Cưu mang trẻ tự kỷ
Đến chợ Châu Long (Q.Ba Đình, Hà Nội) hỏi bà Nhung bán ốc (bà có tên khai sinh là Nhôm - PV), ai cũng biết, bởi bà nổi tiếng ở khu chợ này với tấm lòng nhân ái. Thấy những trẻ vị thành niên có hoàn cảnh khó khăn, bà Nhung lại nhận về cưu mang đến trưởng thành tại chính ngôi nhà mình. Trong đó có những em bị tự kỷ, trầm cảm đã được bà chăm sóc, chữa bệnh thành công.
Bà Nhung cho biết trong hơn 30 năm, có 13 người bà nhận về nhà mình ở, chăm sóc nuôi dưỡng, cho học nghề. Có 5 người đã tự lập, có gia đình riêng. “Có cháu ở với tôi 10 năm, có cháu đã gần 20 năm. Còn 8 người đang ở với tôi, trong đó có 2 cháu đặc biệt nhất là Trương Đình Tứ và Tạ Long Nhân, đều là trẻ tự kỷ, đã được tôi chữa thành công”, bà Nhung chia sẻ.
Kể về hoàn cảnh của Tứ, bà Nhung cho biết trong một lần đi vào Quảng Bình tìm mộ liệt sĩ, bà tình cờ biết được hoàn cảnh gia đình Tứ. “Bố Tứ bị liệt 2 chân, nhà có tới 5 người con. Cuộc sống chỉ nhờ vào việc đan rổ rá của người bố bị liệt nên rất khổ cực. Cháu Tứ lại bị bệnh về thần kinh. Mỗi khi trời nắng lên là Tứ vật vã, cởi phăng áo nằm phơi ra giữa đường. Về đến nhà thì cháu lại chui vào bóng tối”, bà Nhung nhớ lại.
Thương gia cảnh ngặt nghèo, bà Nhung đề nghị với gia đình Tứ để bà đón ra Hà Nội nuôi giúp 3 cháu. Tứ và người chị là Trương Thị Hạnh ra trước, còn cháu út là Trương Đình Đạt ra sau 1 năm. Đến nay, Tứ đã được chữa khỏi bệnh, còn Hạnh và Đạt đã xây dựng gia đình riêng. Kể về bà Nhung, Tứ nói: “Khi ra Hà Nội, em được cô cho đi chữa bệnh. Lúc đó, em bị trầm cảm, tự kỷ, không tiếp xúc với người ngoài, cứ dở khùng, dở điên. Cô đem đi chữa khỏi bệnh, trở thành người bình thường. Nếu không có cô giúp đỡ, chắc em không có ngày hôm nay”. Tứ còn xúc động cho biết: “Cô rất tốt, toàn đi làm việc thiện, thấy những mảnh đời khó khăn là cưu mang giúp đỡ. Cô đã giúp gia đình em rất nhiều. Cô đã gửi lương của chúng em về quê để gia đình có tiền sửa sang lại nhà cửa”.
Kể về hành trình chữa bệnh cho Tứ, bà Nhung chia sẻ: “Gặp người tự kỷ, phải dùng tình cảm của mình nhiều lắm. Tôi mất gần 1 năm để chữa bệnh cho cháu. Tôi nghĩ đơn giản, đối với những người tự kỷ là mình phải sát sao, gần gũi chăm sóc bằng tình cảm đặc biệt, nâng niu, nhẹ nhàng, hỏi chuyện cháu liên tục, để bạn ấy gần gũi với mình. Ví dụ, khi tôi bê bát phở cho cháu ăn, tôi nhỏ nhẹ bảo: Con ơi, con ăn đi. Cô mong con khỏe để con có ích cho xã hội, cho gia đình mình. Con phải nghĩ đến tương lai của con. Thế là tự nhiên tôi thấy cháu bớt căng thẳng và nghe lời”.
|
Bà Nhung cũng cho hay có lần Tứ lên cơn, đá tung rổ hàng của bà. Có lần đang đêm, Tứ phá phách, bà phải thức trắng. “Nó cứ chạy rầm rầm từ tầng 1 đến tầng 5 như ngựa phi trong nhà. Tôi cứ lặng yên, rồi nhỏ nhẹ hỏi: Sao con không ngủ mà lại đi như thế. Cháu bảo đầu con cứ ung lên, con chỉ muốn đập đầu vào tường…”. Thế rồi từng ngày một, bà chăm chút, yêu thương Tứ, đi đâu bà cũng cho Tứ đi cùng. “Khi bê bát phở về gọi cháu dậy ăn, gọi mãi đến lúc phở nguội, tôi lại phải hâm lên. Tình cảm của tôi dành hết cho cháu, thế là cháu khỏi bệnh. Tôi rất mừng! Đó cũng là động lực để tôi làm việc thiện nhiều hơn”, bà Nhung trải lòng.
