Thực tế cho thấy có nhiều phụ huynh mong con phải biết chơi piano, thích con biết múa ba lê hay thích con phải biết khiêu vũ thể thao. Từ đó, nhiều cha mẹ khuyên nhủ, thúc giục hoặc thậm chí ép con đi học các môn này, dù các con thấy "chán".
HLV bơi lội Đoàn Quốc Hùng, đồng sáng lập CLB bơi sinh tồn - Công ty TNHH Survival Group, dạy bơi cho trẻ em và người lớn tại TP.HCM, cho biết phụ huynh cần coi trẻ em là trung tâm, các con nên được học và chơi những môn năng khiếu, thể thao dựa trên sở trường, sở thích, khả năng của con chứ không chỉ dựa trên căn cứ đó là những môn "sở thích, ước mơ của ba mẹ".
"Nếu chưa biết con thích môn gì, ba mẹ có thể gợi ý, cho con đi học thử một số môn như bóng đá, bơi lội, nhảy hiện đại, đàn… chẳng hạn. Sau đó nếu thấy con có hứng thú, năng khiếu, có thể tiếp tục bồi dưỡng, như vậy sẽ hiệu quả hơn. Đồng thời, cha mẹ và các con cần đặt các môn năng khiếu, kỹ năng trong hè trên một thang đo ưu tiên, môn nào cần đặt vị trí số 1, 2, 3, sau đó bố trí lịch học cho phù hợp, tránh việc môn nào cũng học, có thể quá tải cho trẻ, không hiệu quả", HLV Đoàn Quốc Hùng cho biết.
Cô Thái Ngọc Xuân Hương, HLV patin CLB Goley Tân Bình, cho biết tập luyện thể thao là một món quà mà cha mẹ có thể dành tặng cho con em mình trong hè. Phụ huynh có thể khuyến khích con trẻ tham gia một môn thể thao, từ đó giúp các con hình thành thói quen, sự tự giác rèn luyện thân thể. Đồng thời, đây cũng là phương pháp giúp con trẻ năng động, tự tin, giảm nguy cơ béo phì, tăng cường khả năng tập trung và ghi nhớ.
"Phụ huynh có thể giới thiệu, lựa chọn những môn thể thao phù hợp với sở thích của con. Trong dịp hè, trẻ mới tham gia một bộ môn thể thao nào đó có thể tập luyện 30 - 60 phút/ngày, 2 lần/tuần rồi tăng dần thời lượng. Bên cạnh đó, kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý và giấc ngủ đầy đủ sẽ giúp nâng cao hiệu quả tập luyện và sức khỏe tổng thể", cô Hương lưu ý.
Riêng với bộ môn patin, không ít phụ huynh lo ngại con em sẽ bị té đau lúc mới bắt đầu tập luyện. Tuy nhiên theo cô Hương, nếu trẻ được trang bị đồ bảo hộ phù hợp và được HLV hướng dẫn kỹ thuật cơ bản đúng cách thì đây không phải là vấn đề đáng lo ngại. "Tương tự đối với những bộ môn thể thao khác, con trẻ sẽ tránh chấn thương nếu được trang bị trang phục, dụng cụ phù hợp và tham gia chương trình tập luyện phù hợp lứa tuổi", cô Hương nói.
Về học môn năng khiếu, nghệ thuật, thạc sĩ Nguyễn Lê Tú Uyên, giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phụ trách Trung tâm nghệ thuật Music Garden Education VN, đưa ra lời khuyên: "Về cơ bản phụ huynh cần tìm người thầy phù hợp, vừa giỏi về chuyên môn, vừa giỏi về phương pháp sư phạm".
Theo thạc sĩ Tú Uyên, học nhạc cụ không chỉ giúp trẻ giải trí, phát triển năng khiếu mà có thể phát triển não bộ là nhờ vào việc sử dụng nhạc cụ - đều phải sử dụng hai tay hay chân kết hợp với các giác quan. Đây là những yếu tố có tính trọng yếu trong việc phát triển trẻ ở lứa tuổi mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, việc học nhạc cụ chỉ hiệu quả khi trẻ có tâm thế chủ động học. Nói cách khác, người lớn - người thầy và phụ huynh - cần lưu tâm đến việc làm sao để trẻ chủ động trong việc học nhạc cụ, nhận ra được nhạc cụ là một phương tiện tạo ra những thanh âm của cuộc sống, là một cách để trẻ thể hiện những suy nghĩ tình cảm của mình.
Bình luận (0)