Bùng nổ thiết bị bay siêu nhỏ - Kỳ 2: Chụp hình, quay phim không phép cũng bị xử lý

12/08/2015 07:08 GMT+7

(TNO) Đến nay chỉ có Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) là cơ quan duy nhất có quyền cấp phép hay từ chối cấp phép đối với máy bay không người lái, thiết bị bay siêu nhẹ…

(TNO) Đến nay chỉ có Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) là cơ quan duy nhất có quyền cấp phép hay từ chối cấp phép đối với máy bay không người lái, thiết bị bay siêu nhẹ…

Việc drone ngày càng phổ biến kéo theo nhu cầu pháp lý dành cho người sử dụng - Ảnh: Reuters

Đã bay là phải xin phép
Với vai trò quản lý diễn đàn CLB mô hình, anh Lê Quang Tùng, Chủ nhiệm diễn đàn CLB Mô hình (thành viên của CLB Hàng không phía Bắc) đồng ý với việc Bộ Quốc phòng đề nghị siết chặt quản lý các thiết bị bay siêu nhẹ. Nếu không quản lý tốt sẽ xảy ra hậu quả khó lường nếu kẻ xấu có âm mưu phá hoại.
“Rất cần thiết phải siết lại vì hiện nay hoạt động của thiết bị siêu nhẹ chưa vào quy củ. CLB mô hình đã từng nghiên cứu máy bay mô hình có thể mang thử được vài kg. Thiết bị bay siêu nhẹ có thể chở được gần cả kg. Hay thử tưởng tượng số kg này là thuốc nổ TNT, người điều khiển có âm mưu phá hoại thì hậu quả khôn lường chừng nào”, anh Tùng nói.
Do đó khi tham gia CLB mô hình, anh Tùng cho biết thành viên phải nộp bản sao chứng minh nhân và các giấy tờ liên quan. Các thành viên cũng phải thường xuyên giao lưu và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với CLB Hàng không, nơi có người Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý.
Trước khi tổ chức cho các thành viên bay, CLB mô hình phải xin ý kiến của Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu). CLB cũng thường xuyên cập nhật những vùng không được bay như khu vực đông dân cư, khu vực lăng, quảng trường, 16 sân bay trong cả nước… Ở Hà Nội, thành viên CLB thường tổ chức bay ở Gia Lâm; ở TP.HCM là Phú Mỹ Hưng, Cát Lái; Đà Nẵng là ở khu vực sân bay quân sự.
Nhiều hội nhóm, quản lý khó
“Lái máy bay mô hình tương đối khó, không phải ai cũng bay được. Nên trước đây Quân chủng Phòng không - Không Quân tổ chức thi, cấp bằng như bằng lái xe. Ai đạt mới được cấp bằng”, anh Tùng khẳng định. Chủ nhiệm diễn đàn CLB mô hình cũng cho biết với thiết bị bay siêu nhẹ, hiện Hà Nội, Đà Nẵng quản lý tốt hơn, còn TP.HCM do có nhiều hội, nhóm nên việc kiểm soát tương đối khó.
Trung tá Đặng Ngọc Ngữ, Giám đốc CLB Hàng không phía Nam cho biết khi đã trở thành thành viên CLB Hàng không thì ngoài đăng ký thông tin cá nhân, thành viên cũng phải đăng ký thông tin liên quan đến phương tiện bay như số hiệu thiết bị, hãng sản xuất… Thiết bị bay trước khi bay phải được cấp phép và khi bay phải xin ý kiến Cục Tác chiến về thời gian bay, phương tiện, đường băng…
“Gia nhập CLB, anh em sẽ được hướng dẫn cách chơi và chơi đúng mục đích. Còn việc chơi tự do rất nguy hiểm và không an toàn, chưa kể một số người lợi dụng thiết bị để làm ăn phi pháp. Trên thực tế ở TP.HCM vẫn còn có một số điểm chơi tự phát”, trung tá Ngữ nói.
Thượng tá Ngũ cho biết việc quản lý, siết chặt các thiết bị bay siêu nhẹ không phải làm khó dễ người chơi mà để tạo môi trường chơi an toàn, lành mạnh hơn trong lĩnh vực này. Còn trên thực tế, việc tham gia CLB Hàng không rất dễ và không có vướng mắc nào về thủ tục.
“Hiện nay chưa có mức cụ thể xử phạt các thiết bị bay siêu nhẹ. Nếu phát hiện sẽ tịch thu phương tiện bay. Trong trường hợp để xảy ra hậu quả, người điều khiển thiết bị sẽ bị xử lý tùy theo mức độ”, trung tá Ngữ nói. Cũng theo trung tá Ngữ, các dịch vụ sử dụng thiết bị bay với mục đích chụp hình, quay phim để kinh doanh nếu không có phép cũng coi là hoạt động không phép và bị xử lý tương tự.
Có thể xin một lần mà bay nhiều điểm, nhiều ngày

