Bức tử suối nước nóng Bang

16/03/2012 09:53 GMT+7

Gần 10 năm với các lời “vẽ” cao xa  và bị biến thành bãi ngâm gỗ, giờ suối nước nóng Bang (xã Kim Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) trở thành hoang phế.


Khu du lịch cao cấp hoang phế sau nhiều năm khởi công - Ảnh: T.Q. Nam

Hành trình đau khổ

Mỏ nước khoáng nóng suối Bang có các điểm lộ nước khoáng nóng với nhiệt độ sôi kỷ lục ở 105 độ C. Đây là điều rất đặc biệt và trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân Quảng Bình. Lúc còn nguyên dạng, đến đó có cảm giác như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh bởi hơi nước từ các mỏ len qua các lùm cây tỏa lên giữa rừng núi. Ở các điểm sôi trên mặt đất, có thể luộc chín các loại thức ăn. Trên dòng suối cách các mỏ sôi một đoạn vẫn còn một bể tắm hoang sơ là nơi ngày xưa bộ đội tắm rửa, chữa trị bệnh tật, vết thương; người dân địa phương vẫn thường tắm ở đó. Để phát huy lợi thế hiếm có này, tỉnh Quảng Bình đã chấp nhận cho các công ty vào đầu tư. Tuy nhiên, tất cả những kỳ vọng, mong muốn đều sụp đổ. Đầu năm 2004, Công ty du lịch và nước khoáng Cosevco  khánh thành đưa vào sử dụng khu du lịch sinh thái và điều dưỡng suối Bang với số vốn xây dựng giai đoạn 1 trên 5 tỉ đồng, trong tổng dự án số 50 tỉ đồng sẽ đầu tư. Thế nhưng, sự manh mún, thiếu bài bản đã giết chết khu du lịch này. Mấy năm trời sau chẳng thấy cái gọi là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với đầy đủ các hạng mục như dự án ban đầu, mà chỉ có những hình ảnh hoang phế, bừa bộn, lổm nhổm.

Trước hiện trạng đó, tháng 9.2007, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Đông Dương (Hà Nội) dự án Khu nghỉ dưỡng, phục hồi chức năng suối nước nóng Bang với tổng số vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng, tiến độ thực hiện 4 năm. Phát biểu tại lễ khởi công rầm rộ, nhà đầu tư nói mục tiêu của dự án là tạo lập một khu du lịch văn minh với môi trường sinh thái, hấp dẫn theo xu hướng phát triển bền vững với những đặc trưng riêng; dựa trên tiêu chí bảo tồn, tôn tạo và phát triển cảnh quan khu vực. Thực tế, sau gần 5 tháng Công ty Đông Dương “đầu tư”, ghi nhận của chúng tôi cho thấy ngoài những rách nát mà công ty cũ để lại thì có điều mới là con suối này đã ngưng chảy. Trước kia nước trong, chảy róc rách nhưng giờ đọng lại thành vũng có màu đục đen, bề mặt sủi bọt và nổi rong rêu. Nguyên do Công ty Đông Dương cho phá các lùm cây, đổ đất lấp toàn bộ các điểm sôi tự nhiên-mạch nguồn của suối; những mỏm đá kết tạo qua hằng trăm ngàn năm huyền ảo trong sương khói cũng bị ủi. Cảnh quan bị phá vỡ hoàn toàn, khu mỏ sôi bị xóa sổ.

Bao giờ hồi sinh?

Theo quy hoạch phê duyệt cho Công ty Đông Dương sẽ có khu trung tâm suối Bang, khu vực điều hành và đón tiếp ven sông, khu vui chơi thể thao giải trí, khu biệt thự ven suối Bang, khu biệt thự nghỉ dưỡng ven sông, trường quay, làng văn hóa dân tộc, trung tâm thể thao thành tích cao, sân golf, biệt thự cao cấp.

Thời gian thực hiện dự án đã hết, PV Thanh Niên trở lại suối Bang thì hỡi ôi vẫn cảnh tượng hoang tàn đổ nát như 4 năm về trước. Đường sá lầy lội, ngổn ngang, các khu nhà cũ ngày càng xập xệ xuống cấp hơn. Ngoài những cái đã phá như mỏ nước sôi, cảnh quan thì sản phẩm duy nhất của công ty đó là dãy nhà 4 tầng không cửa trơ trọi như lô cốt, một nửa đã tô trát mặt ngoài, một nửa còn nguyên tường gạch và giàn giáo. Vài cây cảnh trồng phía trước thì chết khô, mục nát. Tiến vào các khu phía thượng nguồn, chỉ thấy một cái bể như bồn hoa còn lại là các đống đá sạn gần thoái hóa. Tất cả hoang vu đến thê thảm và cho thấy lâu lắm không hề có bóng dáng con người cũng như máy móc thi công. Trên công trường chỉ có 1 chiếc công nông đầu ngang cỏ mọc lút bánh xe. Gặp hai người bảo vệ co ro trong rét, hỏi thì một ông trả lời: “Mưa rét nên công nhân nghỉ”.

Theo người dân địa phương, công ty rút quân đã 1 năm, hiện nhiều nhà chưa được đền bù và họ đang bị nợ tiền công khi làm thuê tại công trình. Chẳng biết bao giờ suối Bang hết hoang phế.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.