Buông lỏng an toàn đường thủy

22/03/2016 06:14 GMT+7

Chỉ trong nửa tháng đã xảy ra hai vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng: Trong khi các cơ quan chức năng còn đang loay hoay “giải cứu” cầu An Thái (Kinh Môn, Hải Dương) khỏi bị sập do tàu thủy húc rạn nứt dầm cầu ngày 6.3, thì cây cầu Ghềnh lịch sử hơn 100 tuổi phải chịu số phận thảm hơn rất nhiều: cả nhịp 2 và nhịp 3 đã đứt gãy rơi xuống sông hôm 20.3.

Chỉ trong nửa tháng đã xảy ra hai vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng: Trong khi các cơ quan chức năng còn đang loay hoay “giải cứu” cầu An Thái (Kinh Môn, Hải Dương) khỏi bị sập do tàu thủy húc rạn nứt dầm cầu ngày 6.3, thì cây cầu Ghềnh lịch sử hơn 100 tuổi phải chịu số phận thảm hơn rất nhiều: cả nhịp 2 và nhịp 3 đã đứt gãy rơi xuống sông hôm 20.3.

Chỉ đến khi vụ sập cầu xảy ra, người ta mới biết thủ phạm gây ra sự cố hy hữu đâm sập cầu không có bằng lái, chứng chỉ hành nghề, chỉ là phụ việc nhưng được thuyền trưởng giao là chạy luôn. Hay ở vụ cầu An Thái là tàu thủy tự vào cảng rồi rời cảng mà không hề xin phép. Không được quan tâm, kiểm tra chặt chẽ như đường bộ, và đương nhiên càng không được hưởng mức đầu tư lớn như đường bộ, đường thủy nội địa đã bị lãng quên rất lâu và chỉ được chú ý tới khi tai nạn, mất an toàn diễn ra như vụ chìm tàu du lịch trên sông Sài Gòn và giờ đây là tàu, sà lan đâm sập cầu. Tuy nhiên, rất có thể cũng tương tự như câu chuyện chìm tàu trên sông Sài Gòn, sau khi khắc phục sự cố, đường thủy nội địa lại tiếp tục bị các cơ quan chức năng bỏ quên mặc cho sự mất an toàn vẫn diễn ra hằng ngày mà không hề có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ, thường xuyên đối với phương tiện, người lái, lịch trình chạy tàu…
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT), nguyên nhân 2 sự cố đâm va cầu trên đều bắt nguồn từ ý thức kém, liều lĩnh của người điều khiển phương tiện, nhưng cũng một phần do những lỗi từ chính phía cơ quan quản lý trong quản lý phương tiện, đăng kiểm đăng ký... Dù chiếm tới 20% khối lượng vận chuyển hàng hóa nhưng sự quan tâm đến đường thủy nội địa còn rất hạn chế, lực lượng kiểm tra mỏng, tiếp cận phương tiện cũng hạn chế.
Sự thiếu vắng kiểm tra, giám sát còn thể hiện ở việc mọc tràn lan, bát nháo các bến thủy nội địa không phép ở rất nhiều địa phương, đặc biệt là các lưu vực sông lớn. Không được tổ chức quản lý và kiểm tra, khiến tàu thuyền ra vào xếp dỡ hàng hóa rất tùy tiện, dẫn tới nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.
Bên cạnh đó, cũng cần nhắc lại việc cầu Ghềnh không có trụ bảo vệ ụ cầu, trong khi tuổi thọ của cầu đã rất lớn, dẫn tới chỉ một cú đâm mạnh đã khiến trụ cầu gãy sập, làm đứt đoạn tuyến giao thông đường sắt huyết mạch bắc - nam. Và, không chỉ cầu Ghềnh, trên cả nước còn rất nhiều cây cầu thiếu trụ bảo vệ, luôn đứng trước nguy cơ bị đâm đứt, gãy do một người lái tàu không được đào tạo, không nắm vững quy định an toàn…
“Mất bò mới lo làm chuồng”, câu thành ngữ có phần đúng với ngành giao thông trong trường hợp này, khi những lỗ hổng trong quản lý, sự dễ dãi trong kiểm tra chỉ được đặt ra sau một thời gian dài để thả nổi hoạt động đường thủy nội địa. Tuy nhiên, dù muộn còn hơn không, giống như mong mỏi tha thiết của lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa, rất cần sự quan tâm đầu tư đúng mức và sự tham gia của nhiều lực lượng hơn trong quản lý, tránh lặp lại các thảm cảnh đường thủy tương tự trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.