8 năm qua sông khiêu vũ
Gần như liên tục 8 năm nay, cứ mỗi ngày hai bận sáng - tối, chị Nguyễn Vương Thanh Thùy (xã Bình Mỹ, H.Củ Chi, TP.HCM) đi phà vượt sông Sài Gòn sang TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương tập khiêu vũ.
Hơn 8 năm trước, chị phát hiện mắc ung thư vú giai đoạn 2. Một lần, tình cờ ngang qua CLB khiêu vũ Tuyết Hương (TP.Thủ Dầu Một), thấy các học viên nhảy vui vẻ, chị quyết định tham gia.
Buổi đầu tiên, nhiều người trố mắt khi chị xuất hiện với cái khăn quấn trên đầu. Trừ cô giáo, ít ai biết chị vừa vào đợt hóa trị thứ hai, tóc đã rụng sạch!
|
“Không ngờ đến với môn này, mình “ghiền” luôn! Thậm chí hôm trước mới vô hóa chất, hôm sau mình vẫn đến lớp dù trong người còn rất yếu, đi đứng không vững”, chị Thùy hào hứng.
|
“Từ khi đi nhảy và tuân thủ điều trị, mình khỏe hẳn, vui trẻ hơn xưa. Ba năm nay, mình không còn truyền hóa chất và xạ trị, sức khỏe phục hồi rất tốt”, chị khoe.
Nếu khiêu vũ giúp chị Thùy khỏe hơn về thể chất thì “khiêu vũ giúp tôi thoát trầm cảm, tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống sau đổ vỡ hôn nhân và áp lực công việc”, nhà báo Phạm Hoàng (ngụ Q.9, TP.HCM) chia sẻ.
Gắn với khiêu vũ 10 năm nay, dù thừa nhận từng có một số bạn nhảy “gạ tình” nhưng chị Hoàng cho rằng nhiều người đến với khiêu vũ trước hết vì niềm vui và sức khỏe chứ không phải chăm chăm kiếm bạn tình.
Từ lúc đam mê khiêu vũ, chị cảm nhận sự xa lánh, coi thường từ những người xung quanh. Họ nghĩ chị “ăn chơi”, hư hỏng. “Không phải phụ nữ ly hôn là khát tình, như con thiêu thân lao vào các sàn nhảy kiếm “trai bao”. Nếu muốn, họ có thể tìm bạn tình ở nhiều nơi, chứ không chỉ trong những sàn nhảy. Vì vậy, tôi thà chịu điều tiếng còn hơn chịu chết vì trầm cảm, vì bế tắc và bệnh tật”, chị tâm sự.
Khi trẻ em lên sàn nhảy...
Tìm đến khiêu vũ đa số là trung niên. Vì vậy, sự xuất hiện và biểu diễn điệu nghệ của trẻ em trên sàn nhảy gây sự tò mò lẫn thích thú.
Một buổi tối tháng 8, quán café Hải Dương (TP.Thủ Dầu Một) gần như kín chỗ. Trên sân khấu rộng, gần 15 cặp đang khiêu vũ. Tâm điểm chú ý là các bước nhảy điệu nghệ mà khỏe khoắn của những đứa trẻ từ 8 - 14 tuổi. Bên dưới, các phụ huynh dõi mắt theo con, thỉnh thoảng tủm tỉm cười vui sướng khi ai đó trầm trồ: “Các bé nhảy đẹp quá!”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh (ngụ P.Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), mẹ của Nguyễn Thị Hải Yến (13 tuổi) và Nguyễn Khánh Ngọc (8 tuổi), cho hay hai bé học khiêu vũ (thi đấu và giao tiếp) khoảng mấy tháng nay để có sức khỏe và không bị... béo phì. Chưa kể, trong công việc và trong cuộc sống sau này các con có điều kiện giao lưu với mọi người.
Hè này chị Oanh cho các bé ra sàn 5 buổi/tuần, tại những quán cà phê, tụ điểm “hát với nhau” ở Thủ Dầu Một, Biên Hòa (Đồng Nai)... Chị chia sẻ: “Mình muốn con làm quen sàn sân khấu, tự tin với khán giả để sau này thi đấu ở đâu cũng không sợ”.
Tạo điều kiện tối đa cho con thực hành ở sàn nhảy, song chị Oanh luôn dặn hai cô con gái: “Con chỉ nên học nhảy với thầy và bạn nhảy trong lớp, không nhảy với người khác. Khi nào con đủ 18 tuổi, người ta mời con, mẹ sẽ đồng ý”.
Ở sàn nhảy H.D, hai em Nguyễn Đức Hoàng Thiện (12 tuổi) và Vũ Minh Khoa (14 tuổi) không chỉ nhảy cặp với bạn nhỏ đồng trang lứa mà còn dìu một số người lớn tuổi. Thỉnh thoảng, Thiện và Khoa cùng nhóm bạn đi giao lưu ở đám cưới, đám giỗ và những quán cà phê, tiệc khai trương. Những năm gần đây, Thiện và Khoa đạt được nhiều giải thưởng, huy chương tại một số cuộc thi khiêu vũ thể thao thiếu nhi cấp tỉnh và toàn quốc.
Chị Nguyễn Thị Kim Phượng (ngụ P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một), phụ huynh của Hoàng Thiện và Minh Khoa (cháu ruột chị Phượng), tỏ ra vui mừng khi những đứa trẻ nhà chị theo đuổi môn khiêu vũ, không còn thời gian rảnh để bấm điện thoại, chơi game...
Khẳng định khiêu vũ là đam mê, nhưng Hoàng Thiện chưa có ý định theo nghề này mà chỉ xả stress và giải trí. “Khiêu vũ không ảnh hưởng đến việc học của tụi con. Tụi con vẫn còn quỹ thời gian để học thêm võ, Anh văn...”, cậu bé Thiện dí dỏm.
Nhảy với mẹ ruột cũng bị ghen
Rất thích tập khiêu vũ nhưng rủ chồng không được, chị Trần Cẩm Hương (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đành học bước nam và nhờ mẹ ruột nhảy cặp. Dù vậy, chồng chị cũng không tin và ghen bóng ghen gió. Cầm cự được 3 tháng, chị phải bỏ ngang...
“Học môn này, nếu có kép là chồng mình thì mới ổn. Nếu phụ thuộc vào người khác, dễ nảy sinh nhiều chuyện rắc rối”, chị Hương nhìn nhận.
Nhân viên bảo vệ một trung tâm dạy khiêu vũ nổi tiếng tại Q.1, TP.HCM cũng cho biết nơi đây từng có người ngoài kéo đến lớp học đánh ghen, la lối: “Nó là vợ/chồng của tui mà lén lút đi nhảy với người khác”. Thậm chí, có người cầm chai nước lọc tạt lên mặt đối phương, khiến các học viên tưởng a xít nên bỏ chạy tán loạn... Về sau, đơn vị này lắp camera, tăng thêm nhân lực kiểm tra thẻ ra vào lớp để hạn chế sự việc tương tự.
|
(còn tiếp)
Bình luận (0)