Hơn một tuần qua, trên địa bàn Ninh Thuận xuất hiện “dịch” ngứa do bướm trắng gây ra, làm nhiều người dân mất ăn mất ngủ.
Ảnh: Thiện Nhân |
Bà Phan Thị Mỹ Lệ (46 tuổi) ở P.Bảo An, TP.Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết cứ đến chập tối, hàng trăm con bướm trắng (ảnh) bay vào nhà, làm rối loạn sinh hoạt gia đình; nếu sơ ý, bướm bám vào người thì bị ngứa ở da, rất khó chịu.
Theo bà Lệ, nhiều gia đình trong khu phố, nhất là trẻ em, tự nhiên bị ngứa, hoang mang không biết lý do, khi đến bác sĩ khám mới biết nguyên nhân do lớp phấn trắng của bướm dính vào da.
Sáng 22.4, ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận, xác nhận bướm trắng gây ngứa mà người dân phản ảnh là loài bướm sâu đục thân hai chấm (tên khoa học: Scirpophaga incertulas walker), thường cư trú trên các đồng ruộng, rất thích ánh sáng của các ngọn đèn chiếu sáng.
Do thời điểm này ruộng lúa đang thu hoạch nên chúng bay vào các khu dân cư với mật độ dày. Theo ông Dũng, trên hai cánh của loài bướm này có phủ lớp phấn trắng đục, khi bay vào nhà, lớp phấn rơi xuống dính vào quần áo, mùng màn, hoặc tiếp xúc trực tiếp thì gây ngứa khó chịu nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Về cách phòng tránh, ông Dũng cho biết, bướm thường di chuyển từ đồng ruộng vào khu dân cư từ 17 - 21 giờ, nên thời điểm này người dân cần đóng kín các cửa nhà để ngăn chặn hoặc dùng “bẫy” bằng cách thắp bóng điện ở hiên nhà, phía dưới có thau chứa nước để chúng tìm đến khu vực có ánh sáng, rơi vào thau nước.
Ngoài ra, khi bị ngứa nên đi tắm, dùng xà phòng diệt khuẩn chà vào điểm ngứa. Trường hợp trẻ em bị ảnh hưởng nặng, cần đưa đến các cơ sở y tế để điều trị, tránh lở loét gây nhiễm trùng da.
Bình luận (0)