Bước ngoặt mới của các hãng xe tăng Đức

26/04/2008 22:56 GMT+7

Đức có thể sẽ giành lại vị trí quốc gia sản xuất xe tăng hàng đầu thế giới bằng chiến thuật sáp nhập các hãng xe tăng lớn.

Trung tuần tháng 3 vừa qua, Hãng Rheinmetall của Đức đã mua lại hãng sản xuất xe bọc thép Stork PWV của Hà Lan. Đây là điều kiện rất tốt để Rheinmetall có thể sáp nhập với hãng đứng hàng thứ hai của Đức về sản xuất vũ khí quốc phòng là Krauss-Maffei-Wegmann. Cuộc sáp nhập này sẽ cho phép Đức lần đầu tiên sau Thế chiến II trở thành quốc gia hàng đầu về sản xuất vũ khí, khí tài cho lực lượng bộ binh.

Trong suốt thế kỷ 20, ngành công nghiệp dân dụng Đức phát triển mạnh mẽ, hơn hẳn tốc độ phát triển của Anh, Mỹ và Pháp. Bước nhảy vọt này gắn liền với hai cuộc thế chiến mà Đức tham dự với tư cách là kẻ khởi xướng và cả hai lần đều chuốc lấy thất bại. Trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, hãng Rheinmetall và hãng Krauss-Maffei-Wegmann của Đức đều đóng vai trò quan trọng. Cả hai hãng này đều có lịch sử lâu đời, hình thành từ các nhà máy nhỏ chuyên sản xuất súng đạn, xe tăng hạng nhẹ và trở thành nhà máy lớn với chu trình khép kín có khả năng thiết kế, thử nghiệm, sản xuất các loại vũ khí, khí tài hiện đại.

Rheinmetall - "trùm" súng ống

Hãng Rheinmetall được nhà phát minh kiêm doanh nhân Heinrich Ehrhardt thành lập năm 1889 với chức năng ban đầu chủ yếu là sản xuất đạn dược. Sau này, hãng mở rộng sản xuất, cho ra đời các loại súng và pháo.

Trong thời gian đầu Thế chiến I, Rheinmetall là nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức. Vào tháng 1.1914, số lượng công nhân của hãng là hơn 8.000 người, nhưng đến năm 1915 đã tăng lên 15.000 người. Đến cuối năm 1917, hằng ngày Rheinmetall sản xuất hơn 2,5 triệu viên đạn các loại, hơn 500 súng ngắn, súng trường, súng máy, 50 khẩu pháo các loại và súng cối. Sau khi ký kết Hiệp định Versailles vào tháng 7.1919, Đức bị cấm sản xuất các loại vũ khí lớn, vốn là thế mạnh của Rheinmetall. Do vậy, Rheinmetall buộc phải chuyển qua sản xuất các mặt hàng công nghiệp dân dụng. Đến năm 1933, Rheinmetall mua lại hãng làm đường sắt bị phá sản August Borsig GmbH và đổi tên thành Rheinmetall-Borsig AG. Sau đó họ đẩy mạnh sản xuất súng ngắn, súng máy, súng chống tăng và xe bọc thép. Vào năm 1937, công ty con của Rheinmetall-Borsig AG là hãng Alkett bắt đầu sản xuất xe tăng ở Berlin mà hồ sơ kỹ thuật được duyệt ghi là loại... máy kéo dành cho nông nghiệp, nhằm né các điều khoản của Hiệp định Versailles. Khi Thế chiến II xảy ra, lãnh đạo Rheinmetall được thay thế bằng các sĩ quan quân đội của Đức quốc xã. Hãng này chịu sự điều hành của hãng quốc gia Reichswerke AG Hermann, đơn vị chịu trách nhiệm chỉ huy các nhà máy quân sự của Đức.

Krauss-Maffei-Wegmann - chuyên gia xe tăng

Hãng Krauss-Maffei-Wegmann (KMW) đứng thứ hai về sản xuất vũ khí của Đức, ra đời bằng sự sáp nhập của 3 hãng nhỏ và vẫn giữ nguyên tên từng hãng đến ngày nay. Hãng Maffei do Josefh Antone Paul Maffi thành lập năm 1836 và lúc đầu không liên quan gì đến sản xuất vũ khí. Hãng này chỉ chuyên sản xuất đầu máy xe lửa và có nhà máy ở Munich. Đến năm 1931, hãng Krauss & Comp khá nổi tiếng về sản xuất vũ khí mua lại Maffei và đổi tên thành Krauss-Maffei AG. Trong vòng 30 năm của thế kỷ 20, Krauss-Maffei AG đẩy mạnh việc thiết kế, sản xuất nhiều loại vũ khí, trong đó chủ yếu là xe thiết giáp chạy bằng bánh hơi và xích sắt. Các nhà máy của hãng này đã cho ra đời hơn 6.000 xe như thế và trong Thế chiến II, Krauss-Maffei AG là nguồn cung cấp chính xe bọc thép, xe tăng hạng nặng và các khí tài khác cho quân đội Đức quốc xã. Còn hãng thứ ba - Wegmann & Co, được thành lập vào năm 1882, chuyên sản xuất các loại bánh xe và sau đó là sản xuất xe tăng. Đến năm 1999 thì hãng này sáp nhập với Krauss-Maffei AG thành Krauss-Maffei-Wegmann.

