Ông Hà Tất Thắng, hướng dẫn viên tiếng Anh hơn 30 năm, có bài viết cho Thanh Niên xung quanh việc TP.Hà Nội xóa bỏ cà phê đường tàu gây dư luận trái chiều những ngày qua.
Điểm du lịch độc đáo và duy nhất
Tôi lớn lên trong căn phố nhỏ của Hà Nội, sát với Phùng Hưng - nơi có đường tàu xe lửa chạy từ ga Hàng Cỏ (tên gọi cũ của ga Hà Nội) đến ga Long Biên. Tuổi thơ tôi cũng vì thế gắn bó mật thiết với đủ loại trò chơi dọc theo con phố Phùng Hưng và đoạn đường tàu của nó.
Du khách nước ngoài ngơ ngác khi cà phê đường tàu bị rào chắn vào tối 14.9 |
Quang huy |
Ngày đó không có nhiều nhà xây sát với đường ray như bây giờ. Con phố đường tàu thực sự chỉ được hình thành sau đợt những gia đình đi kinh tế mới quay lại thủ đô. Cũng giống như mọi con phố của Hà Nội, phố đường tàu có cuộc sống riêng của nó. Cà phê đường tàu hình thành từ khi những vị khách vãng lai đến đây nhâm nhi tách trà cùng cư dân địa phương để cảm nhận cuộc sống khác lạ pha chút mạo hiểm mỗi khi tàu chạy ngang qua.
Rồi một đồn mười, mười đồn trăm. Thế là mọi người rủ nhau đến con phố đường tàu này để uống thì ít mà tận hưởng cảm giác thú vị, khó tả nói trên thì nhiều. Sau đó, mạng xã hội mang du khách nước ngoài đến nơi này, dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo riêng có của Hà Nội và Việt Nam. Đó có thể được xem là tài nguyên du lịch vô giá, bởi không dễ gì có được, kể cả trên thế giới.
Phố cà phê đường tàu đóng cửa, khách nước ngoài tiếc nuối ‘quay đầu’ |
Cứ thế, du khách nước rủ nhau tới đây chỉ để ngắm đường tàu cùng những quán cà phê nhỏ nhất thế giới, bởi vì lâu thật lâu mới có một đoàn tàu chạy qua. Trang tư vấn du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor đã đưa cà phê đường tàu vào hàng thứ hai trong những điểm phải đến khi hướng dẫn du khách thăm Hà Nội. Cuộc sống của cà phê đường tàu cứ thế trôi qua và chưa hề có một tai nạn nào xảy ra.
Cho tới năm 2020 người ta chợt nhận ra rằng, quá đông du khách tụ tập tới đây và nếu rủi ro có tai nạn xảy ra thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Và thế là, Bộ GTVT đề nghị TP.Hà Nội dẹp cà phê đường tàu. Sau đó, vì đại dịch, cà phê đường tàu rơi vào quên lãng cho đến tháng 4 năm nay, vì nhu cầu của cả người dân buôn bán và du khách, cà phê đường tàu mở cửa trở lại. Nhưng một lần nữa, Bộ GTVT đề nghị đóng tiếp.
Chính quyền địa phương nhắc nhở người dân tránh xa đường tàu tối 14.9 |
quang huy |
Đóng thì dễ, quản lý để phát triển mới khó
Tôi từng đưa một gia đình du khách người Brazil đến chợ đường tàu Maeklong gần Bangkok, Thái Lan. Chợ được họp ngay trên đường ray xe lửa. Ngày nào cũng như ngày nào, chợ họp đông vui, tấp nập vì ngoài những người tới chợ mua sắm còn có cả hàng ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về để thăm một địa điểm nổi tiếng của du lịch Thái Lan. Cũng giống như cà phê đường tàu của Việt Nam, nơi này là độc nhất vô nhị.
Mỗi khi có đoàn tàu sắp qua là y như được báo trước, người bán bắt đầu kéo hết các sạp hàng với đầy đủ vật phẩm trên đó lùi vào và để lộ ra đường ray cùng khoảng không vừa đủ để con tàu chạy lọt qua. Như vậy, so về độ nguy hiểm đối với những người có mặt ở chợ khi tàu chạy qua thì cà phê đường tàu của Việt Nam "chưa là cái đinh gì". Tuy vậy Thái Lan vẫn không dẹp chợ đường tàu.
Phải chăng các nhà quản lý Thái Lan không nghĩ rằng, khai tử cái chợ ấy là một việc quá đơn giản, còn chung tay, dám chịu trách nhiệm để tổ chức cho chợ được tồn tại một cách bài bản thì đất nước sẽ có một tài nguyên du lịch vô giá, một sản phẩm du lịch có một không hai? Khi du khách ùn ùn đổ về đây, suy cho cùng, người được hưởng lợi chính là người dân và đất nước Thái Lan.
Đoàn tàu ngang qua phố cà phê ngăn nắp gọn gàng trước khi bị "bức tử" |
yến nhi |
Tính kế thu hút khách, thay vì xóa bỏ
Tại Việt Nam, hành lang an toàn giao thông đường sắt được quy định trong Luật là hành lang an toàn áp dụng cho tất cả các cung đường nơi có xe lửa đi qua, những nơi mà tốc độ của các đoàn tàu có thể đạt tới 40, 60 km/giờ hoặc hơn. Còn đối với các đoạn đường sắt chạy qua thị trấn, thị xã và đặc biệt là khu vực nội đô của các thành phố thì tốc độ được giới hạn lại rất nhiều. Đối với thủ đô Hà Nội, tốc độ chạy tàu trên cung đường từ ga Giáp Bát ở phía nam cho tới ga Long Biên ở phía bắc được giới hạn còn khoảng 10 - 15 km/giờ.
Vì vậy, nếu TP.Hà Nội và ngành đường sắt ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc nhằm thiết lập thêm một số biện pháp bảo đảm an toàn và quy định tốc độ chạy tàu trong cung đoạn từ ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt ở phía nam tới cây cầu sắt bắc ngang qua phố Cửa Đông ở phía bắc (một phần của đoạn Giáp Bát - ga Hà Nội - Long Biên ) còn lại dưới 10 km/giờ, bằng với tốc độ của người đi bộ thì lo gì tai nạn xảy ra. Thậm chí, với tốc độ quy định cũ, cao hơn nhiều đã bao giờ có tai nạn nào xảy ra?
Nếu làm được như vậy, Hà Nội đâu đến nỗi mất đi một địa danh du lịch hấp dẫn, một tài nguyên du lịch độc đáo, có một không hai? Vả lại nếu khách du lịch cứ ùn ùn đổ đến thì người hưởng lợi đầu tiên chính là người dân của thủ đô.
Chúng tôi, những người trực tiếp làm du lịch lấy làm lạ là trong suốt những ngày qua không thấy ngành du lịch địa phương, Tổng cục du lịch và Bộ VH-TT-DL lên tiếng về sản phẩm du lịch bị chối bỏ này. Tại sao ngành du lịch không đưa ra phương án đề xuất để giữ lại đường tàu, chung tay phát triển thành một sản phẩm du lịch?
Các nước trên thế giới tốn không biết bao nhiêu tiền của để tạo lập ngày một nhiều hơn các điểm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách. Còn ở Việt Nam, điểm đến, sản phẩm độc đáo có sẵn như phố cà phê đường tàu lại bị "bức tử".
Bình luận (0)