Người xem thương hai nhân vật chính hiền lành, chính trực, đẹp đôi Phạm Công (Lý Hùng) - Cúc Hoa (Diễm Hương) bao nhiêu thì ghét kẻ tiểu nhân Lê Báu bấy nhiêu. Thời điểm đó, cứ nhắc tới Lý Hùng là người ta nhắc tới Công Hậu, vì họ đối nhau chan chát trên màn bạc.
Đến phim Võ sĩ bất đắc dĩ thì khán giả càng ghét Công Hậu, nhất là sau cảnh anh và Lý Hùng quần nhau tơi tả trên võ đài. Có lần anh đang đi đường, một người đàn ông đột nhiên xông tới: “Thằng này, trên phim mày ác lắm, có ngon đến đây đánh tay đôi với tao nè!”. Công Hậu cười mếu: “Lần đó tôi chắp tay trình bày với khán giả, đó chỉ là phim, chứ ở ngoài đời tôi hiền khô à! May sao lúc đó chú võ sư Lý Huỳnh biết chuyện chạy ra giải thích họ mới để tôi yên”.
Sau “tai nạn” đó, Công Hậu về nhà tâm sự với vợ và thề sẽ không bao giờ đóng vai ác nữa. Vì vậy anh thất nghiệp gần hai năm trời, bởi các đạo diễn đã quen với hình ảnh Công Hậu phải đóng vai... ác thì mới ăn!
Thế rồi dường như tổ nghiệp hiểu tâm nguyện của anh, vào năm 1998 anh được giao vai Đức Phật Thích Ca trong bộ phim nhựa Ánh đạo vàng. Công Hậu đã ăn chay, ngủ riêng ba tháng trong suốt thời gian quay phim để tịnh tâm nhập vai. Phim làm xong bí đường phát hành, may nhờ Phước Sang chỉ đường “binh” để anh làm quen với các chủ rạp, năn nỉ người ta chiếu phim. Bộ phim ban đầu cứ tưởng bị lỗ, nhưng cuối cùng thu lời gấp ba số vốn bỏ ra.
|
Với thắng lợi trên, Công Hậu tham gia tiếp bộ phim đề tài Phật giáo Thái tử Câu La Na và sau đó làm đạo diễn bộ phim Con đường giác ngộ (5 tập). Bộ phim anh đạo diễn đoạt hai giải vàng: Phim truyền hình hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất trong lần Liên hoan phim Vesak 2014 tại chùa Bái Đính, Ninh Bình. Thế nhưng anh rầu rĩ: “Đoạt giải thì ai cũng biết, nhưng chuyện tôi phải cày suốt 4 năm trời để trả nợ gần 500 triệu đồng cho bộ phim này thì đâu ai hay! Cứ mỗi lần phát sinh chi phí, nhà sản xuất nói miệng cứ ráng làm đi rồi sau sẽ tính. Thế mà khi phim xong không một ai chịu chi lại số tiền tôi đã ứng”.
|
Đóng trên 100 phim, trải qua biết bao nhân vật, từ công tử ăn chơi, đến thầy giáo, kỹ sư, nông dân, bác sĩ… nên Công Hậu cũng nếm đủ mùi vị vui buồn trên phim trường.
Công Hậu nhớ nhất là lần đi thử vai trong phim Ba giọt máu. Anh kể: “Suốt nửa ngày trời tôi bị thử diễn đủ loại vai. Đạo diễn hỏi: Anh biết lặn không? Vì sợ mất vai tôi trả lời luôn: Không thành vấn đề. Mấy ngày sau cả đoàn kéo ra một hòn đảo ở Nha Trang quay cảnh tôi lặn xuống biển ở độ sâu 7 m để thu hình chàng ngư dân mò ngọc trai. Mỗi lần lặn xuống, nước ép lỗ tai lùng bùng khiến tôi muốn xỉu. 3 ngày liên tục lặn giữa nắng gió, chiều tối về nhà, da của tôi tự lột mà cứ ngỡ như lột… bánh tráng”.
Phim Thạch Sanh - Lý Thông (1995) cũng là kỷ niệm… hú hồn. Công Hậu kể: “Lê Công Tuấn Anh đóng vai vua Thủy Tề, Hồng Đào thì đóng vai yêu quái dụ dỗ Thạch Sanh là tôi đang trên đường cứu công chúa Diễm Hương trong hang động. Cảnh này quy tụ trên 50 người, lẽ ra phải quay ngoại cảnh ở Hà Tiên, nhưng để tiết kiệm kinh phí nhà sản xuất cho làm hang động bằng giấy và quay ở Sài Gòn”. Để tăng phần hấp dẫn, sau khi “yêu quái Hồng Đào” dụ dỗ Thạch Sanh không được, bèn hóa phép tung một quả lửa để hù dọa Thạch Sanh. Quả lửa này đã bén vào hang động giấy gây cháy dữ dội! Cả phim trường nháo nhào, mạnh ai nấy chạy. “Tôi bị phỏng nhẹ không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng cả hang động thủy cung bị thiêu rụi. Cái này gọi là tiết kiệm nhưng còn tốn khủng khiếp hơn”, anh nhớ lại.
Bình luận (0)