Buông lỏng nhập khẩu phế liệu

Nguyên Nga
Nguyên Nga
08/08/2018 07:42 GMT+7

Thay vì chỉ cho phép doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất tái chế được nhập khẩu phế liệu, VN đang cấp phép cho cả các đơn vị nhập phế liệu để bán kiếm lời.

5.000 container phế liệu tồn đọng
Vai trò của Bộ TN-MT rất quan trọng trong vấn đề cho phép DN dùng phế liệu để sản xuất hay không. Khi cả thế giới đang nói không với phế liệu, chúng ta lại đang du di hay nói đúng hơn là thoải mái mở cửa cho phế liệu tràn vào, trách nhiệm của các đơn vị tham mưu lẫn cấp phép đều phải được xem xét.  
 PGS-TS Nguyễn Lê Ninh
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy hiện còn khoảng 5.000 container phế liệu đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng và cảng Cát Lái (TP.HCM). Trong đó, số container tồn tại cảng Cát Lái tính đến ngày 25.7 là 3.579 (2.423 container tồn quá 90 ngày). Tại Hải Phòng, tính đến ngày 5.7, tổng số container còn tồn là 1.495, trong đó hơn một nửa có số tồn quá 90 ngày. Riêng hàng phế liệu nhựa chiếm tới 1.342 container tồn đọng tại cảng này.
Do rác phế liệu ùn ùn đổ về, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn phải thông báo ngưng tiếp nhận các container phế liệu nhựa nhập khẩu về 2 cảng Hiệp Phước và Cát Lái (TP.HCM). Thực ra tình trạng này đã bắt đầu từ cuối năm 2017, khi Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế thì hàng ngàn container phế liệu ở khắp nơi, “bất chấp quy chuẩn” đã được nhập ùn ùn vào VN và bị lưu tại cảng do không đáp ứng các yêu cầu giấy phép, bảo vệ môi trường…
Theo các chuyên gia, sở dĩ VN được chọn là điểm đến bởi việc cấp phép nhập khẩu phế liệu quá dễ dãi. Dù là ngành kinh doanh có điều kiện song giấy phép lại được cấp cho rất nhiều doanh nghiệp (DN) không có nhu cầu tái chế mà chỉ nhập về bán lại. Chẳng nói đâu xa, trong danh sách 228 DN đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu mà Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) mới công bố (tính đến hết tháng 4.2018), có đến 100 DN được phép nhập khẩu ủy thác, gián tiếp. Theo một chuyên gia logistics, nghịch lý là không phải DN nào có nhu cầu sử dụng phế liệu tái chế cũng được cấp phép nếu không đáp ứng được các quy định về nhà xưởng, xử lý môi trường… Ngược lại, nhiều DN đáp ứng các tiêu chuẩn này, nhưng không có nhu cầu sản xuất, đứng ra xin giấy phép nhập khẩu về bán lại cho các DN có nhu cầu. Có cầu thì có cung, thị trường mua bán phế liệu hình thành kéo theo việc nhập khẩu phế liệu tràn lan.
Chưa có hồ sơ vẫn được cấp phép
Lỗ hổng quan trọng nhất khiến hàng ngàn container phế liệu tồn đọng tại các cảng là mạnh ai nấy làm. Đơn vị cấp giấy phép không chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn
được nhập? Nhập làm gì? Phế liệu thế nào mới dùng được lại? 
PGS-TS Phạm Thế Hiện, chuyên gia môi trường
PGS-TS Phạm Thế Hiện, chuyên gia môi trường, cho rằng: Việc xin phép nhập khẩu phế liệu lâu nay quá buông lỏng, ai cũng có thể nhập được. Thế nên mới có chuyện nhập về rồi từ chối nhận hoặc nhập về để bán lại nhưng khi thấy phế liệu không đúng loại mình cần thì lại bỏ đó, mặc kệ cho cảng, hải quan xử lý.
“Lỗ hổng quan trọng nhất khiến hàng ngàn container phế liệu tồn đọng tại các cảng là mạnh ai nấy làm. Đơn vị cấp giấy phép không chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn được nhập? Nhập làm gì? Phế liệu thế nào mới dùng được lại? Mỗi bộ có một cách làm, ai cũng thấy mình có quyền nhưng khi sự vụ xảy ra, trách nhiệm lại vô cùng mỏng”, PGS Phạm Thế Hiện nói và đề nghị nên ngưng ngay tình trạng cấp phép nhập phế liệu bán lại, làm thương mại. “Cho phép nhập khẩu trực tiếp để sản xuất đã không quản lý được, tại sao lại cấp cho nhập làm thương mại?”, ông Hiện đặt câu hỏi.
