Mặc dù Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM đã ra quyết định yêu cầu đến năm 2010, các lò gạch thủ công phải chấm dứt hoạt động, nhưng tại P.Long Thạnh Mỹ vẫn còn nhiều lò hoạt động đốt nung, đặc biệt là vào ban đêm, phun khói đen độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân địa phương.
Xe bồn chở bê tông gây ô nhiễm bụi trên đường Hoàng Hữu Nam (P.Long Thạnh Mỹ, Q.9) - Ảnh: Minh Nam |
Có mặt tại khu vực vào một buổi trưa giữa tháng 4.2011, chúng tôi nhận thấy trong cái nắng gay gắt, từng chiếc xe bồn bê tông, xe tải nườm nượp chạy từ đường Hoàng Hữu Nam vào con đường đất dẫn vào các nhà máy sản xuất bê tông tươi và ngược trở ra. Mỗi lần những chiếc xe tải đi qua, bụi bốc lên mù mịt, khiến các hộ dân sống hai ven đường phải đóng kín cửa. Cây cối xung quanh bụi bám trắng xóa.
Không chỉ sống chung với bụi, khói độc, mới đây người dân ở Long Thạnh Mỹ còn khổ sở với một số cơ sở chuyên tái chế nhớt thải và FO thải. Từ ngày có các cơ sở này, những con mương trong khu dân cư gần đó luôn bốc mùi hôi, nước giếng khoan có mùi hôi và người dân khi tắm thì bị ngứa, nổi mụn đỏ... Đầu năm 2011, người dân từng kéo đến các cơ sở trên để phản ứng, nhưng sau đó đâu lại vào đấy.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Cao Văn Hoàng - Chủ tịch UBND P.Long Thạnh Mỹ - cho biết cơ quan chức năng Q.9 vừa ra quyết định xử phạt một doanh nghiệp chuyên tái chế nhớt thải số tiền lên đến 160 triệu đồng. Phường cũng đang tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng sớm di dời tất cả cơ sở sản xuất nhớt tái sinh ra khỏi khu dân cư. Đối với các lò gạch thủ công, ông Hoàng khẳng định sẽ cương quyết yêu cầu chấm dứt hoạt động.
Để giải quyết tình trạng bụi do việc vận chuyển từ các nhà máy sản xuất bê tông tươi gây ra, ông Hoàng cho biết chính quyền địa phương đang làm việc với đơn vị quân đội cho các nhà máy trên thuê đất, nhằm tìm giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường. “Trước mắt, chúng tôi đề nghị họ sớm bê tông hóa các con đường đất dẫn vào các nhà máy bê tông để giảm bụi”, ông Hoàng nói.
Minh Nam
Bình luận (0)