản trước và sau khi nhận danh hiệu. Vậy, điều gì đảm bảo sự bền vững của 3 di sản được tôn vinh trong danh sách “nổi bật” năm nay?
|
Con số thống kê khách du lịch từng được Báo Thanh Niên chứng minh là không chính xác cũng xuất hiện trong các sự kiện nổi bật.
Tại buổi công bố hôm qua, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hoàng Thị Điệp cho biết, con số của Tổng cục Thống kê còn chưa tính đến số khách tàu biển của ngành, dù con số này không phải nhỏ. Có vẻ như bà Điệp gián tiếp muốn nói con số đáng lẽ phải lớn hơn (?!).
Sự kiện trao giải thưởng, danh hiệu chỉ là việc định kỳ. Việc xét giải năm qua cũng có lùm xùm vì “quên” nhạc sĩ Phạm Tuyên khi mới khởi động. Việc xét thưởng cũng thường có ý kiến trái chiều. Vậy nhóm sự kiện này liệu có nên được xếp vào danh sách? Trường hợp tôn vinh năm quan hệ với các nước cũng vậy. Là việc thường xuyên thực hiện, nếu không có đột phá trong cách tổ chức, liệu nó có nên được tôn vinh tiêu biểu? Bởi nếu kéo dài việc tôn vinh các sự kiện định kỳ như vậy, ta đã “hành chính hóa” việc tôn vinh này.
Lý Nhã Kỳ phải học “phụ đạo” về di sản “Điều khó là Đại sứ du lịch phải tự bỏ tiền để hoạt động quảng bá”, một lãnh đạo ngành VH-TT-DL nói bên lề gặp mặt báo chí hôm qua. Trên thực tế, điều khó này chính là thế mạnh của Lý Nhã Kỳ. Theo thông tin từ Cục Hợp tác quốc tế của Bộ VH-TT-DL, nữ đại sứ đã chi nhiều tiền cho các hoạt động quảng bá vịnh Hạ Long. Thậm chí để quảng bá di sản này tại Hồng Kông, cô đã chi toàn bộ tiền tổ chức hội thảo, trong khi Bộ chỉ phải chi cho đoàn múa 5 người. Nhưng tiền cũng là điều khiến Lý Nhã Kỳ bị “ném đá”. “Nhiều cư dân mạng cho rằng Kỳ cậy tiền”, đại diện báo chí của nữ đại sứ cho biết. “Tôi cho rằng điều này không hoàn toàn thỏa đáng nếu nhìn từ góc độ công nghiệp văn hóa”, PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nói. Theo ông Quang, Lý Nhã Kỳ có ngoại hình đẹp, ngoại ngữ tốt và các mối quan hệ cần thiết. Chính vì thế, cô hoàn toàn có thể đảm nhận tốt vai trò này. Tất nhiên, Cục Hợp tác quốc tế cần tư vấn cho nữ đại sứ một chiến lược xây dựng hình ảnh cần thiết. Trong chiến lược này, kiến thức nhất định để quảng bá di sản cũng là điều cần thiết. Bản thân ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cũng đã chuẩn bị “độ lùi” cần thiết cho việc Lý Nhã Kỳ có “đỗ” kỳ đại sứ tới hay không. “Ngay cả khi Kỳ không là đại sứ, chúng tôi vẫn mời cô ấy tham gia các hoạt động quảng bá văn hóa”, ông Tình nói. Đại diện của Lý Nhã Kỳ cũng cho biết, nếu không được chọn làm đại sứ, cô vẫn tiếp tục giúp đỡ (tài chính) với tân đại sứ du lịch. Tuy nhiên, khả năng thắng cử của Kỳ có vẻ khá cao khi nhận được hậu thuẫn của ông Tình. Bản thân ông Tình cũng đã có kế hoạch để Lý Nhã Kỳ tham gia giới thiệu và vận động cho Tràng An (Ninh Bình) trở thành di sản văn hóa thế giới. “Chúng tôi sẽ có tập huấn cho Lý Nhã Kỳ về hồ sơ giá trị của di sản này. Dự kiến tập huấn sẽ kéo dài trong vài ngày. Là người thông minh, cô ấy sẽ nắm được”, ông Tình chia sẻ. |
Trinh Nguyễn
>> 10 sự kiện tiêu biểu của ngành y tế VN năm 2012
>> Lý Nhã Kỳ vận động cho VN đăng cai tổ chức ASIAD 2019
>> Lý Nhã Kỳ quảng bá du lịch Việt Nam tại Hồng Kông
>> Phát động ứng cử Đại sứ du lịch Việt Nam
Bình luận (0)