Theo quy định của Bộ TN-MT, DN được nhập khẩu phế liệu phải hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế đã có trường hợp DN chưa lập hồ sơ bảo vệ môi trường nhưng vẫn được cấp giấy phép. Như trường hợp Bộ TN-MT ngày 9.7 đã ký giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu cho một DN tại Bắc Giang vừa mới thành lập đầu tháng 6 vừa qua. Sau đó, chính Sở TN-MT tỉnh này đã có báo cáo DN này chưa có hồ sơ đề nghị xác nhận các công trình bảo vệ môi trường theo quy định. Địa phương này cũng kiến nghị Bộ TN-MT xem xét hạn chế cấp phép nhập khẩu phế liệu.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh đánh giá việc để ùn ứ một số lượng quá lớn phế liệu ở các cảng biển như hiện nay trách nhiệm thuộc về đơn vị cấp phép. Đặc biệt, đã có nhiều cảnh báo từ cuối năm trước về chính sách cấm nhập 24 loại phế liệu của Trung Quốc nhưng giấy phép vẫn được cấp, hàng ngàn container phế liệu vô chủ vẫn ùn ùn đổ vào lãnh thổ VN là không thể chấp nhận được.
“Có rất nhiều phế liệu không đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường vẫn đổ vào VN, “rác” vẫn được dỡ xuống cảng và tới lúc đó hải quan mới biết mà không cho thông quan. Đó là chưa kể, cấp phép một đường, nhập khẩu một nẻo, nhưng chúng ta không có chế tài nào để phạt mà chỉ biết từ chối cho nhập. Lỗ hổng chính sách ở đây. Cho đến lúc này mà cơ quan “gác cổng” vẫn còn cấp phép cho các DN nhập khẩu phế liệu chưa đáp ứng đủ yêu cầu về môi trường là điều rất lạ”, ông Ninh nhấn mạnh.
Phế liệu động cơ nhập về cảng Cát Lái, TP.HCM Ảnh: Thu Hòa
Trách nhiệm thuộc về Bộ Tài nguyên - Môi trường
Chỉ rõ vai trò nhạc trưởng của Bộ TN-MT, chuyên gia Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc SeaAir Global, phân tích theo quy định, để nhập khẩu một lô phế liệu hợp pháp, DN phải đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật về môi trường. Trong đó, Bộ TN-MT là đơn vị có quyền cấp phép và thẩm định đầu tiên theo Thông tư 01/2013 của bộ này ban hành quy định về phế liệu được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất (kèm danh mục các loại phế liệu cho phép). Kế đó, ngày 19.12.2014, Chính phủ ban hành Quyết định 73/2014 quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Năm 2010, bộ này cũng được quyền soạn Bộ quy chuẩn của VN về quản lý các loại phế liệu. Đó là chưa tính Bộ TN-MT đã có thêm Công văn 2598/2015 của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) hướng dẫn nhập khẩu phế liệu khi chưa có giấy xác nhận…
Như vậy, liên quan quản lý nhập khẩu phế liệu, Bộ TN-MT là đơn vị quản lý chính và là đơn vị cấp phép duy nhất. Bộ này phải chịu trách nhiệm về tình trạng phế liệu ùn ùn đổ vào VN hiện nay. Thậm chí, nhiều ý kiến tỏ ra thắc mắc tại sao Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường lại không có sự tham gia của Bộ Khoa học - Công nghệ.
Phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái Ảnh: Hải quan cung cấp
Theo chuyên gia Nguyễn Lý Trường An, cần quy hoạch lại việc quản lý cấp phép. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên DN muốn hoạt động trong lĩnh vực này trước khi đăng ký kinh doanh cần phải có xác nhận từ Bộ TN-MT về các điều kiện đảm bảo việc nhập khẩu phế liệu dùng làm nguyên liệu sản xuất. DN không đáp ứng các điều kiện của Bộ
TN-MT thì Bộ Kế hoạch - Đầu tư không cấp giấy phép kinh doanh. Khi DN có thay đổi nhu cầu, chỉ cần đăng ký lại với Bộ TN-MT và mọi thông tin này được công khai tại Cổng thông tin một cửa quốc gia để cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý khác nắm.
“Bên cạnh đó, Bộ Khoa học - Công nghệ cần xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường với sự hỗ trợ từ Bộ TN-MT để làm căn cứ cho việc kiểm tra nhập khẩu phế liệu. Như vậy, chúng ta sẽ quản lý từ gốc những DN có nhu cầu nhập khẩu phế liệu mà không cần cấp giấy xác nhận như quy định tại Thông tư 41/2015 như hiện nay”, ông An đề xuất.
