Bước tiến mới trong tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc

04/05/2024 06:03 GMT+7

Việc thử nghiệm hàng không mẫu hạm Phúc Kiến trên biển giúp quân đội Trung Quốc (PLA) đạt bước tiến mới về năng lực tàu sân bay nhưng cũng có thể khiến sức ép quân sự ở khu vực tăng lên.

Tuần qua, Tân hoa xã đưa tin tàu sân bay Phúc Kiến được PLA tiến hành thử nghiệm trên biển. Đây chính là tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc, vốn đang có 2 tàu sân bay đã được biên chế là tàu Liêu Ninh và tàu Sơn Đông.

Do không có hệ thống phóng máy bay, 2 tàu Liêu Ninh và Sơn Đông đều có thiết kế mũi tàu hếch lên làm sàn phóng máy bay kiểu trượt tuyết. Tàu Phúc Kiến sẽ không còn phải mang thiết kế này vì được trang bị bộ phóng điện từ để phóng máy bay cất cánh. Đây là kỹ thuật hiện đại tương tự tàu sân bay lớp Gerald R. Ford - lớp tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, nếu các tàu sân bay Mỹ đều vận hành bằng năng lượng hạt nhân thì tàu sân bay Phúc Kiến vẫn còn sử dụng động cơ chạy bằng nhiên liệu thông thường.

Bước tiến quan trọng của hải quân PLA

Trả lời Thanh Niên ngày 3.5, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii - Thái Bình Dương về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận định cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên này của tàu sân bay Phúc Kiến kéo dài khoảng 3 - 5 ngày và chỉ giới hạn ở việc thử nghiệm các hệ thống và thiết bị kỹ thuật, động cơ đẩy… Có lẽ, đợt thử nghiệm thứ hai sẽ bắt đầu vào giữa tháng 6. Khi đó, giới quan sát mới có thêm đánh giá.

Năng lực tàu sân bay của Trung Quốc

Năng lực tàu sân bay của Trung Quốc

TỔNG HỢP

"Việc tàu Phúc Kiến được thử nghiệm trên biển gửi đi một tuyên bố mạnh mẽ về sức mạnh hải quân trong tương lai của Trung Quốc. Mặc dù còn khoảng 10 - 14 tháng nữa mới đi vào hoạt động nhưng tàu Phúc Kiến thể hiện một bước tiến quan trọng trong chương trình tàu sân bay của hải quân PLA", cựu đại tá Schuster đánh giá thêm.

Xa hơn, ông phân tích: "Một khi đi vào hoạt động đầy đủ, số máy bay của tàu Phúc Kiến mang theo sẽ nhiều hơn bất kỳ tàu sân bay nào của các nước châu Âu lẫn châu Á. Hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) sẽ cho phép nó phóng máy bay tiếp dầu và máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW-CS) cũng như các máy bay tác chiến điện tử mới nhất. Các máy bay tiếp dầu sẽ cung cấp cho lực lượng không quân tùy chọn tầm tấn công xa hơn hoặc mang theo nhiều thiết bị gây nhiễu điện tử và vật liệu nổ hơn. Quan trọng hơn, máy bay AEW-CS được trang bị trên tàu Phúc Kiến sẽ mang lại cho tàu sân bay khả năng quản lý tác chiến trên không vượt trội, bao gồm việc hỗ trợ giám sát bề mặt tốt hơn cho các tàu chiến mặt nước đi cùng".

"Chưa dừng lại ở đó, kinh nghiệm từ tàu Phúc Kiến có thể giúp PLA phát triển tàu sân bay thế hệ kế tiếp là Type 004 lớn hơn, dự kiến có thể sánh ngang với các tàu sân bay của Mỹ. Cho đến khi đó, Phúc Kiến và các tàu sân bay khác của PLA sẽ chỉ triển khai hạn chế ngoài "các vùng biển gần" của Trung Quốc. Chúng sẽ được sử dụng như một phần trong các hoạt động của Trung Quốc nhằm tăng sức ép quân sự ở Biển Đông và eo biển Đài Loan", ông Schuster đánh giá thêm.

