Bức xúc tội phạm nông thôn - Bài 3: Đừng để côn đồ ‘lờn thuốc’

14/11/2015 09:41 GMT+7

Tình trạng côn đồ gây rối trật tự công cộng, sử dụng hung khí thị uy, biểu dương lực lượng khiến người dân rất lo sợ. Tuy nhiên pháp luật quy định về xử lý hành vi này còn quá nhẹ khiến côn đồ ngày càng “lờn thuốc”.

Tình trạng côn đồ gây rối trật tự công cộng, sử dụng hung khí thị uy, biểu dương lực lượng khiến người dân rất lo sợ. Tuy nhiên pháp luật quy định về xử lý hành vi này còn quá nhẹ khiến côn đồ ngày càng “lờn thuốc”.

Một nhóm thanh niên tụ tập trong quán karaoke với hung khí và chất ma túy bị Công an TP.Mỹ Tho bắt giữ, nhưng chỉ bị xử phạt hành chính - Ảnh: Hoàng PhươngMột nhóm thanh niên tụ tập trong quán karaoke với hung khí và chất ma túy bị Công an TP.Mỹ Tho bắt giữ, nhưng chỉ bị xử phạt hành chính - Ảnh: Hoàng Phương
Thị uy để bảo kê, xin đểu
Đó là nhận xét của đại tá Đoàn Văn Thanh, Trưởng Công an TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), liên quan đến hành vi kéo mã tấu trên đường phố để thị uy giữa các băng nhóm côn đồ nhằm mục đích bảo kê, xin đểu, nhưng chỉ bị xử phạt hành chính với mức rất thấp, không đủ sức răn đe.
Cụ thể, theo nghị định 167/2013/NĐ-CP thì hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau, chỉ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Còn hành vi tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác, chỉ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng là quá nhẹ.
Đại tá Đoàn Văn Thanh, Trưởng Công an TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), cho biết: “Ở nhiều nước họ quy định trường hợp được nổ súng rất cụ thể. Ví dụ khi CSGT yêu cầu dừng xe lại thì tài xế phải để tay trên vô lăng. Nếu bỏ tay xuống là bị bắn. Điều kiện quy định rất rõ ràng. Tại trụ sở cảnh sát ở Singapore có vẽ khẩu súng nhắm thẳng vào đầu lâu. Chúng tôi hỏi thì họ giải thích rằng trụ sở cảnh sát là bất khả xâm phạm. Do vậy bất luận người nào chỉ cần leo qua hàng rào thì bị bắn ngay lập tức, không cần biết vào để làm gì. Trong khi ở xứ mình tội phạm vào trụ sở công an để ăn trộm, bắt được cũng chưa xử lý được”.
Mặt khác, theo quy định thì phải đến khi họ sử dụng hung khí gây hậu quả như cố ý gây thương tích hoặc giết người thì pháp luật mới can thiệp, nhưng lúc đó thì đã quá muộn. Ngoài ra, tội cố ý gây thương tích còn phải định lượng về tỷ lệ thương tật, đồng thời phải có yêu cầu của người bị hại mới xử lý. Nếu không có yêu cầu của người bị hại hoặc người bị hại từ chối giám định thương tật thì cơ quan pháp luật cũng “bó tay”.
“Chính vì quy định của pháp luật như vậy nên dẫn đến chuyện xem thường pháp luật. Hậu quả là không chỉ ở thành thị mà cả ở vùng nông thôn, hành vi côn đồ bộc phát trong thanh thiếu niên hiện rất phổ biến. Đụng cái là đâm, chém. Đi đám tiệc, nhìn bạn gái cũng đâm, chém”, đại tá Thanh bức xúc.
Còn theo đại tá Nguyễn Văn Nhỏ, Trưởng Công an TX.Cai Lậy (Tiền Giang), bây giờ tội phạm sử dụng rất nhiều hung khí nhưng khi bị bắt họ không khai ra chỗ nào làm. Họ nói tự làm, hoặc có người cho nhưng không biết địa chỉ ở đâu? Khi công an kiểm tra phát hiện hung khí hoặc côn đồ kéo mã tấu xuống đường cũng chỉ có thể xử phạt hành chính vì họ chưa chém, hậu quả chưa xảy ra nên không xử lý hình sự được.
