Bước chân mẹ, cuộc đời con

17/09/2011 08:48 GMT+7

Bạn bè lớp “chọn” toán 12A13 Trường THPT Quế Võ 1 (Quế Võ, Bắc Ninh) gọi Nguyễn Thị Thơm là cô bé tí hon. Thơm 18 tuổi, chỉ cao 1,2m, nặng 28kg. Từ lúc sinh ra, Thơm chưa một lần được bước đi bằng đôi chân của mình.

Đôi chân của mẹ cũng là đôi chân của Thơm suốt 18 năm nay.

Vượt dốc

Hai tháng tuổi, Thơm không chịu bú, khóc suốt ngày, thân thể mềm oặt. Chị Nguyễn Thị Chín ôm con đi khắp các bệnh viện từ xã lên huyện, sang bệnh viện tỉnh, từ Bệnh viện Bắc Ninh lên Hà Nội. Lời bác sĩ như cứa vào tim chị: “Thơm bị bệnh co rút khớp không thể đi lại, càng hạn chế cử động càng tốt”. Chị Chín thất thần ôm con về nhà. 5 tuổi, Thơm ngồi nhìn qua khung cửa sổ thấy các bạn tung tăng đi học. Cô bé xin mẹ đến trường. Chị Chín lặng thinh nhìn đôi chân teo và yếu ớt vì bệnh tật của con. “Chỉ có đôi chân và sức khỏe mình đã không thể cho con, thì trên đời này còn tiếc điều gì mà không làm cho con được nữa” - chị Chín nghĩ thế. Hành trình đến trường của hai mẹ con chị Chín bắt đầu từ đấy.

 
Đã 12 năm qua, mẹ chở Thơm đi học trên chiếc xe đạp cũ - Ảnh: Hoàng Điệp

Thơm còn bé, mẹ bế Thơm đi học. Thơm lớn hơn, mẹ chở bằng xe đạp. Phổi trái của Thơm bị hỏng lúc lên 1 tuổi, phần lưng bên trái càng lúc càng teo tóp, nửa lưng bên phải ngày càng sưng to. Cả trăm lần bỗng dưng Thơm ngất xỉu phải nhập viện thở oxy vì bệnh viêm phổi cấp tính. Những ngày mùa đông, chị Chín phải lấy quần áo cũ và nilông bọc hai lớp dày kín đôi chân Thơm, sau đó trùm một chiếc áo mưa thật lớn lên cả người con để đưa con đi học. Thế mà chân Thơm lúc nào cũng lạnh buốt, ngứa đỏ và sưng tấy. Những ngày mùa đông, bàn tay run rẩy không thể điều khiển nét bút.

Chị Chín kể: “Năm Thơm học lớp 6 ốm nặng nằm liệt giường cả chục ngày. Tôi tưởng mất con thật rồi”. Qua trận ốm ấy, Thơm bất lực hỏi mẹ: “Mẹ ơi, tại sao nhiều người bị liệt nhưng sức khỏe tốt mà con lại ốm yếu thế này? Mẹ còn phải đưa con đi học tới bao giờ?”. Chị Chín nhìn vào mắt con, trả lời nhẹ bẫng mà cương quyết: “Mẹ đưa con đi tới khi nào con không còn học được nữa thì thôi”! Thơm bật khóc.

“Thơm đậu vào lớp chọn của Trường Quế Võ với điểm số cao nhất thôn Can Vũ này đấy” - chị Chín tự hào khoe. Thơm chuyển từ trường gần qua trường xa, trường cấp III cách nhà 7km. Ngày nắng cũng như mưa, ngày mùa bận rộn hay lúc nông nhàn, đường làng thôn Can Vũ có ngập nước hay trải đầy rơm rạ thì chị Chín vẫn cần mẫn đạp xe đưa con đến trường. Thơm lớn lên, nặng hơn một chút, chị Chín vẫn vững vàng cõng con từ lầu 1 lên lầu 3 vào lớp học. Ngày mưa đường trơn, hai mẹ con bị té, chị Chín nâng con dậy đi tiếp. Thơm khó thở, chị đưa con đi bệnh viện thở oxy. Sau mỗi lần thi học kỳ, thi chuyển cấp, Thơm lại ốm một trận rã rời, chị Chín đôn đáo chăm con khỏe cho kịp năm học mới.

