(TNTS) Đài truyền hình trung ương vừa đưa một thông tin khá phấn khởi, khiến bạn xem đài nức lòng. Tối 17.12.2011, Cảnh sát kinh tế phối hợp cùng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội túm được bảy xe tải chở đầy hàng lậu có xuất xứ từ nước ngoài. Điểm đặc biệt là các xe tải này còn thận trọng chơi thêm biển số giả để thay đổi khi qua từng địa phương, nhằm đánh lừa tai mắt của nhân dân và sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Đài chua chát mà bình một câu rằng từ điểm tập kết hàng qua biên giới về tới Hà Nội khoảng hai trăm cây số. Không hiểu làm sao mà bảy chiếc xe đó đi lọt qua một đoạn đường dài như vậy mới bị túm tại Hà Nội? Đúng là những con voi chui qua lỗ kim. Điều này cho ta thấy công việc chống hàng lậu qua biên giới hình như có vẻ trễ tràng, giàu tính “hòa khí sinh tài”.
Có buôn lậu tất có người chống buôn lậu. Điều khiến cho người chống buôn lậu dở khóc dở cười là nhiều khi họ biết hàng buôn lậu một trăm phần dầu đấy nhưng lại chẳng có quyền xử lý xử đào gì sất. Đó là trường hợp người buôn lậu đưa ra được cái… biên lai đỏ mua hàng đâu đó ở biên giới là phải cho qua, không cần xuất trình bộ hồ sơ nhập khẩu hàng. Các cơ quan chức năng dò tìm ra chủ bán hàng lậu ngoài biên giới. Chủ hàng cười trừ “vâng, em bán hàng lậu đấy”. Cuối cùng cũng huề tiền vì hàng mua đã chở đi mấy trăm cây số rồi.
|
Hàng lậu là những loại hàng không rõ nguồn gốc, không được nhập ngay ngắn qua cửa khẩu hải quan, cũng không đóng thuế. Những món hàng ấy nếu đi đến được nơi mà nó cần đến thì với sự phù phép của những thương lái hay nhà phân phối, chúng sẽ trở thành những món hàng có khai sinh, để tung ra thị trường.
Tuy nhiên, dân buôn lậu là dân dạn gan bạo phổi bậc nhất bậc nhì châu Á. Bằng chứng là trong số hàng lậu bị bắt vừa nói trên có cả mặt hàng pháo nổ. Pháo là mặt hàng nguy hiểm bị cấm mười mấy năm nay, bắt được phải tịch thu và tiêu hủy ngay. Ấy vậy mà dân buôn lậu vẫn cao hứng rước nó về, có lẽ để đón chào… xuân Nhâm Thìn. Đúng là điếc không sợ súng, xin lỗi, sợ pháo!
Cùng thời điểm trên, các cơ quan chức năng ở An Giang túm được hai ông mang theo mười lăm ký vàng, dạng thỏi. Vàng dạng thỏi của các nước tiên tiến sản xuất luôn luôn có đóng hàng chữ Fine Gold và 1 kg. Vàng của hai vị này mang đi thì mặt mũi trơn lu bạch tuộc, chẳng có chữ nghĩa gì cả. Nó đúng là vàng lậu.
Mỗi ký vàng tương đương hai mươi sáu lượng, sáu chỉ, sáu phân, sáu ly. Mười lăm ký vàng vị chi là trên bốn trăm lượng vàng. Số vàng này được hai ông giắt trong áo, nhét trong quần. Hỏi mang vàng đi đâu nhiều vậy, thưa rằng “mang đi để gia công làm vàng nữ trang, bán dịp tết”. Tất cả đều hướng tới mục đích chào xuân Nhâm Thìn!
“Qua theo bậu, buôn lậu theo mùa” - tân tục ngữ có câu như vậy. Vế đầu thì dễ hiểu rồi; anh thương em thì anh phải theo em. Riêng vế sau phải diễn tả dài dòng, lai rai. Tùy theo mùa, người buôn lậu đánh hơi thị trường, “tham gia” các món hàng mà bà con cần mua. Thí dụ bây giờ đang tiết trọng đông; phía bắc lạnh. Bà con có khuynh hướng làm món lẩu trong bữa cơm gia đình, ăn có chất chua chua để tăng thêm vitamin C, tăng sức đề kháng. Vậy thì dân buôn lậu sẽ mua các bao gia vị lẩu trời ơi đất hỡi do các hợp tác xã hay tổ hợp sản xuất gì gì đó từ nước ngoài về, phù phép bán cho bà con. Còn trong bao gia vị đó có chất gây ung thư hay làm thủng hạch tá tràng hay không thì đó là điều họ chẳng cần biết.
