Bước đột phá của điêu khắc

01/05/2009 23:17 GMT+7

Với triển lãm Điêu khắc trong không gian đô thị đại học, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM đang thực hiện giấc mơ biến trường thành một điểm sáng văn hóa.

Được hỏi về triển lãm, điêu khắc gia Bùi Hải Sơn - Trưởng ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật TP.HCM không ngần ngại đánh giá đây là một bước ngoặt của ngành điêu khắc thành phố. Từ lâu các điêu khắc gia đã muốn bứt phá ra khỏi hệ thống điêu khắc tượng đài đơn điệu để tìm đến một không gian điêu khắc mang ý nghĩa phục vụ văn hóa cộng đồng hơn. Tuy đã có nhiều hướng đi như đưa điêu khắc ra công viên, khu du lịch hoặc những nơi khác... nhưng những không gian đó vẫn chưa thể gọi là “đất” của điêu khắc. Nên bắt gặp không gian trường đại học thế này, Bùi Hải Sơn và những điêu khắc gia khác đều hồ hởi hy vọng một hướng đi mới cho tác phẩm của mình. 

ĐHQG TP.HCM rộng trên 627 ha. Trong dự án xây dựng trường trở thành một đô thị đại học với quy mô có thể đến hàng trăm ngàn sinh viên, các công trình xây dựng cơ bản chỉ chiếm 15% diện tích; 85% diện tích còn lại sẽ ưu tiên xây dựng quần thể sống hài hòa như hệ thống dịch vụ, công viên cây xanh, công trình văn hóa... Mục đích của dự án là biến nơi đây thành một khu đô thị đại học, vừa là nơi nghiên cứu nhưng cũng vừa là điểm sáng văn hóa.

 
Gió chiều  - điêu khắc composit của Trần Văn Khánh tại triển lãm - Ảnh: Th.An

Phó giáo sư - tiến sĩ Phan Thanh Bình, Giám đốc trường ĐHQG TP.HCM phân tích: Lâu nay các trường ĐH của chúng ta chỉ chú trọng phần học mà không xây dựng không gian tương tác về văn hóa, vô hình trung tạo nên một không gian học vấn có phần cứng nhắc. Tại sao các trường ĐH nước ngoài không những là đầu não của tri thức mà còn tự hào là một địa chỉ văn hóa nổi tiếng? PGS-TS Phan Thanh Bình nói rằng ông không chấp nhận ĐHQG TP.HCM tương lai chỉ là một đơn vị hành chính thụ động mà phải là một điểm sáng văn hóa.

Vấn đề của PGS-TS Phan Thanh Bình nói là sự thay đổi về quan niệm. Tại sao ở nước ngoài, trước mỗi tòa nhà lớn đều có một công trình điêu khắc? Tại sao người ta triển lãm tranh, hòa nhạc... cả dưới ga tàu điện ngầm? Bởi vì họ quan niệm cuộc sống là một không gian văn hóa, mỗi công trình ngoài chức năng của nó phải là một địa chỉ văn hóa.

Là một loại hình nghệ thuật đại chúng, điêu khắc có thể tạo nên một không gian văn hóa đại chúng. Triển lãm Điêu khắc trong không gian đô thị đại học của ĐHQG TP.HCM và các điêu khắc gia đang dự phóng một cái nhìn mới cho tương lai điêu khắc. Cả phía trường ĐHQG TP.HCM và các điêu khắc gia đều thừa nhận rằng điều họ đang làm là hơi trễ. Nhưng, nói như PGS-TS Phan Thanh Bình: “Nếu chúng ta không làm được hôm nay là có tội với con cháu mai sau”.

Triển lãm Điêu khắc trong không gian đô thị đại học diễn ra từ 24.4 đến 24.9.2009 tại khuôn viên tòa nhà điều hành ĐHQG TP.HCM (Q.Thủ Đức). Có 58 tác phẩm đủ các chất liệu như tổng hợp, composit, kim loại, gỗ... của 47 điêu khắc gia thuộc hai thể loại là điêu khắc không gian ngoài trời và điêu khắc nội thất.

Q.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.