Tăng chế tài để chặn “rác”
Việc quản lý phế liệu nhập khẩu đang được “điều hành” bởi 8 luật, nghị định, quyết định, thông tư và có ít nhất 10 đơn vị quản lý chi phối. Ngoài ra, có thêm 4 công văn hướng dẫn chuyên ngành nhưng phế liệu vẫn được nhập tràn lan. Đặc biệt khi có sự cố thì rất khó truy trách nhiệm.
Cũng vì quá nhiều đầu mối, mới xảy ra chuyện có những công văn tréo ngoe như “hướng dẫn nhập khẩu phế liệu khi chưa có giấy xác nhận” của Tổng cục Môi trường (CV 2589/TCMT - ngày 19.11.2015) và cả công văn “không cho nhập khẩu phế liệu khi chưa có giấy xác nhận” (CV 5577/TCHQ - 15.6.2016). Tuy nhiên, khi rác phế liệu ùn ứ hơn 5.000 container tại cảng, hầu như chưa có đơn vị nào chính thức đứng ra nhận trách nhiệm. Trong một buổi họp giải quyết tồn đọng phế liệu tại cảng TP.HCM mới đây, một lãnh đạo ngành hàng hải cho rằng, có hiện tượng “đùn đẩy” trách nhiệm trong xử lý tồn đọng phế liệu tại cảng.
Có nhiều nghi vấn đặt ra có tiêu cực trong quản lý nhập khẩu phế liệu. Hoặc doanh nghiệp (DN) “qua mặt” các cơ quan chức năng, hoặc có sự thông đồng giữa DN và lực lượng chức năng. Khả năng thứ nhất rất dễ xảy ra do việc hậu kiểm của cơ quan cấp phép hầu như bỏ ngỏ. Một chuyên gia ngành vận tải dẫn chứng, trong tháng 7 vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới liên quan tới Công ty TNHH DVTM XNK Đức Đạt. DN này đã làm giả các loại giấy tờ, tài liệu: giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu và các văn bản thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan của Sở TN-MT… để nhập khẩu hơn 13.000 tấn phế liệu nhựa. Trường hợp này không phải cá biệt, thông tin từ cơ quan hải quan, sẽ có nhiều DN nữa bị khởi tố do tình trạng làm giả hồ sơ nhập khẩu khá phổ biến.
Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM, phổ biến nhất với các trường hợp phế liệu bị “ách” tại cảng là do nhiều tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu đã làm giả mạo giấy xác nhận, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng, cố tình nhập phế liệu không đáp ứng quy chuẩn, quy định nên sau đó bỏ mặc hàng hoặc từ chối nhận hàng. Do đó, hải quan TP.HCM đã từng kiến nghị cơ chế phòng ngừa phế liệu nhập từ xa, “lọc” ngay ngoài khơi trước khi vào cảng. Có nghĩa là các hãng tàu phải khai rõ hàng hóa trên hệ thống tiếp nhận bảng khai hàng hóa điện tử (e-manifest) từ trước, thông tin về giấy phép cũng rõ ràng trên đây, chứ không nên cho phép dỡ hàng xuống cảng mới khai báo chủng loại như lâu nay. Tuy nhiên, cũng theo phản ánh của cơ quan hải quan, sau khi có quy định “kiểm soát hàng từ xa”, lại có nhiều trường hợp khai báo trên e-manifest theo kiểu lòng vòng để tránh đi cụm từ “phế liệu nhựa”, nhằm qua mặt cơ quan hải quan.
Một chuyên gia logistics của Công ty SeaAir Global cho rằng chính việc không chia sẻ thông tin DN kinh doanh ngành nghề có điều kiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia mới tạo nên việc làm giả hồ sơ, tiêu cực liên quan nhập khẩu phế liệu. “Giải pháp phòng ngừa từ xa nhẽ ra phải thực hiện từ lâu, ít nhất sau khi có lệnh cấm nhập phế liệu của chính phủ Trung Quốc. Bộ TN-MT ngay lập tức phải chia sẻ, công bố thông tin DN được phép nhập khẩu, DN giấy phép đã hết hạn… cho Bộ Tài chính để từ đó, cơ quan hải quan nắm mà không cho dỡ hàng hóa xuống cảng. Với DN, nguyên tắc là họ chịu trách nhiệm về mặt pháp lý các loại giấy tờ cung cấp cho cơ quan hải quan. Nếu đã cố tình làm sai, nặng thì truy tố hình sự, nhẹ phạt nặng bằng tiền, rút vĩnh viễn giấy phép nhập khẩu phế liệu chứ không chỉ không cho lấy hàng về hay tái xuất...”.
Ng.Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.