Tùy theo mùa, buôn lậu chuyển hàng. Thí dụ bây giờ, phía nam đang vào mùa khô. Dân buôn lậu thuốc lá “chẻ” hàng thuốc lá lậu từ biên giới các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang về bằng xe gắn máy. Sang hơn một chút, hàng lậu sẽ được xe buýt che chở, chuyển về thành phố cho bà con… vui xuân đầm ấm. Tuyến buýt từ Tây Ninh, Mộc Bài về đã có công chở thuốc lá lậu “tham gia thị trường” tràn ngập từ đại lộ đến hang cùng ngõ hẻm của thành phố ta. Quý anh cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, thuế vụ dù nỗ lực rất cao, cũng không thể túm hết thuốc lá lậu. Làm sao túm nó khi nó bung xòe ra khắp nơi. Chợ Học Lạc ở quận 5 bán thuốc lá lậu tưng bừng mà vẫn mạnh giỏi thì nỡ nào ta túm mấy bà con trong ngõ hẻm một ngày chỉ bán lẻ vài gói Hero, Jet?
Qua mùa nước nổi (mùa lũ), dân buôn lậu chuyển hàng táo tợn hơn bằng tắc ráng. Chiếc tắc ráng dài thòng gắn cái máy Kohler 5 ngựa (mã lực) chạy như điên giữa biển nước mênh mông là phương tiện chẻ hàng lý tưởng của dân buôn lậu. Nó mạnh đến nỗi gặp bờ ruộng cũng trườn mình phóng qua được như một con cá sấu hung hãn. Nếu có quản lý thị trường hay hải quan vây bắt, nó sẽ ung dung trở đầu chạy ngược về hướng tây. Đợi các anh đi rồi, nó lại chạy qua biển nước mênh mông, tìm về các thị trấn, thành phố. Làm gì nhau nào?
Nhiều khi đi chợ mua phải hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, ta kiềng riềng oán trách những người chống buôn lậu, cho rằng họ làm chưa hết chức năng để hàng lậu tràn ngập chợ búa. Nhưng xin hãy nghĩ lại. Nếu ta có một người chống buôn lậu thì tổ chức buôn lậu có tới trăm người, mạng chân rết phân phối hàng lậu có tới ngàn người. Biên giới là một khái niệm rất trừu tượng bởi giữa nước ta và các nước bạn thôn liền thôn, xã liền xã, núi liền núi, sông liền sông. Chẳng lẽ cứ một mét, ta lại phải cắt một anh biên phòng, quản lý thị trường, hải quan, cảnh sát kinh tế đứng thường xuyên ở đó để “dàn chào” hàng lậu? Trong khi đó, một mét vuông đất có thể có tới năm anh buôn lậu chực chờ… đi buôn lậu.
Có những đám buôn lậu táo tợn hung hãn, ngang nhiên chống người thi hành công vụ. Chúng đánh lại các anh, xô các anh xuống sông ngay khi hàng hóa bị lập biên bản. Chúng cầm dao, gậy gộc xông vào đơn vị, cơ quan để giành giật, lấy lại hàng bị tịch thu. Hải quan, quản lý thị trường, thuế vụ thì không có súng, chỉ có thể “nói chuyện phải quấy”. Mà giả thiết họ có súng đi nữa thì cũng chẳng được phép bắn, ngoài việc bắn… lên trời. Bắn lên trời thì chẳng đụng thằng Tây nào cả. Buôn lậu vì vậy mà ngày càng táo tợn.
Buôn lậu thì dễ có tiền. Càng có tiền, phương tiện chở hàng lậu càng tiên tiến. Vừa qua, các cơ quan chức năng ở Quảng Ninh phối hợp, mật phục đến một giờ sáng mới bắt được một đám buôn lậu đường biển. Họ buôn lậu bằng tàu biển có công suất cao mà toàn là loại tàu “thương hiệu” không hè.
Đi trên sông nước, không gì nhanh bằng ca nô. Ca nô gắn máy năm chục ngựa, chạy xé gió, cơ động nhanh, túm anh nào cũng được. Thế nhưng, nó lại uống xăng như người ta uống… bia hơi mà tiêu chuẩn xăng công tác của các lực lượng chống buôn lậu lại khá đìu hiu. Nghe tiếng máy nổ, năm chiếc tắc ráng buôn lậu chạy tới thì ta chỉ có một chiếc ca nô để… chống buôn lậu. Ca nô túm được một anh thì bốn anh chạy thoát. Cái đó kêu bằng trời kêu ai nấy dạ và mỗi ngày như vậy chỉ có vài anh buôn lậu “dạ”. Còn hàng có hoặc không có hóa đơn đỏ lại cứ hiên ngang ra đi. Hỏi như vậy thì làm sao hàng lậu lại không tràn trề, nghê ngói thị trường?
Vũ Đức Sao Biển
Bình luận (0)