Bươn chải giữ “hồn Việt”

26/07/2012 03:00 GMT+7

Người ta nói Giám đốc Huỳnh Anh Tuấn là “khùng” khi bỏ bạc tỉ ra đầu tư cho Nhà hát Nón Lá, để rồi ngồi ngóng cổ bán từng cái vé. Tương tự, mới đây Giám đốc Linh Huyền cũng mang tiếng “khùng” khi mang bạc tỉ ra làm chương trình nghệ thuật dân tộc.

Nếu như chương trình Ngọc Việt của Nhà hát Nón Lá xinh xắn gọn đẹp trong không gian tre trúc ẩn phía sau Cung văn hóa Lao động TP.HCM thì Hồn Việt của Linh Huyền lại hoành tráng trên sân khấu Nhà hát TP.HCM. Hồn Việt diễn nửa tháng một lần, còn Nón Lá ngày nào cũng diễn. Mỗi nơi chọn con đường riêng của mình, nhưng giao thoa với nhau ở trái tim máu lửa cùng nghệ thuật truyền thống, quyết không bỏ cuộc, dẫu biết rằng với số tiền đầu tư đó mà đem gửi ngân hàng thì lấy lãi xài khỏe re. Còn ở đây, những “ông bà bầu” ấy cứ chạy đôn chạy đáo mỗi ngày, tim đập theo cánh cửa của phòng bán vé. Mệt mỏi lẫn rộn ràng, vui lẫn buồn, nghệ thuật và doanh thu cứ đan xen trong cuộc mưu sinh. Thực tế thì họ chấp nhận, nhưng vẫn đầy hy vọng.

 Bươn chải giữ “hồn Việt”
Tiết mục ca trù của chương trình Ngọc Việt - Ảnh: H.K

Huỳnh Anh Tuấn nói: “Nhà hát Rối Nước của chúng tôi phải 2 năm đầu chịu lỗ, sau mới hòa vốn, cho nên Nón Lá cũng phải kiên nhẫn như thế”. Linh Huyền thì cười: “Đã làm thì phải cố gắng chất lượng để có doanh thu, chứ ai lại chấp nhận lỗ. Nhưng không thể nóng vội. Bước đầu có lẽ tiền lãi chính là những tràng pháo tay của khán giả”.

Quả thật khán giả không thể nào biết hết những nỗi niềm phía sau sàn diễn, chỉ thấy phấn khích khi tiếng đàn t’rưng tung tẩy bên núi bên đèo, tiếng đàn đá nhảy qua từng con suối róc rách, giọng sáo trúc vi vu dẫn chú mục đồng về lại xóm thôn thoảng mùi rơm rạ… Hay tiếng đàn bầu, đàn tranh rung từng điệu lý dắt tay người qua chiếc cầu tre lắt lẻo của Nam bộ mênh mông. Giọng ca Huế lại rung nhẹ như thổi hồn cố đô xa xăm diệu vợi. Còn giọng ca trù nửa tỉnh nửa say ngất ngây với Hồng hồng tuyết tuyết… Rồi huyền thoại chú Cuội cây đa, múa hoa đăng, múa sạp, tưng bừng, rộn rã. Và màn múa lân với kịch bản tươi tắn, hài hước, khiến ai nấy bật cười không kìm nổi. Một giờ đồng hồ thôi, coi như tạm đủ để “hiểu” Việt Nam. Mà đâu phải chỉ du khách, ngay cả nhiều người Việt cũng bàng hoàng ngẩn ngơ khi “tự khám phá” ra mình.

Hình như khán giả bây giờ đang rất thiếu cái “hồn Việt” ấy. Cho nên, xem để thấy rung động trước âm nhạc dân tộc, thấy yêu hơn nghệ thuật nước mình…

Hoàng Kim

>> Những người "chịu chơi" với nghệ thuật dân tộc
>> Ông Huỳnh Anh Tuấn: Kịch đi tỉnh, chỉ nên đưa các vở thu gọn
>> Huỳnh Anh Tuấn: "Rối nước - chắc chắn khán giả sẽ thích!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.