Bùi Công Khánh - Thế giới mỗi ngày có thêm bao nhiêu người hay

27/11/2012 07:00 GMT+7

Từ tòa nhà lớn mình ở, Bùi Công Khánh hít một hơi dài. Ngay lập tức, mùi dầu mỡ oai của những món rán rẻ tiền trong xóm trước mặt xộc thẳng vào mũi… Những mùi vị ấy cũng có trong sáng tác của anh.

Xóm trọ ngay trước mặt tòa nhà lớn Bùi Công Khánh đang cư ngụ là một khu ổ chuột. Khu vực khá phức tạp với đủ người du cư từ nông thôn và nhiều nơi khác về đây. “Mọi thứ ở đây luôn ở tư thế tạm thời cho dù họ và xóm trọ đã trải qua nhiều thập niên gắn bó”, anh nói. Tư thế tạm thời luôn xộc xệch đó của xóm đã trở thành hình ảnh trong một sáng tác nổi tiếng của anh. Tác phẩm Quá khứ đã qua nổi tiếng vì lọt vào chung kết của cuộc thi Signature Art Prize 2011- một cuộc thi nghệ thuật lớn ở khu vực Đông Nam Á.

Trong tác phẩm đó Khánh vẽ lại khu ổ chuột quen thuộc bằng than trên giấy rồi sắp đặt trong một góc tường studio để trở thành một phông nền chụp ảnh. Anh cũng mời chính những người đang sống tại đó đến chụp ảnh trên nền xóm trọ mình vừa vẽ đó. Họ làm đủ nghề, đủ lứa tuổi. “Mọi người ngạc nhiên khi thấy chính những góc phố của mình được tái hiện trong một studio ánh sáng xịn. Chỉ sau vài phút ngỡ ngàng, họ đã thể hiện tâm trạng một cách xuất sắc. Nó cho thấy họ gắn kết với nơi mà mình thuộc về”, Khánh nhớ lại. Du khách và người xem được chiêm ngưỡng một góc phố sống động mà dần dần sẽ không còn, như một tất yếu lịch sử.

“Tác phẩm như một cách thức ghi chộp lại một dạng lịch sử tạm thời. Tôi muốn nhân sự tạm thời nói về sự phát triển vội vàng để thoát nghèo. Trong cơn vội vàng. Những hình ảnh cá tính, gợi nhớ lại quá khứ sẽ mau chóng biến mất”, Khánh nói. Nó cũng khiến người xem nghĩ đến một chốn thân quen nào đó của mình - điều sẽ sớm biến mất nay mai.

 

Vấn đề hiện nay là trăn trở làm sao vượt được lối mòn trong suy nghĩ, cách diễn đạt và những kỹ thuật mà mình đã lỡ học quá lâu

Những hình ảnh biểu trưng của Quá khứ đã qua là nụ cười của người đàn ông chân đi dép lê to tướng, ăn vận xuềnh xoàng nhưng cầm điện thoại nhắn tin liên tục. Hoặc, một người phụ nữ đi đôi dép lưới Thái Lan - thứ mà ở Hà Nội - chắc chắn khó kiếm. Đôi dép ấy cách đây hơn hai chục năm là điều ai cũng hãnh diện nếu có, nhưng giờ đã lùi bước cho những đôi giày hàng hiệu đắt tiền. Đồ điện tử, thời trang xồng xộc chạy thẳng vào tác phẩm của Khánh, phô trương sức mạnh phù phiếm khó cưỡng của tiêu dùng.

