Nhân chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi Trung Quốc đã gia hạn thỏa thuận cùng thăm dò và khai thác khi phát hiện dầu khí đến hết năm 2016 đồng thời mở rộng khu vực thăm dò chung nằm trên đường phân định 2 quốc gia trên vịnh Bắc bộ từ 1.541 km2 lên 4.076 km2, bao gồm 2 phần tương đương nhau từ mỗi bên, theo TTXVN. Thỏa thuận Thăm dò chung trong vịnh Bắc bộ do hai bên cùng điều hành với chi phí hoạt động được chia đều. Trong trường hợp phát hiện dầu khí thương mại tại khu vực thăm dò chung nói trên, hai bên sẽ cùng xem xét, thảo luận để chuyển sang hợp tác khai thác chung phù hợp với thông lệ quốc tế và luật pháp của mỗi nước với phương châm tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của nhau, đảm bảo lợi ích của hai bên.
|
Nhận định với Thanh Niên, các chuyên gia quốc tế cho rằng đây là tín hiệu rất tốt cho triển vọng hợp tác song phương trong lĩnh vực này. Ông Hoàng Tân Hoa, chuyên gia địa chất thuộc Công ty tư vấn năng lượng HIS, nói: “Thỏa thuận này chắc chắn sẽ được các công ty dầu khí quốc tế hoan nghênh và càng làm tăng sự quan tâm của họ đối với khu vực khai thác. Việc mở rộng khu vực thăm dò dựa trên thỏa thuận năm 2006 nên khó xảy ra tình trạng trùng lắp chủ quyền hay tranh chấp”. Chia sẻ quan điểm này, tiến sĩ Euan Graham (ĐH Công nghệ Nanyang - Singapore) nhận định: “Đây là thỏa thuận đôi bên cùng có lợi và sẽ góp phần xây dựng niềm tin giữa hai nước”.
Giới quan sát quốc tế cũng đặc biệt quan tâm đến việc Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ký thỏa thuận lập đường dây nóng để giải quyết các vụ việc phát sinh từ hoạt động đánh bắt trên biển. Tiến sĩ Graham nói: “Đây là động thái mang ý nghĩa quan trọng đối với an ninh khu vực, nhất là sau những vụ việc trên biển liên quan đến ngư dân vừa qua”. Tiến sĩ Mark Valencia thuộc Viện Nautilus của Mỹ cũng nhìn nhận đây là một bước tiến. Tuy nhiên, ông lưu ý điều quan trọng để đường dây nóng hoạt động hiệu quả là đầu dây bên kia phải có người cấp thẩm quyền trả lời.
Đúc kết về những thỏa thuận đã đạt được, tiến sĩ Graham kết luận: “Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho thấy những nỗ lực cấp cao ở cả hai bên nhằm củng cố quan hệ toàn diện cũng như nỗ lực giải quyết những vấn đề tồn đọng ở mức tối đa có thể”.
Trong tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, hai bên nhất trí tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Á - Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung Quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung - Nhật - Hàn, Hội nghị cấp cao Đông Á..., cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới. Hai bên nhất trí lấy năm nay - năm kỷ niệm 10 năm ASEAN và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, làm cơ hội để thực hiện toàn diện nhận thức chung mà lãnh đạo các nước ASEAN và lãnh đạo Trung Quốc đã đạt được, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 10 năm, không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, kết nối giao thông, hải dương, xã hội nhân văn..., đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. TTXVN |
An Điền
>> Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc
>> Tấn công tàu cá Việt Nam, Trung Quốc đang thực thi ý đồ độc chiếm biển Đông
>> Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc
>> Việt Nam - Trung Quốc thúc đẩy hợp tác kinh tế
>> Xúc tiến thành lập Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam - Trung Quốc về kiểm soát chất lượng ATVSTP nông sản
Bình luận (0)