Đưa con đến trường, bế con ngồi yên trong lớp, chị Chín lại quày quả ra chợ. Chợ nằm ngay gần Trường THPT Quế Võ 1, chị đi bán cá thuê cho các sạp cá. Mỗi bữa bán cá như thế nếu không lấy thức ăn mang về, chị được trả 50.000 đồng tiền công. Trưa khi xong việc, chị đón Thơm về nhà. Buổi chiều chị lại đưa Thơm tới trường. Nếu con được nghỉ, chị có thời gian ra đồng cấy hái mấy sào ruộng lúc nào cũng muộn mùa vụ.

Mây vẫn bay ngang trời...

“Tôi là giáo viên chủ nhiệm của Thơm gần ba năm nay. Thơm là một học sinh vô cùng nghị lực. Em đau ốm luôn, đặc biệt là mùa đông sức khỏe em tuột dốc khủng khiếp, đi học lúc nào cũng để sẵn bịch thuốc trên bàn, vậy mà chưa bao giờ tôi nghe em than vãn. Thơm học khá, nhưng trường chưa dám chọn em tham gia các kỳ thi học sinh giỏi vì sức khỏe của em yếu quá. Em hiền lành và chăm chỉ học hành nên bạn bè và thầy cô trong trường ai cũng thương”.

NGUYỄN THỊ HÀ (giáo viên chủ nhiệm lớp 12A13)

“Mẹ là người bạn thân thiết của em. Lúc nào mẹ cũng cười, lúc nào cũng vui tươi, nhìn thấy mẹ là em hết buồn ngay” - Thơm bảo thế. Mỗi ngày mẹ đưa Thơm đến trường, kể cho cô bé nghe những câu chuyện ở chợ huyện, đồng làng, những nơi Thơm không thể đi, những việc Thơm không thể làm. Bố Thơm đi làm thợ hồ xa nhà. Một hôm bố nhờ bác thợ hàn làm cho Thơm một chiếc ghế sắt gắn chặt sau xe đạp của mẹ. Nhưng chiếc ghế thẳng quá, bố phải đập cong cho vừa với lưng Thơm. Chiếc xe đạp cũng được sửa lại một chút, khung xe và chân chống lớn hơn, vững chắc hơn.

Vợ chồng chị Chín đã bàn tính cho ngày Thơm tốt nghiệp cấp III đi học xa nhà. Chị tâm sự: “Nếu con đậu đại học, mình cũng theo con lên thành phố kiếm việc làm để đưa con đi học. Anh trai Thơm cũng bị bệnh giống em, mất từ lúc 10 tuổi. Nhiều khi mệt mỏi lắm, đã muốn buông tay. Nhưng biết hạnh phúc của con là lời giảng bài của thầy cô, là tiếng cười của bạn bè át đi nỗi đau bệnh tật. Thế là lại gắng thêm chút nữa”...

Mẹ kê cho Thơm chiếc giường cạnh khung cửa sổ hướng ra đường làng. Qua khung cửa, Thơm có thể nhìn bầu trời và những đám mây bay. Khung cửa sổ treo đầy hạc giấy và ngôi sao Thơm tự gấp. Mỗi con hạc giấy Thơm đều gửi vào đó một ước mơ. Thơm bảo: “Em muốn thi đại học lắm, nhưng nếu đậu mẹ lại phải đưa em đi học thêm bốn năm. Em tính thi cấp III xong rồi học thêm vi tính, sau đó về mở tiệm Internet để giúp mẹ. Không chỉ có con đường đại học mới giúp người ta lập nghiệp phải không chị?”.

Khối u bên lưng phải Thơm mỗi ngày một lớn mà chưa có tiền đi khám, lúc nào Thơm cũng kê một con gấu bông nhỏ sau lưng để làm điểm tựa, con gấu bông mấy năm nay đã sờn cũ, xơ cứng. Thơm bảo mình còn hạnh phúc hơn nhiều người lắm và Thơm chưa bao giờ ngừng yêu cuộc đời này một phút giây nào...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.