* Hà Nội vừa lắp đặt thêm dải phân cách cứng cho tuyến BRT, tiếp tục bùng lên 2 luồng tranh cãi trên mạng xã hội giữa bảo vệ và phản đối BRT. Bà nghiêng về bên nào?
TS Đinh Thị Thanh Bình: Thực tế sau một tháng thử nghiệm buýt nhanh, các phương tiện vẫn không nhường đường, vẫn lấn làn BRT, Hà Nội mới lắp đặt dải phân cách cứng. Có thể nói do ý thức của một số người quá kém, nên buộc phải lắp đặt phân cách dành làn riêng cho BRT. Nhiều nước có làn riêng nhưng họ không cần làm dải phân cách cứng, nhưng các phương tiện cũng không tham gia vào làn xe buýt.
Tôi ủng hộ buýt nhanh như một giải pháp thí điểm, tiên phong để người dân bắt đầu có ý thức về phương tiện công cộng. Trên nhiều diễn đàn, ý kiến ủng hộ BRT có nhiều, nhưng ý kiến phản đối nó cũng không ít, và không phải những người phản đối nó không có lý.
* Cái lý của người phản đối BRT là gì, thưa bà?
Phải thừa nhận một điều là buýt nhanh của Hà Nội chưa nhanh hẳn theo tiêu chuẩn thế giới. Và ngay cả hiện nay, khi đã được dành riêng làn đường, tốc độ buýt nhanh có thể sẽ nhanh hơn nhưng cũng chưa phát huy được hết tác dụng của nó. Vấn đề của hệ thống buýt nhanh Hà Nội là mới có 1 tuyến mà chưa thành mạng lưới, buýt nhanh hiện nay mới là cánh én nhỏ được Hà Nội gửi gắm thông điệp báo hiệu mùa xuân mới, thay đổi tư duy của người dân, báo hiệu một giai đoạn chuyển mình trong việc sử dụng giao thông công cộng của người dân. Nhưng một tuyến buýt nhanh cũng chỉ như một cánh én nhỏ, phải là nhiều cánh én thì mới làm nên mùa xuân.
Một số đoạn đường trên tuyến buýt nhanh Yên Nghĩa - Kim Mã đã được lắp đặt dải phân cách cứng để ưu tiên cho phương tiện công cộng này.
* Vậy để buýt nhanh thực sự hiệu quả và có được sự ủng hộ của người dân, theo bà, Hà Nội cần phải làm gì?
Nếu buýt nhanh thành buýt thường sẽ chẳng ai ủng hộ nó cả, vì vậy, để buýt nhanh hiệu quả vẫn cần làn đường riêng để đảm bảo tốc độ vận chuyển nhanh chóng, thuận tiện. Nhưng không thể thử thách sức chịu đựng của người dân quá lâu. Nói cách khác, Hà Nội đừng kéo dài quá lâu thời gian đầu tư vận tải công cộng, xe buýt nhanh. Nếu 6 tháng, 1 năm nữa vẫn chưa có thêm các tuyến buýt nhanh khác để tạo thành mạng lưới cho người dân dễ dàng di chuyển, thì người dân sẽ rất mệt mỏi và khó mà kéo dài được sự ủng hộ với buýt nhanh. Khi đó buýt nhanh sẽ phá sản thực sự.
Nhưng cũng cần có những đánh giá khách quan, tôi có cảm giác ngay cả cơ quan chức năng cũng như làm dâu trăm họ, làm gì cũng bị chê, không làm cũng chê.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đã trình UBND TP xem xét cho thực hiện tuyến buýt nhanh BRT 02 Kim Mã - khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nếu được UBND TP phê duyệt sớm, tuyến buýt nhanh thứ 2 của Thủ đô có thể vận hành ngay trong năm 2017.
Theo ông Viện, hiện khu công nghệ cao Hòa Lạc có khoảng 20.000 cán bộ, công nhân viên, sinh viên nên nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân là rất lớn. Ngoài ra, lượng xe buýt nhanh BRT nhập về theo dự án ban đầu là 35 chiếc, hiện mới chỉ sử dụng 24 chiếc cho tuyến BRT 01 Kim Mã -Yên Nghĩa. Lộ trình tuyến BRT 02, đoạn trong nội đô cũng trùng với lộ trình tuyến BRT 01, có thể sử dụng 6 nhà chờ hiện có của tuyến 01, chỉ cần bổ sung thêm 1 - 3 nhà chờ nữa là hoàn thiện.
Dự kiến trên đại lộ Thăng Long, buýt nhanh sẽ chạy trên làn đường gom hiện nay, không cần làn riêng.
|
Bình luận (0)