Đối với người Hồi giáo thì việc phụ nữ mặc trang phục che kín ba bộ phận tay, chân và tóc là dấu hiệu của sự khiêm nhường cũng như thể hiện đức tin của họ. Thế nên, trước khi burkini ra đời, phụ nữ Hồi giáo được xem như không biết đến các bãi tắm, bể bơi công cộng, các bãi biển, đảo. Bởi, để có thể tham dự vào các không gian này, họ không được phép (và cũng không thể, không nên) dùng trang phục thường ngày, dù nó sang chảnh, đắt tiền tới cỡ nào. Tương tự, với các hoạt động thể thao có yêu cầu về trang phục gần như vậy, họ cũng thường bị... xếp ngoài cuộc.
Burkini ra đời, đảm bảo một cách tinh tế những yêu cầu khắt khe mà phụ nữ Hồi giáo phải tuân thủ, giúp nhiều người trong số họ chính thức "gia nhập" làng thời trang và thể thao thế giới, theo nhiều ý nghĩa.
Burqini hay burkini vốn là một từ mới được sáng tạo từ hai từ góc là burqa (nghĩa là cơ thể, burqa cũng là tên một loại trang phục trùm kín từ đầu đến chân của phụ nữ đạo Hồi) và bikini - mang nghĩa là áo tắm dành cho phụ nữ.
Burquini được "sáng chế" bởi Adeha Zanetti, một nhà thiết kế thời trang người Úc gốc Liban. Burqini nhìn giống như bộ quần áo lặn với phần mũ trùm đầu gắn liền với thân, tuy nhiên so với quần áo lặn thì chúng rộng rãi hơn và được làm từ loại vải may quần áo bơi thay vì bằng cao su.
Burkini che kín toàn cơ thể, trừ khuôn mặt, bàn tay và bàn chân, vừa đủ để không vi phạm giới luật của Hồi giáo, làm bằng chất liệu nhẹ giúp người mặc có thể bơi lội thoải mái. Phần áo/ thân trên của burkini hoặc phụ kiện tương tự nào đó (tùy theo sáng tạo, ý tưởng của nhà thiết kế hoặc người mặc) được kéo dài xuống quá gối hoặc gần tới gối để che đi phần đùi.
Thú vị hơn, sau khi burkini ra đời, vượt ra khỏi mục tiêu ban đầu, nó được nhiều phụ nữ trên thế giới lựa chọn vì sở thích không muốn lộ cơ thể, tránh nắng hoặc đơn giản hơn là sự độc đáo. (Mặc dù, thực tế cũng như một số loại trang phục khác, burkini cũng từng vấp phải một số sự phản đối gay gắt).
NTK thời trang Zanetti nói: "Có rất nhiều phụ nữ không hề theo đạo Hồi nhưng họ khiêm nhường. Việc che kín cơ thể ở chốn công cộng khiến họ thấy thoải mái hơn, cơ thể và thói quen của họ được tôn trọng, giữ gìn tốt hơn. Burkini giải quyết điều đó. Nó không chỉ giúp hòa nhập mà còn giúp thể hiện bản thân. Được là chính mình rất quan trọng, được tận hưởng thời gian để làm những gì yêu thích cũng quan trọng không kém".
Vượt ra khỏi mục tiêu ban đầu, burkini bởi được lựa chọn của nhiều phụ nữ không theo đạo Hồi nên nó đã được sáng tạo thành nhiều kiểu dáng, mẫu mã và hình in khác nhau trên cơ sở thiết kế ban đầu. Kèm theo nó là một loạt các phụ kiện như khăn rất phù hợp với váy, có thể dùng đồng bộ hoặc tháo rời để tạo ra một vẻ ngoài độc đáo.
Nhờ sự đón nhận và mở rộng thế giới khách hàng mà rất nhiều hãng burkini ra đời như: Hydro Swimwear, Lyra Swim, AWA Swimwear, SabrineCat Swimwear, Lanuuk Swimwear, Madamme BK, Shelline Swimwear...
Một thú vị nữa đối với burkini là ở nó, khi thay đổi về chất liệu, những phụ nữ Hồi giáo lại tự tin sử dụng chúng ở các môi trường, không gian khác như là các công sở làm việc, sự kiện... - những nơi mà có thể bộ trang phục truyền thống của họ không phù hợp. Điều này rất có ý nghĩa với những phụ nữ làm việc ở các cơ quan như Liên hợp quốc, tổ chức đa quốc gia...
"Thời trang, đó là sự chấp nhận bất kỳ một phong cách cá nhân nào đó - chấp nhận một cá nhân khác biệt như một sự độc đáo, sáng tạo và nổi bật của họ, giữa những gì không giống họ. Ở thời trang, người ta không thấy được ranh giới về dân tộc, tôn giáo cũng như việc phá bỏ đi những tiêu chuẩn lỗi thời về bản sắc và sắc đẹp là điều mà thời trang luôn hướng tới", một tín đồ thời trang đã chia sẻ như vậy, khi được hỏi về những trang phục của phụ nữ Hồi giáo và burkini.
Tin, ảnh tổng hợp: Bbc.com, Alure.com,Washingtonpost.com