Trong một tác phẩm khác của mình, Khánh sắp đặt một chồng ghế nhựa nhỏ chồng mãi chồng mãi lên nhau. Cao đến mức chồng ghế tựa màu đỏ đun ấy như chuẩn bị ngã ngửa ra. Bên cạnh đó một người đàn ông trắng toát ngồi trầm ngâm. “Những vật chất bình thường nhất trong cuộc sống khi tích tụ quá nhiều đều gây mất cân bằng như thế cả”, Khánh giải thích. Tác phẩm của anh chín thắm ý tưởng nhờ trải nghiệm từ những cuộc đời bươn chải mưu sinh nơi khu ổ chuột. Nó cũng có sự kỹ lưỡng trong lựa chọn chất liệu và thể hiện của một nghệ sĩ hiện đại. Thấy rõ Khánh không bấu víu vào những định đề sơn mài, đồng quê, bản sắc dân tộc khác - điều nhiều nghệ sĩ “sập bẫy” khi “tiêu dùng chất liệu”.

Tác phẩm của Khánh cũng khá gọn gàng. Cho tới giờ, dù làm nhiều sắp đặt, anh vẫn chưa dùng tới kích cỡ “khủng” của tác phẩm để phóng đại hiệu quả trình diễn. Trong khi các nghệ sĩ đều biết nó tạo ấn tượng thị giác mạnh. Bản thân khu ổ chuột cũng chỉ vừa vặn góc phòng nhỏ. Còn sắp đặt ghế cũng chỉ cần một mặt bàn con để bày. Nó hé lộ một điều khác, chi phí làm tác phẩm của Khánh không nhiều “khóc thét”- anh rất biết cách “lựa cơm gắp mắm”.

Phẩm chất này có lẽ bắt nguồn từ việc Khánh là một nghệ sĩ độc lập. Không thuộc một cơ quan đoàn thể nào để được nhận tài trợ của Hội Nghệ sĩ, Khánh cũng không xin tài trợ của các quỹ nước ngoài. Không được hỗ trợ tài chính, anh khá tự chủ trong sáng tác. Khánh hầu như chỉ dùng những vật liệu thông dụng. Thói quen này của anh càng được bồi đắp sau những chuyến làm việc với các nghệ sĩ nước ngoài. “Khi tôi tới Pháp, các nghệ sĩ ở đó cũng như tôi, phải tự lo và chẳng giàu có gì. Họ thậm chí còn tận dụng cả rất nhiều đồ bỏ đi để sáng tác”, Khánh nhớ lại.

Trong workshop tháng 11 vừa qua tại Đài Loan, Khánh và nghệ sĩ ở đó cũng tận dụng nhiều vật dụng thường ngày trong cuộc sống. Tác phẩm của họ được ghép từ vỏ bao thuốc lá Việt Nam và Đài Loan, bánh đậu xanh và bánh chocopie bản địa… Song những kết hợp đơn giản đó không hề làm giảm giá trị của tác phẩm. Một lần nữa, Khánh chọn điểm nhấn  không gian tiêu dùng để phác họa không gian văn hóa, lịch sử. Điều này đi suốt tác phẩm của anh kể từ thời Quá khứ đã qua tới giờ.

Sự xuyên suốt của âm hưởng khu ổ chuột mạnh đến mức, Khánh có thể tự tin đi tiếp trên con đường kiếm tìm đề tài, chất liệu mà không cần một thần tượng tinh thần. “Trước đây tôi có một vài thần tượng nhưng nay tôi đã gỡ bỏ họ.  Nói vậy có thể bạn cho tôi không trung thành. Nhưng thế giới ngoài kia mỗi ngày có thêm bao nhiêu người hay và tôi lại có may mắn được đi xem nhiều bảo tàng lớn, những gallery nổi tiếng trên thế giới. Vì vậy tôi đã chọn cách không thần tượng”, Khánh nói.

“Tôi nghĩ người có ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi là bản thân tôi. Vấn đề hiện nay là trăn trở làm sao vượt được lối mòn trong suy nghĩ, cách diễn đạt và những kỹ thuật mà mình đã lỡ học quá lâu trong những 8 năm ở trường Mỹ thuật”, Khánh nói về sức hấp dẫn của đời sống với anh.

Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.