Người Việt chế tạo tàu lặn mini bán cho Thái Lan, Malaysia; Trò chơi Flappy Bird của tác giả Nguyễn Hà Đông cũng khiến thế giới "phục sát đất" và đã lọt vào danh sách 50 thương hiệu nổi tiếng nhất, theo xếp hạng của Infergy; doanh nghiệp Việt sản xuất thang máy xuất khẩu sang Nhật, thị trường nổi tiếng với các yêu cầu, tiêu chuẩn hết sức khắt khe…
Nhưng tại "sân nhà" cuối năm 2014, đã có hẳn một diễn đàn bàn về việc VN không làm nổi con ốc vít cho Samsung. Cho đến tận bây giờ, doanh nghiệp (DN) Việt vẫn bị loại ra khỏi danh sách nhà cung cấp cho các công ty, các tập đoàn lớn đầu tư vào VN.
Điều đáng nói là cả 2 mặt đối nghịch trên đều là sự thật. Một sự thật người Việt ra ngoài không thua kém ai và sự thật DN Việt bị lép vế ngay tại thị trường nội. Trong khi lẽ ra với lợi thế sân nhà, chúng ta phải phát huy tốt hơn, phải làm chủ "cuộc chơi", phải là người tham gia, thậm chí dẫn dắt thị trường?
Có nhiều lý do dẫn đến nghịch lý đáng buồn này. Đầu tiên vẫn là bản thân các DN. Trong thời buổi cạnh tranh bằng công nghệ, chúng ta cũng có quy định bắt buộc DN nhà nước phải trích thu nhập tính thuế vào quỹ phát triển khoa học công nghệ nhưng rất ít đơn vị thành lập. Phần lớn DN Việt đang dùng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình thế giới 2 - 3 thế hệ. Theo một thống kê từ Bộ KH-CN, nhóm DN có trình độ tiên tiến chỉ 12%, chủ yếu là DN FDI. 88% còn lại thuộc trung bình, lạc hậu. DN VN đầu tư đổi mới công nghệ chỉ dưới 0,5% doanh thu, trong khi Hàn Quốc là 10% - gấp khoảng 20 lần. Chúng ta nhập máy móc về đổi mới công nghệ chủ yếu từ... Trung Quốc. Với "nội lực" thế này, chúng ta bị loại cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng một lý do rất quan trọng không thể phủ nhận, với rất nhiều trường hợp, cá nhân và DN nội chưa có một môi trường thuận lợi, chưa được tạo điều kiện để phát huy tối đa năng lực của mình. Thang máy của VN được thị trường Nhật chấp nhận nhưng lại bị loại ở chính các công trình có vốn ngân sách. Tàu lặn mini của Việt kiều Phan Bội Trân bán cho Malaysia, Thái Lan nhưng ông vẫn đau đáu mong muốn được cống hiến cho đất nước mà chưa thể, vì nhiều lý do. Suốt thời gian qua, chúng ta
đã nghe các câu chuyện về những người bình thường, những nông dân đam mê sáng chế từ các máy móc nông cụ cho đến máy bay, trực thăng nhưng họ toàn phải tự làm, tự xoay xở chứ ít ai được hỗ trợ để tiếp tục phát huy. Và không ít trong số đó lại thành danh khi bán sáng chế hoặc ra làm việc ở nước ngoài. Câu chuyện của các tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào VN cũng vậy. Tất nhiên, lỗi đầu tiên vẫn là do nhiều DN nội chưa đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn của họ. Nhưng cũng không thể phủ nhận để lôi kéo họ vào, chúng ta đã bỏ qua rất nhiều các yêu cầu về nội địa hóa, về sử dụng nguyên vật liệu trong nước nên DN Việt không thể len vào chuỗi cung ứng cho họ. Đâu chỉ có Samsung, Canon, Intel... ngay cả nhiều thương hiệu cà phê, thức ăn nhanh thế giới vào VN nhưng cũng nhập từ cà chua, tương ớt... ở nước ngoài trong khi thị trường nội không thiếu...
Nếu ngay cả chúng ta còn không "yêu" sản phẩm của mình, không hỗ trợ từ chính sách, tài chính cũng như sử dụng hàng của mình để tạo điều kiện cho cá nhân, DN phát huy, phát triển thì làm sao có thể yêu cầu người khác "yêu" mình?
Bình luận (0)