MobiFone sẽ được tách ra khỏi VNPT để trở thành một tổng công ty cung cấp đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ thông tin di động.
|
Đây là một trong những nội dung cơ bản nhất của đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT đã được Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) trình Chính phủ. Theo phương án này, quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại MobiFone sẽ được điều chuyển từ Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) về Bộ TT-TT. MobiFone cũng sẽ được tổ chức lại thành Tổng công ty viễn thông MobiFone và thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đề án dự kiến sẽ được Chính phủ phê duyệt trong quý 1/2014 này, MobiFone sẽ tiếp quản hệ thống vệ tinh Vinasat-1, Vinasat-2 và Công ty tài chính bưu điện. Đây là các đơn vị thua lỗ lớn nhất của VNPT tại thời điểm này. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố 7.2013, Vinasat 1 và 2 có tổng mức đầu tư 9.280 tỉ đồng, nhưng đến thời điểm năm 2011 lỗ vượt dự kiến 329 tỉ đồng. Cũng theo phương án này một số doanh nghiệp mà VNPT tham gia góp vốn cũng sẽ được chuyển về MobiFone để thực hiện thoái vốn.
Theo Bộ TT-TT, phương án tách MobiFone khỏi VNPT là phương án tốt nhất và cũng là phương án được Bộ lựa chọn, vì nhà mạng này có nhiều kinh nghiệm tổ chức kinh doanh, là thương hiệu mạnh trong lĩnh vực viễn thông trong nước cũng như khu vực. MobiFone cũng đang là doanh nghiệp hạch toán độc lập với VNPT nên sau chia tách, mạng di động này sẽ có nhiều khả năng hoạt động như một doanh nghiệp độc lập hoàn chỉnh, đảm bảo khả năng hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao.
|
Không phải ngẫu nhiên mà phương án tách MobiFone được coi là khả thi nhất trong thời điểm này. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc cổ phần hóa Vinaphone sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc định giá doanh nghiệp. Vinaphone trên thực tế là doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc tập đoàn mẹ VNPT, tài sản vốn có nhiều đan xen cùng hệ thống VNPT địa phương. Bên cạnh đó, Vinaphone cũng chưa có kinh nghiệm hoạt động độc lập cũng như quản lý một mạng thông tin di động hoàn chỉnh. Hiện tại toàn bộ hệ thống bán hàng, cung cấp dịch vụ của Vinaphone đang chủ yếu dựa vào VNPT các tỉnh, thành phố. Vì lý do này việc tách Vinaphone ra khỏi VNPT để thành lập một doanh nghiệp viễn thông mới được dự đoán sẽ gặp rất nhiều khó khăn và không khả thi.
Mới đây, tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của MobiFone, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cũng nhấn mạnh, việc tách MobiFone ra khỏi VNPT là để đảm bảo có doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh với VNPT và Viettel, đồng thời cũng là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa MobiFone. Khi cổ phần hóa MobiFone, nhà nước sẽ nắm 75% vốn, còn lại sẽ kêu gọi đầu tư, kể cả đầu tư nước ngoài. Theo ông Lê Nam Thắng, mục tiêu cuối cùng vẫn là cổ phần hóa MobiFone để tạo động lực mới cho sự phát triển của thông tin di động.
Trả lời Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho biết trong quá trình xây dựng Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT, Bộ đã tập trung phân tích, đánh giá thận trọng, khoa học các phương án, trên cơ sở đóng góp ý kiến của VNPT và các chuyên gia và sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Chính phủ, trực tiếp là của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Bộ trưởng Bộ TT-TT khẳng định khi thực hiện tái cơ cấu VNPT xong, chắc chắn thị trường viễn thông Việt Nam sẽ có những đột phá mới. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho biết tiến trình cổ phần hóa MobiFone sẽ sớm được diễn ra theo Quyết định số 528/QĐ-TTg ngày 14.6.2005, cũng như yêu cầu có tính tiên quyết về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thể hiện trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp viễn thông sẽ lớn mạnh, hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, góp phần đem lại hiệu quả và lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp, cho đất nước…
Việt Phong
>> Người dùng 'bỏ phiếu' cho chất lượng dịch vụ của MobiFone
>> Vì sao doanh nghiệp vận tải muốn sử dụng gói cước của MobiFone?
Bình luận (0)