Tiếp xúc với Tứ, chúng tôi cũng không hề nhận ra Tứ đã từng bị bệnh. Cậu trắng trẻo, đẹp trai, nhanh nhẹn và tốt bụng. Khi biết tôi phải bắt xe đến chợ, Tứ xin chở tôi về. Chàng trai trẻ đã có bạn gái, ăn tết năm nay xong sẽ cưới vợ...
Thương người nghèo
|
Đối với Tạ Long Nhân (19 tuổi, quê ở Phú Thọ), cũng là một hành trình giúp đỡ đầy tình người của bà Nhung. Bố bị thiểu năng trí tuệ, mẹ cũng không bình thường, Nhân phải ở với bà ngoại đã gần 80 tuổi. Qua thông tin và mối quan hệ với những người buôn bán tại chợ Châu Long, bà Nhung biết đến hoàn cảnh của Nhân. “Khi đến thăm nhà Nhân, thực sự tôi không thể nghĩ lại có hoàn cảnh như vậy ở thế kỷ này, cái nhà không ra nhà, không ra bếp, không ra chuồng trâu. Tường ghép bằng tre đắp đất lâu ngày đã bục hết, trong nhà không có tài sản gì đáng giá. Bà của Nhân kể mỗi lần trời mưa, cả nhà phải ngồi trong nhà mặc áo mưa… Tôi không kìm được nước mắt!”, bà Nhung xúc động nói.
Thế rồi, hôm ấy bà về bàn với chồng cần giúp gia đình bà cụ có cái nhà ở. Một tuần sau, bà Nhung quyết định lấy tiền tiết kiệm cầm lên giúp bà của Nhân xây nhà. “Bà cụ không nghĩ đó là sự thật. Bà cụ khóc, nắm lấy tay tôi nói: Bà ơi, em cảm ơn bà nhiều lắm, bà “rửa mặt” cho em. Em nghèo hèn đến mức độ đi ra đường người ta tránh mặt vì sợ vay tiền hoặc nhờ vả. Bà là người dưng mà giúp em, cả đời em, con cháu em không trả hết được ơn!”, bà Nhung khóc khi kể lại chuyện cũ, và nói: “Chính những lời nói đó cũng là động lực để mình sống tốt hơn nữa”.
Chia sẻ về bà Nhung, bà Lê Thị Hằng (ở H.Đông Anh, Hà Nội), người bán hàng 21 năm ở chợ Châu Long, nói: “Bà Nhung giúp nhiều người khó khăn, nuôi nhiều cháu và thương yêu các cháu như con đẻ. Bà ấy còn thường xuyên giúp đỡ người khác. Không chỉ tôi, mà nhiều người xúc động về tấm lòng bao dung của bà ấy”.
|
Sau đó, bà Nhung đón Nhân xuống Hà Nội nuôi dạy. “Bệnh của Nhân còn nặng hơn cả Tứ. Lúc đầu, cháu còn không biết chào hỏi. Ăn cơm, nhà có 6 người thì cháu chỉ đơm cơm cho 4, còn tôi và ông xã thì cháu thôi. Tôi lại phải động viên chồng rằng cháu không may bị bệnh, nên cần kiên trì dạy dỗ. Và rồi gần gũi, tình thương trỗi dậy, chồng tôi quý cháu lắm, bây giờ cháu đã biết hơn, đi về biết chào, ăn biết mời…”, bà Nhung tâm sự.
Không chỉ nuôi Nhân và 3 anh em Tứ, bà Nhung còn dìu dắt, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều thanh niên khác. Trong đó, có những em làm nghề đánh giày, có em đi làm thuê nay đây mai đó... bà lại nhận về cho các em ở nhà mình, tạo công ăn việc làm và chăm lo, coi như con mình. Đến tuổi lớn hơn, bà Nhung lại động viên mỗi người theo học một nghề để tự lập trong cuộc sống. Người nào thích học sửa chữa ô tô, xe máy, bà hỗ trợ tiền cho theo học; ai muốn theo nghề buôn bán của bà, bà sẵn sàng hướng dẫn...
“Tôi muốn các con có một công việc để chúng tự đứng trên đôi chân của mình. Tôi cố gắng tần tảo để lo cho chúng có một mái ấm. Đa phần các cháu đều có cửa hàng riêng, làm ăn phát đạt. Một số cháu về địa phương hoặc đi nơi khác lập nghiệp, có dịp là lại đến thăm gia đình tôi, coi như người thân. Vợ chồng tôi còn mang trầu cau đi hỏi vợ cho nhiều cháu. Đó là niềm hạnh phúc của tôi”, bà Nhung nở nụ cười ấm áp khi nói về những người con đặc biệt của mình.
Có những đứa con không muốn rời xa bà, như em Trương Đình Đạt. Dù Đạt đã lấy vợ, có 1 con trai và có nhà riêng, nhưng vẫn ở nhà bà để giúp việc. “Cô bận nhiều việc, nên em ở đây giúp cô bán hàng. Em coi cô như người mẹ thứ hai của mình và không muốn rời xa cô. Cô tốt lắm. Trên thế giới này tìm được người thứ hai như cô khó lắm!”, Đạt xúc động nói. (còn tiếp)
Bình luận (0)