“Đây chính là lý do khiến người dân bức xúc vì mỗi khi người dân tới báo, công an xã, phường hay hỏi “có chết chóc, thương tích gì chưa?”, bởi vì nếu chém mà chưa trúng thì công an chưa xuống”, đại tá Nhỏ nói. Đó là chưa nói trường hợp tội phạm bất chấp pháp luật, chống người thi hành công vụ một cách quyết liệt, như trường hợp một cảnh sát đặc nhiệm hình sự bị côn đồ bắn ngay giữa đường phố trung tâm TP.Mỹ Tho mà chúng tôi đã nói trong bài trước.
Theo đại tá Nhỏ, lý do khiến những người thi hành công vụ sợ, không dám mạnh tay với côn đồ bởi vì luật quy định trường hợp được nổ súng quá ngặt nghèo: “Chỉ nổ súng trong trường hợp không còn cách nào khác và người đó phải đang trực tiếp đe dọa đến tính mạng của mình hoặc người khác”. Nhưng có những tình huống nếu không nổ súng trước thì quá muộn vì tội phạm cầm mã tấu xông tới chém thẳng.
Pháp luật không quy định...
Theo đại tá Thanh, mọi công dân đều có quyền phòng vệ chính đáng và điều kiện phòng vệ chính đáng là được loại trừ trách nhiệm hình sự, nhưng trường hợp này pháp luật quy định cũng chưa rõ ràng. Chẳng hạn như “trong trường hợp thật sự cần thiết mới đưa ra biện pháp phòng vệ chính đáng”, nhưng một công dân bình thường bị côn đồ vác mã tấu truy đuổi thì có cần thiết dùng hung khí để tự vệ không? Hoặc là côn đồ không có hung khí, nhưng nhiều người vây quanh, tấn công, trong khi công dân dùng dao để tự bảo vệ và gây hậu quả thì có được xem là phòng vệ chính đáng hay không?
Tình trạng côn đồ sử dụng hung khí để gây án ngày càng nhiều. Sau những vụ án xảy ra, cơ quan điều tra có truy xét nguồn gốc của các loại hung khí nguy hiểm như mã tấu, dao tự chế... nhưng cuối cùng cũng không xử được vì pháp luật không quy định. Những loại hung khí đó được làm ra từ những người thợ rèn, nhưng pháp luật không cấm.
Tương tự như việc công an ra sức triệt phá, bắt giữ những nhóm đua xe “độ” và chỉ xử phạt những người đua xe thôi. Còn những “lò” độ xe, những người làm ra những chiếc xe đó thì pháp luật không quy định. Như vậy việc xử lý chỉ từ trên ngọn.
Từ đầu năm đến nay Công an TP.Mỹ Tho đã xử lý 23 vụ dùng hung khí gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, bắt giữ 122 người có liên quan, thu giữ 65 mã tấu, dao tự chế và nhiều loại hung khí nguy hiểm khác. Trong khi đó thì việc đưa thanh thiếu niên vào cơ sở giáo dục bây giờ cũng rất khó vì điều kiện bắt buộc là trong 6 tháng họ phải vi phạm và bị xử phạt hành chính 2 lần. Đến lần thứ 3 thì đưa về xã, phường giáo dục và lần thứ 4 mới đưa vào cơ sở giáo dục.
Theo đại tá Thanh, côn đồ trong giới trẻ bây giờ rất láu lỉnh. Họ cứ đợi hết thời hiệu, trở lại số không rồi mới làm tiếp để tránh bị đưa vào cơ sở giáo dục. Và như vậy thì biết đến khi nào mới xử lý được.
“Theo tôi thì điều kiện quy định như vậy chỉ phù hợp với những người nhất thời vi phạm. Còn đối với côn đồ, có băng nhóm, sử dụng hung khí có tính chất nguy hiểm cho xã hội, chỉ cần vi phạm một lần là đưa đi cơ sở giáo dục, như vậy họ mới sợ. Có những vụ côn đồ chém người, thấy thương tích rõ ràng nhưng phải chờ kết quả giám định mới khởi tố được khiến xã hội mất niềm tin, người dân thì nghi ngờ công an ăn hối lộ”, đại tá Thanh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.