Sự hồi sinh

Vào những năm 1944 -1945, lực lượng không quân của đồng minh đã ném bom phá hủy hầu hết các nhà máy của Rheinmetall và KMW. Sau thế chiến, các máy móc còn nguyên vẹn sót lại của cả hai hãng này bị chuyển đến Mỹ, Anh và Liên Xô. Đến trước năm 1950, do bị cấm sản xuất vũ khí nên cả hai hãng chuyển hướng sang sản xuất máy in, máy kéo, cần cẩu... Năm 1957, khi Đức thành lập Bộ Quốc phòng thì cả Rheinmetall và KMW lại bắt đầu phát triển hạ tầng khoa học - kỹ thuật quân sự để sản xuất vũ khí. 

Xe tăng Leopard 1 của quân đội Na Uy - Ảnh: DOD


Sang năm 1963, KMW bắt đầu sản xuất hàng loạt xe tăng chiến đấu Leopard 1. Sau đó 10 năm thì pháo phòng không tự hành Gepard 35 mm được sản xuất (1973). Đến năm 1979, hãng này bắt đầu cung cấp hàng loạt xe tăng Leopard 2 được gắn pháo 120 mm. Năm 1999, lãnh đạo KMW quyết định thành lập trung tâm chuyên thiết kế, sản xuất các loại xe cho quân đội. Và đến nay các sản phẩm chủ yếu của KMW là xe thiết giáp như Puma, Boxer, GFF4, DINGO 2, FENNEK hoặc tăng Leopard 1, Leopard 2, pháo tự hành Gepard... Còn hãng Rheinmetall củng cố vị trí độc tôn trong lĩnh vực sản xuất vũ khí hạng nhẹ như xe bọc thép Marder, Fuchs...

Ngày 17.3.2008, Rheinmetall tuyên bố hoàn tất hợp đồng mua lại hãng Stork PWV và kết quả này đưa đến khả năng hai hãng sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức có khả năng sáp nhập với nhau. Hiện hãng Artec - đơn vị thiết kế xe thiết giáp Boxer, đang nắm giữ 50% cổ phần của Stork PWV. Boxer đang được coi là xe sẽ thay thế cho các loại thiết giáp đã lỗi thời của lực lượng bộ binh và lực lượng tác chiến các nước thuộc NATO.

Lãnh đạo lực lượng bộ binh Hà Lan đã đặt mua 472 chiếc Boxer với giá 1,8 tỉ USD. Bộ Quốc phòng Đức cũng đang muốn mua 300 chiếc xe này. Còn Bộ chỉ huy bộ binh Đức cũng muốn thay thế toàn bộ xe Fuchs của Rheinmetall bằng xe Boxer. Nhu cầu lớn về xe thiết giáp khiến Rheinmetall không thể đứng ngoài cuộc. Cuộc mua lại Stork PWV giúp cho hãng này giữ vững vị trí là đơn vị chính cung cấp xe thiết giáp cho Bộ Quốc phòng Đức cũng như sẽ mở rộng thị trường của mình ra nước ngoài. Tuy nhiên, nếu chỉ mua 50% cổ phần của Stork PWV thì Rheinmetall không thể kiểm soát Artec. Hiện 36% cổ phần của Artec thuộc KMW, vì thế không loại trừ khả năng Rheinmetall tới đây sẽ tìm cách mua lại số cổ phần này từ KMW.

Đáng chú ý là hiện KMW đang trải qua giai đoạn khó khăn về tài chính, một phần vì phía Hy Lạp chậm chi trả số tiền mà nước này đã mua 60 xe tăng Leopard 2. Do tình hình đang xấu đi, nên Siemens - cổ đông lớn của KMW, đang muốn bán lại 49% cổ phần của mình tại đây. Trong tình huống như thế, Rheinmetall có cơ hội tốt để thực hiện việc mua lại đối thủ cạnh tranh của mình. Nếu sự sáp nhập diễn ra, thì các hãng này của Đức sẽ vươn lên vị trí dẫn đầu trong sản xuất vũ khí, khí tài cho bộ binh trên thế giới, vượt qua các hãng tương tự như BAE Systems của Anh, General Dynamics của Mỹ và Thales của Pháp. Giới quan sát cũng cho rằng, không chỉ có các tổ hợp công nghiệp của Đức mà cả chính phủ nước này cũng quan tâm đến vụ sáp nhập trên. 

H.H.S

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.