Ba người Lào bị bắt giữ chiều 18.6 khi vận chuyển ma túy qua biên giới - Ảnh: Nguyễn Phúc |
“Nóng” ở biên giới
Theo Bộ tư lệnh BĐBP, “điểm nóng” tội phạm ma túy vẫn ở tuyến biên giới Việt – Lào với độ manh động, tinh vi xảo quyệt như giấu ma túy trong thùng hàng gửi theo đường xe khách hoặc thuê người vận chuyển qua đường mòn, đường tắt khu vực cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình, Lao Bảo (Quảng Trị), Bờ Y (Kon Tum). Ở biên giới Việt Nam - Campuchia tội phạm 2 nước cấu kết sản xuất ma túy tổng hợp tập kết tại Phnôm pênh dùng Việt Nam làm trung gian để đưa sang Trung Quốc, Úc.
“Thủ phủ gỗ lậu” biên giới tập trung tại xã MoRay (H.Sa Thầy Kon Tum), rừng quốc gia Yok Đôn, Đồn Biên phòng 751 - 757 Đắc Nông, Đồn PôCô Gia Lai... với thủ đoạn tuồn gỗ lậu qua biên giới hoặc hợp thức hóa bằng mở tờ khai hải quan, mua hóa đơn...
Trên biển, thời gian qua xuất hiện nhiều băng nhóm núp bóng doanh nghiệp buôn lậu như lợi dụng chức năng tận thu để khai thác trái phép, thành lập “công ty ma” thuê con nghiện, đối tượng hình sự làm giám đốc để ký hợp đồng khống mua bán, vận chuyển khoáng sản nội địa chủ yếu đi Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương nhưng thật chất lợi dụng đêm tối chở vượt biên sang Trung Quốc tiêu thụ.
Một thủ đoạn khác đó là lợi dụng chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ ngày 9.1.2012 cho phép xuất khẩu quặng ilmenit đang tồn kho (có sẵn ở kho bãi trong cảng, cửa khẩu) đến hết tháng 6.2013. Nhiều doanh nghiệp đã làm thủ tục mở tờ khai hải quan trước 30.6.2013 để được xuất khẩu quặng nhưng thật chất khi đó hàng hóa vẫn chưa được tập kết. Nắm được thủ đoạn trên, Bộ tư lệnh BĐBP ra công văn cùng lực lượng Hải quan ngăn chặn, kiểm tra tại Bình Định, phát hiện và hủy bỏ 39/44 tờ khai hải quan đã được mở với số lượng hơn 200.000 tấn quặng không đúng quy định.
Lách luật
Đại tá Nguyễn Danh Dương, Hải đoàn trưởng Hải đoàn 48 Bộ Tư lệnh BĐBP cho biết tội phạm buôn lậu còn tinh vi đến nỗi thuê người nằm vùng ở khu vực tàu đơn vị đóng quân để cảnh giới cho đồng bọn trong quá trình xuất lậu quặng. Không chỉ vậy, loại tội phạm này còn lợi dụng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất…còn hạn chế để lách luật.
Như điều 5 về chính sách thuế trong quyết định 254 ngày 7.11.2006 về quản lý hoạt động thương mại biên giới nêu “riêng hàng hóa do cư dân nước có chung biên giới sản xuất nhập khẩu vào Việt Nam dưới hình thức mua bán trao đổi được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị không quá 2 triệu đồng/người/ngày”. Do đó các đầu nậu khai thác triệt để kẻ hở này để thuê cư dân quanh biên giới mua hàng miễn thuế cho chúng.
Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng dẫn chứng, điều 4 về thời hạn xuất trình hóa đơn, chứng từ trong thông tư liên tịch số 60 giữa Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Bộ Công an ngày 12.5.2011 quy định doanh nghiệp có 72 giờ để xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu kể từ thời điểm kiểm tra.
Nhưng nếu cuối thời hạn 72 giờ trùng với ngày nghỉ thì việc xuất trình được thực hiện vào ngày tiếp theo, tức là đầu nậu có tổng cộng 96 tiếng để hợp thức hóa hồ sơ hàng hóa, hóa đơn GTGT.
Ngay cả khi Hải quan cửa khẩu nghi vấn lô hàng không đạt chuẩn thì cũng chỉ lập biên bản lấy mẫu kiểm tra nhưng vẫn cho thông quan theo quy định tại điều 5 thủ tục xuất khẩu khoáng sản trong thông tư 41 Bộ Tài chính ngày 24.12.2012. Dù kết quả kiểm tra không đạt thì doanh nghiệp sẵn sàng bị phạt bởi tiền phạt thấp hơn nhiều so với lợi nhuận đã xuất hàng.
Do đó, trong thời gian đến, Bộ tư lệnh BĐBP sẽ tham mưu các bộ ngành liên quan, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các kẻ hở đang bị lợi dụng.
Nguyễn Tú
Bình luận (0)