(TNO) Vốn là một biên kịch trẻ, viết kịch bản và chương trình cho kênh HTV2, HTV4…, thế nhưng, ít ai biết rằng bên cạnh đam mê viết lách, Phạm Tuyết Hường còn dành một tình yêu lớn cho búp bê giấy.
Hường chăm chút cho từng búp bê
|
Phát triển thương hiệu búp bê Việt
Thật thú vị khi nghe Hường gọi những con búp bê của mình là “bé”, Hường tâm sự:” Mỗi bé búp bê mình làm ra và được mọi người yêu quý, trao niềm vui cho mọi người khiến mình vui lắm, từ khi mình đến với nghệ thuật làm búp bê giấy, mình như tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình”.
Ý tưởng tự làm búp bê giấy của Hường xuất phát từ khi viết xong những tập đầu tiên của kịch bản phim Búp bê giấy, Hường bắt đầu đi tìm người làm ra búp bê giấy thật để phục vụ cho quá trình quay phim sau này. Thế nhưng khi dò hỏi khắp nơi, cô nàng vẫn không thể tìm được ai thực hiện sản phẩm này.
Vậy là Hường quyết định tự tay đem những con búp bê giấy từ kịch bản ra đời thực, mỗi khi rảnh rỗi, cô nàng lại lấy giấy ra mày mò làm búp bê, thêm thắt phụ kiện, sáng tạo từng bộ trang phục riêng cho búp bê. Làm nhiều nên quen tay, búp bê của Hường ngày càng đẹp và được đông đảo bạn trẻ yêu thích và đặt hàng rất nhiều.
“Có lẽ chúng ta ai cũng quen với hình ảnh búp bê Nga, búp bê Nhật, thế nên mình muốn làm búp bê của người Việt để truyền bá bản sắc dân tộc đến bạn bè thế giới”, Hường chia sẻ.
Gian nan từng mẩu giấy
Tuy nhiên, để có thể làm ra một con búp bê không phải dễ dàng. Giấy mềm nên quy trình làm khá phức tạp và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Để làm một con búp bê giấy trước hết phải làm khung, sau đó quấn giấy kiểu tạo tay chân, đầu..., rồi mới đến các bước cắt dán các lớp giấy lót, váy lót, quần áo, tóc và tạo mặt.
Búp bê của Hường hiện đã có mặt tài nhiều quốc gia
|
Thời gian đầu, Hường gặp khá nhiều khó khăn, phải mua các loại nguyên liệu khác nhau để thử, mất thời gian và cũng khá tốn tiền. Sau khi đã tự mày mò làm thành công, Hường còn tự tay sáng tạo làm nhiều kiểu tóc và trang phục cho búp bê, từ đồ dạ tiệc đến váy cưới, trang phục dân tộc đều được Hường chăm chút rất tinh tế. Sau khi hoàn thành, bước quan trọng là vẽ mắt búp bê.
Theo Hường, khâu vẽ mắt sẽ quyết định cái “thần thái” của búp bê, nếu vẽ không khéo là hỏng cả búp bê. Đối với người mẫu là nam, lại là người nước ngoài, Hường còn phải vẽ tỉ mỉ thêm râu, mắt xanh cho giống hình.
”Hạnh phúc nhất là khi các bé búp bê được làm quà tặng đi đến nhiều nơi như Moldova, Nhật, Hồng Kông và nhận được nhiều lời khen”, Hường mỉm cười tự hào.
Ngoài đam mê búp bê giấy, Hường còn lập ra nhóm tình nguyện Bồ Công Anh, mỗi tháng phát từ 50 - 100 kg gạo cho người nghèo và trao học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Suốt 6 năm qua, cô và các tình nguyện viên đã tổ chức rất nhiều hoạt động tình nguyện có ý nghĩa nhằm giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên nhiều tỉnh thành. Hiện tại, Tuyết Hường đang ráo riết hoàn thành kịch bản chi tiết của Búp bê giấy (30 tập) để có thể ra mắt trong năm 2015 này. Hường tâm sự: “Tuổi trẻ trôi qua nhanh lắm, hãy sống trân trọng gia đình, bản thân và chân thành mỗi ngày, không điều gì có thể làm cho bạn chùn bước”.
|
Bình luận (0)