Búp bê Matryoshka yêu thương

09/01/2010 09:45 GMT+7

(TNTT>) Người Nga hiện đại đã chọn hình ảnh tiêu biểu của đất nước họ trong mắt bạn bè quốc tế như thế nào? Bằng một cuộc thăm dò dư luận nghiêm túc, họ đã tổng kết được trên mạng superjob.ru hồi cuối năm 2009: Theo đó, những con búp bê gỗ Matryoshka đã được chọn là hình ảnh tiêu biểu cho tâm hồn Nga với tỷ lệ “tín nhiệm” cao nhất: 12%.

Trong cuộc bình chọn này, 8% người được hỏi đã nghĩ rằng nên chọn chú gấu,  biểu tượng từng được Liên Xô dùng tại Olympic 1980. Nhưng trong số đó, lại không thống nhất được nên chọn loại gấu nào giữa gấu nâu Misa và gấu trắng Bắc cực. 6% người thì lại cho rằng nên chọn rượu Vodka, thứ trở thành quốc túy của người Nga. Tiếp theo 4% chọn lá cờ Nga, 3% chọn các loại vũ khí hiện đại của Nga. Nhưng cuối cùng, sự lựa chọn được nhiều đồng tình nhất là Matryoshka. Với những người Việt Nam từng sống và làm việc ở Nga, loại búp bê này một thời được coi như “đặc sản”, bên cạnh những bàn là, nồi áp suất, xe máy Min – khơ...

Những “cha đẻ” của “bà mẹ nhiều con”

Matryoshka trong tiếng Nga là từ đã được vay mượn, lồng ghép; có ngụ ý là “bà mẹ nhiều con”.  Nhưng, chỉ có hai người là “cha đẻ” của Matryoshka. Đó là anh thợ tiện Zvyozdochkin và họa sĩ Malyutin, những người cùng làm việc trong xưởng tranh sơn dầu của Mamontov. Họa sĩ Malyutin chính là người nghĩ ra ý tưởng về Matryoshka với những con búp bê có kích thước không giống nhau và con nhỏ đút lọt trong bụng con lớn.  Và chàng thợ tiện Zvyozdochkin với tài năng của mình đã tạo hình ra Matryoshka đầu tiên với 8 búp bê.

 

Bộ Matryoshka các chính khách được người dân Nga rất ưa chuộng

Sau đó, Malyutin thổi hồn vào các búp bê gỗ bằng những nét vẽ trang trí đặc sắc. Con lớn nhất là một phụ nữ, 6 con bên trong cũng là phái nữ và chỉ duy nhất con số 5 là một chú bé. Không có nhiều sự khác biệt giữa Matryoshka đầu tiên và các Matryoshka được sản xuất sau này. Chúng cùng có chung hình dạng “hồ lô”. Khi vặn - tháo búp bê lớn, sẽ tách ra 2 phần đầu và thân, bên trong chứa búp bê nhỏ hơn.

Nhưng mười năm sau đó, vợ của Mamontov mới đem Matryoshka đi triển lãm quốc tế tại Paris và giành huy chương đồng. Trong các cuộc triển lãm sau, Matryoshka đều giành được giải thưởng với sự tán dương của các chuyên gia. Thế là anh chàng thợ tiện Zvyozdochkin trở thành người hướng dẫn cho cả vùng Sergiev Posad sản xuất Matryoshka. Năm 1890, khi làm Matryoshka đầu tiên, Zvyozdochkin mới 14 tuổi và cho đến khi qua đời năm 80 tuổi, Zvyozdochkin vẫn làm Matryoshka và hướng dẫn các thợ trẻ làm. 1.500 thợ làm Matryoshka đã từng học nghề của Zvyozdochkin.