Gia tăng sức ép quân sự ở khu vực

Cũng trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng có 3 điều cần nhận thấy khi hải quân PLA bắt đầu thử nghiệm tàu sân bay Phúc Kiến trên biển.

Thứ nhất, Trung Quốc sẽ sở hữu năng lực tàu sân bay thực sự. Trong một thời gian dài, Trung Quốc chưa sở hữu năng lực tàu sân bay thực sự. Dù Trung Quốc chọn tiêm kích nặng 30 tấn làm máy bay chiến đấu cho tàu sân bay, nhưng 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông không có hệ thống phóng. Để giảm trọng lượng, những máy bay chiến đấu này không thể mang đủ nhiên liệu và tên lửa cho các hoạt động quân sự. Điều này có nghĩa là 2 tàu sân bay hiện tại không thực sự có ý nghĩa tác chiến. Nhưng với tàu Phúc Kiến thì có hệ thống phóng. Nếu máy phóng này có đủ khả năng đẩy các chiến đấu cơ nặng 30 tấn lên không trung thì Phúc Kiến sẽ là tàu sân bay đầu tiên của PLA thực sự có khả năng tác chiến.

Bước tiến mới trong tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc- Ảnh 2.

Tàu sân bay Phúc Kiến

Tân Hoa Xã

Thứ hai, ngay cả khi tàu Phúc Kiến sẽ là tàu sân bay đầu tiên hoạt động đầy đủ của PLA thì độ choán nước của tàu này cũng chỉ 80.000 tấn, nhỏ hơn nhiều với các tàu sân bay Mỹ (có độ choán nước hơn 100.000 tấn). Và Mỹ có 11 tàu sân bay, mỗi tàu lại được kết hợp thành một nhóm tác chiến bao gồm các tàu chiến nổi lẫn tàu ngầm, có khả năng phòng không và chống ngầm và tàu ngầm hạt nhân. Ngoài ra, Mỹ có nhiều kinh nghiệm vận hành thực chiến tàu sân bay. Như thế, năng lực tàu sân bay của Trung Quốc vẫn còn thua xa Mỹ.

Thứ ba, dù chưa thể so với với Mỹ, nhưng tàu sân bay Phúc Kiến lại có thể tạo ra ảnh hưởng lớn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Số lượng máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Phúc Kiến hoàn toàn có thể vượt xa không quân nhiều nước trong khu vực. Như vậy, nếu triển khai tàu Phúc Kiến ở Biển Đông, nam Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương, Trung Quốc đủ sức gia tăng sức ép quân sự tại các khu vực này. 

Mỹ phản ứng Trung Quốc về vụ phun vòi rồng ở Biển Đông

Theo Reuters, phát biểu trong một cuộc họp báo chung với những người đồng cấp Philippines, Úc và Nhật Bản tại Hawaii (Mỹ), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết: "Chúng tôi đã nói rất rõ ràng với các bên, bao gồm cả Bắc Kinh, rằng loại hành vi mà chúng tôi đã thấy, khiến các thủy thủ Philippines gặp nguy hiểm… các thủy thủ bị thương và tài sản bị hư hại, là hành vi vô trách nhiệm".

Phát biểu của ông Austin được đưa ra sau khi Philippines ngày 30.4 cáo buộc lực lượng hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng, làm hư hại một tàu tuần duyên và một tàu cá của Philippines khi hai tàu tiến tới bãi cạn Scarborough ở Biển Đông để hỗ trợ ngư dân Philippines trong khu vực. Một vụ tương tự vào tháng 3 đã khiến ít nhất 4 thủy thủ Philippines bị thương.

Trong khi đó báo chí Trung Quốc đưa tin lực lượng hải cảnh nước này ngày 30.4 tuyên bố họ đã "trục xuất" một tàu tuần duyên Philippines và một tàu khác khỏi vùng biển gần bãi cạn Scarborough.  

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.