Trung tá Đặng Ngọc Ngữ, Giám đốc CLB Hàng không phía Nam cho biết đến nay chỉ có Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) là cơ quan duy nhất có quyền cấp phép hay từ chối cấp phép đối với máy bay không người lái, thiết bị bay siêu nhẹ…
Tuy nhiên, Trung tâm Quản lý điều hành bay quốc gia, Trung tâm điều hành bay thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh vẫn có quyền đình chỉ nếu tổ chức, cá nhân không tuân thủ theo Nghị định 36 về quản lý tàu bay không người lái và thiết bị bay siêu nhẹ.
Khi nộp hồ sơ, bên đề nghị cấp phép bay phải nói rõ mục đích bay, nộp ảnh và các tính năng kỹ thuật của phương tiện, tọa độ bay, độ cao, bán kính, địa điểm và thời gian bay, thông tin về người điều khiển phương tiện…
“Cá nhân hay tổ chức đều có thể đề nghị được cấp phép nếu đáp ứng những tiêu chí trong Nghị định 36”, ông Ngữ nói.
Về thời gian cấp phép, ông Ngữ cho biết hồ sơ phải gửi cho Cục Tác chiến trước 14 ngày kể từ ngày dự kiến bay. Khi nhận hồ sơ, trong vòng 7-10 ngày, Cục Tác chiến sẽ trả lời được cấp phép hay không.
Trường hợp xin cấp phép bay nhiều lần ở nhiều địa điểm khác nhau, trung tá Ngữ cho biết chỉ cần xin một lần nhưng hồ sơ phải ghi rõ các điểm và tọa độ bay, thời gian bay và số ngày bay... Sau khi được cấp phép, chính quyền sở tại hoặc đại diện CLB Hàng không sẽ giám sát hoạt động bay đúng quy định.
“Thủ tục xin phép bay không khó. Tuy nhiên cần chú ý là chỉ những thiết bị bay đã đăng ký, kiểm định và cơ quan chức năng cho phép hoạt động mới được cấp phép. Chứ không phải cứ thích đi đăng ký là được cấp phép đâu”, ông Ngữ khẳng định.
Anh Lê Quang Tùng, Chủ nhiệm diễn đàn CLB Mô hình (thành viên của CLB Hàng không phía Bắc) cho hay theo quy định bất cứ phương tiện, thiết bị gì khi bay đều phải xin phép. Ở một số địa phương, ví dụ như TP.HCM, Cục Tác chiến khoanh 1-2 vùng đất trống không ảnh hưởng đến đời sống người dân và an ninh để người có nhu cầu bay sau khi đã đăng ký.
“Còn khi bay ở một địa điểm khác phải xin phép vì có thể ở đó ảnh hưởng đến hành lang bay hoặc tạo ra nguy hiểm. Ngay thành viên trong CLB Mô hình từng bị thu giữ phương tiện bay khi bay ở khu vực cấm ở tỉnh miền Trung”, anh Tùng nói.
Đối với người mới chơi thiết bị bay siêu nhỏ và có nhu cầu bay, anh Tùng khuyên nên tham khảo ý kiến của CLB Hàng không để được hướng dẫn cụ thể. Những trường hợp bay dưới 50 m sẽ dễ xin phép hơn khi bay ở độ cao trên 50 m.
Siết chặt quản lý thiết bị bay không người lái
Bộ Quốc phòng vừa có công văn yêu cầu tăng cường quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng không và trật tự xã hội.
Theo Bộ Quốc phòng, việc thả nổi thiết bị bay siêu nhẹ ẩn chứa nhiều hiểm họa - Ảnh: Độc Lập
Theo Bộ Quốc phòng thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố có tình trạng sử dụng các phuương tiện bay siêu nhẹ, hoạt động ở tốc độ nhỏ, độ cao thấp, phục vụ cho các mục đích vui chơi thể thao, hướng nghiệp giáo dục quốc phòng và phục vụ kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, đã xuất hiện các hoạt động bay có tính tự phát, hoặc một số tổ chức, cá nhân tự nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp, kinh doanh khi chưa xin phép cơ quan thẩm quyền.
Hiện nay, còn tồn tại một số điểm tổ chức bay không có phép bay như tại Công viên Thống Nhất, Xuân Đỉnh (Hà Nội); khu Cát Lái (Q.2), khu Cầu Đỏ (Q.7), Đông Hưng Thuận (Q.12), khu Cầu An Hạ (huyện Củ Chi) ở TP.HCM; khu phố Thống Nhất, thị xã Dĩ An, Bình Dương; khu vực Đồng Nghệ (huyện Hòa Vang), khu Công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) thuộc Đà Nẵng ....
Theo Bộ Quốc phòng, các hoạt động trên tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm cho các hoạt động bay quân sự, dân dụng, ảnh hưởng đến an toàn xã hội…. Đặc biệt, trong ngày 31.5 và 21.6 vừa qua, Lữ đoàn 144 Bộ Tổng Tham mưu đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 2 vụ tổ chức bay trong khu vực cấm bay của Hà Nội.
Bộ Quốc phòng đề nghị các tổ chức, cá nhân trước khi bay phải xin phép bay; chỉ cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, thiết kế, sản xuất, thử nghiệm và kinh doanh tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ khi có văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, Bộ Tài chính...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.