Tốt gỗ, tốt cả nước sơn

Để có một Matryoshka tốt cần phải hội tụ 3 điểm: Thứ nhất phải có gỗ nguyên liệu tốt; Thứ hai phải có thợ tiện giỏi; Thứ ba phải có họa sĩ vẽ thật khéo. Trong đó, nguyên liệu gỗ có tính chất quyết định đến sản phẩm bởi các Matryoshka không chỉ ở quanh nước Nga lạnh giá mà còn có thể được đưa sang các vùng nóng ẩm tại châu Á hoặc Nam Mỹ. Nếu chất liệu gỗ không tốt thì các Matryoshka rất dễ bị nứt hoặc vênh khi ráp phần đầu vào phần thân. Ngoài ra,  nếu Matryoshka làm bằng gỗ tốt thì sẽ giữ được mùi thơm của gỗ.

 

Các ngôi sao cũng được vinh dự lên hình trên bộ Matryoshka

Thợ tiện có vai trò quyết định thứ hai vì họ chính là người tạo hình cho Matryoshka. Để nói về vai trò của thợ tiện trong việc sản xuất Matryoshka thì không gì tốt hơn nói về các kỷ lục. Matryoshka ban đầu chỉ có 8 con nhưng về sau, có một cuộc chạy đua ngầm giữa các thợ tiện để tạo ra Matryoshka càng nhiều con càng tốt.

Hầu hết các Matryoshka đều được vẽ theo hình ảnh những thôn nữ truyền thống Nga với đặc trưng là đôi má hồng cùng chiếc khăn choàng. Nhưng nếu tinh mắt thì khi nhìn các búp bê, người ta vẫn có thể biết nó được sản xuất từ đâu. Matryoshka đến từ các lò ở Sergiev Posad thường chú ý đến khuôn mặt còn trang phục rất đơn giản. Nhưng với Matryoshka đến từ các lò tại Semionovo lại khác, trang phục của búp bê được vẽ rất cầu kỳ và bao giờ cũng có bông hoa rất to ở ngực áo. Vàng và đỏ là màu chủ đạo của Matryoshka vùng Semionovo. Trong khi đó, các Matryoshka được sản xuất ở Polkhovsky Maidan lại có màu sắc rất sặc sỡ và dùng cả gam màu xanh lam, điều hầu như không có ở các vùng khác. Sự khác biệt này phản ánh văn hóa của từng địa phương.

Matryoshka ngày càng nhiều “con”

Năm 1913, nghệ nhân Bulichev vùng Sergiev Posad đã tạo ra Matryoshka với 48 con tại cuộc triển lãm ở St Petersburg. Năm 1967, một Matryoshka với 60 con cũng được chế tạo tại vùng này. Năm 1970, nhân kỷ niệm ngày sinh của lãnh tụ Lenin, một Matryoshka của vùng Semionovo đã được chế tạo với 72 con với chiều cao 1 mét. Nó là một bảo vật và được định giá 3.000 rúp.

Với Matryoshka 72 con kể trên thì chắc chắn rằng thợ tiện làm ra nó phải là một “cao thủ” bởi con búp bê lớn nhất trong bộ Matryoshka này có đường kính chân chưa đến nửa mét và phải chứa trong nó… 71 con khác. Như vậy, mỗi lớp gỗ tạo búp bê sẽ rất mỏng nhưng vẫn đủ để đảm bảo độ chắc. Người thợ tiện sẽ phải gia công cho lớp gỗ tạo hình búp bê vừa mỏng vừa đều, đó là yêu cầu không đơn giản.

Ngày nay, Matryoshka không chỉ được sản xuất theo hình tượng thôn nữ Nga mà còn mở rộng sản xuất theo chủ đề các chính khách, các ngôi sao nổi tiếng. Tại Nga hiện giờ, bộ Matryoshka gồm 10 nhân vật lãnh đạo như Vladimir Putin, Boris Yeltsin, Mikhail Gorbachev, Leonid Brezhnev, Nikita Khrushchev, Joseph Stalin, Vladimir Lenin, Nicholas II, Catherine đại đế và Peter đại đế đang bán rất chạy.

Anh Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.