Lặn càng sâu, chở càng nhiều
Theo New York Times, sau nhiều năm bị triệt phá tại các nẻo đường buôn lậu ma túy từ các nước Mỹ Latinh như Colombia, Mexico sang Mỹ, các băng nhóm tội phạm đã không ngại chi những số tiền khổng lồ chế tạo tàu ngầm phục vụ những chuyến hàng được vận chuyển trên vùng biển Caribbean và che mắt các cơ quan chức năng.
Loại bán tàu ngầm tự chế của các băng đảng buôn ma túy Colombia được phát hiện lần đầu tiên từ năm 1993. Khi đó thiết bị này không thể lặn hoàn toàn, vẫn phải nhô một phần lên khỏi mặt nước. Nhưng những năm gần đây, lực lượng tuần duyên của Mỹ đã phát hiện 3 loại tàu ngầm mới nhất được cho là tự chế tạo dùng để chuyên chở ma túy với hình thức ngụy trang rất khéo léo và rất khó phát hiện được. Những loại tàu ngầm này chứa đến 10 tấn ma túy, có thể nổi lên mặt nước vào ban đêm để tiếp nhiên liệu và lặn sâu dưới nước suốt hải trình từ Ecuador đến Los Angeles dưới độ sâu khoảng 20m. Đây là bằng chứng về việc buôn lậu sử dụng công nghệ cao với đầy đủ chức năng khi bằng động cơ diesel và điện, có ống thông hơi, có hệ thống điện tử, kính tiềm vọng và hệ thống điều hòa không khí....
|
Theo trung tá Mark J. Fedor thuộc Lực lượng tuần duyên Mỹ, những tàu ngầm chở ma túy có thể vượt qua quãng đường tới 3.000 hải lý trên đại dương mà không hề bị phát hiện. Chúng chỉ thỉnh thoảng nổi lên trên mặt nước để lấy không khí trong thời gian ngắn, trước khi tiếp tục cuộc hành trình dưới lòng biển một cách lén lút nhưng an toàn. Thiếu tướng hải quân Charles D. Michel cho biết số vụ triệt phá buôn lậu ma túy tại Mỹ từ đầu năm 2012 đến nay tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm ngoái, Mỹ đã thu giữ một con số kỷ lục lên tới 129 tấn cocaine. Báo cáo vào năm ngoái của Mỹ cho thấy những kẻ buôn lậu có thể sử dụng tới 40 tàu ngầm mang cocaine vào Mỹ mỗi năm.
Với xu hướng sử dụng tàu ngầm ngày càng tăng, giới chức Mỹ lo ngại mạng lưới buôn lậu ma túy đang từ bỏ những chiếc xuồng cao tốc hoặc tàu đánh cá công suất lớn chỉ có thể mang 1 tấn ma túy và dễ bị phát hiện sang các loại tàu ngầm chở nhiều ma túy hơn. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, bọn buôn lậu chi gần 1 triệu USD để chế tạo một chiếc tàu ngầm và lợi nhuận thu được hoàn toàn bù đắp dễ dàng số tiền đã bỏ ra. Thông thường, khi chở được hàng qua biên giới hay vùng kiểm soát, chúng bỏ lại con tàu và trở về nhà bằng máy bay thương mại thông thường. Buôn lậu với tàu ngầm là đường một chiều, con tàu sẽ bị bỏ không ngay sau khi xong nhiệm vụ.
|
Phối hợp để triệt phá
|
Để đối phó với thực trạng trên, Mỹ đã tung ra nhiều chiến lược, bao gồm tăng cường đội ngũ trực thăng và xuồng cao tốc cho lực lượng tuần duyên, thiết lập một trung tâm chỉ huy hiện đại kết hợp với cơ quan tình báo của Mỹ và các nước trong khu vực để phối hợp cùng nhau trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy. Những nỗ lực chống ma túy của Mỹ là một phần trong nhiệm vụ mới của các lực lượng an ninh và tình báo nước này, sau khi họ chấm dứt các hoạt động ở chiến trường Iraq và Afghanistan. Nhiệm vụ này bao gồm phân loại và phân tích thông tin tình báo về hoạt động buôn lậu ma túy.
Lực lượng Đặc nhiệm tác chiến liên ngành miền Nam, bao gồm các bộ An ninh nội địa, Tư pháp, Ngoại giao và Quốc phòng, được thành lập, kết hợp với các quan chức tình báo và liên lạc từ hơn chục quốc gia để phân tích các đầu mối thông tin về tình hình buôn lậu ma túy. Lực lượng gồm 600 người này chia thành các đội tuần tra trên biển, trên không và trên mặt đất để tiến hành các hoạt động chống ma túy ở khắp khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ có đưa ra nhiều chính sách hợp tác với an ninh các nước Colombia, Ecuador, nơi xuất phát các nguồn hàng buôn lậu. Họ chia sẻ những thông tin tình báo, những cách thức mà bọn buôn lậu sử dụng để vận chuyển hàng lậu. Lực lượng tuần duyên Mỹ đang thực hiện một nhiệm vụ có tên gọi “Chiến dịch Martillo”, tập trung vào việc ngăn chặn hai chặng hành trình vận chuyển chính của các băng nhóm tội phạm ở khu vực bờ biển Honduras và Guatemala.
Trước cuộc chiến chống ma túy quyết liệt ở Mỹ Latinh, Washington lo ngại các tập đoàn ma túy ngày càng di chuyển nhiều hơn đến các quốc gia nhỏ và yếu ở châu Phi, từ đó gây mất ổn định những nơi này. Quyết định mở rộng cuộc chiến chống ma túy đến châu Phi của Mỹ là dấu hiệu cho thấy Washington đang tập trung sự chú ý và mọi nguồn lực vào cuộc chiến này sau khi rút quân khỏi Iraq và Afghanistan. Mỹ đã triển khai chương trình huấn luyện một đơn vị cảnh sát tinh nhuệ chống ma túy ở Ghana và có kế hoạch thành lập những đơn vị tương tự ở Nigeria và Kenya. Ông William R. Brownfield, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề về thực thi pháp luật và chống ma túy quốc tế, cho biết đang gấp rút hoàn thành những chi tiết cuối cùng của Sáng kiến hợp tác an ninh Tây Phi, sự tiếp nối các chương trình chống các tập đoàn ma túy ở Trung Mỹ và Mexico.
Theo Thanh Hằng / Sài Gòn Giải Phóng
>> Xét xử 28 bị cáo buôn ma túy trong trại giam
>> Buôn ma túy, ba bị cáo lãnh 27 năm tù
>> Buôn ma túy, một doanh nhân lãnh án tử hình
>> Thái Lan tiêu diệt 8 nghi phạm buôn ma túy
>> Một tướng Colombia bị cáo buộc buôn ma túy
>> Mỹ bắt trùm buôn ma túy và rửa tiền Mexico
>> Mỹ bắt 23 nghi can buôn ma túy người Honduras
>> Bắt một đối tượng nữ buôn ma túy liên tỉnh
Bình luận (0)