BV Chợ Rẫy lần đầu tiên đặt máy tạo nhịp tim không dây cho bệnh nhân

Duy Tính
Duy Tính
28/04/2018 16:57 GMT+7

Ngày 28.4, Khoa Điều trị rối loạn nhịp, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy cho biết khoa vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị B. (46 tuổi, ngụ Đồng Tháp) trong tình trạng ngất liên tục, nhịp tim rất chậm.

Qua thăm khám bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị Block nhĩ thất độ III gây rung thất, xoắn đỉnh, kèm suy thận mạn giai đoạn cuối, lọc thận định kỳ. Bệnh nhân được chuyển đến phòng Lab-DSA để đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để cứu bệnh nhân.
Tuy nhiên, về lâu dài bệnh nhân cần máy tạo nhịp tim vĩnh viễn, nhưng không thể đưa được dây tạo nhịp vào tim phải theo đường thông thường, do bệnh nhân chạy thận lâu ngày đã làm thay đổi đường đi của mạch máu.
Khoa Điều trị Rối loạn nhịp đã tiến hành hội chẩn từ xa và kết hợp với chuyên gia nước ngoài đặt máy tạo nhịp tim không dây cho bệnh nhân. Máy được đưa vào trong buồng thất phải bằng ống thông từ tĩnh mạch đùi (tránh đường đi thông thường do bệnh nhân đã bị biến dạng mạch máu) và đã thành công.
Đây là bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp tim không dây lần đầu tiên tại BV Chợ Rẫy. Sau cấy máy, bệnh nhân hồi phục tốt, các thông số kiểm tra an toàn, thời gian dự trù pin của máy khoảng 12 năm, bệnh nhân được xuất viện và hẹn tái khám .
Máy tạo nhịp tim không dây được Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cấp duyệt năm 2017. Máy có kích thước rất nhỏ nằm toàn bộ trong buồng thất phải của bệnh nhân, được đưa vào trong buồng thất phải bằng ống thông từ tĩnh mạch đùi (tránh đường đi thông thường do bệnh nhân đã bị biến dạng mạch máu). Máy có dạng hình trụ tròn, Đường kính 6 mm, chiều dài 2 cm. Tổng trọng lượng của máy là 1 gam.
Máy cho phép tạo nhịp tim cho bệnh nhân trong thời gian từ 8 đến 10 năm. Đây hứa hẹn sẽ là một biện pháp điều trị rối loạn nhịp tim chậm tiên tiến cho những trường hợp không thể tiếp cận tim thông qua tĩnh mạch chủ trên và đồng thời mang lại tính thẩm mỹ cao vì không để lại sẹo vết mổ.
Tuy nhiên, chi phí máy khá cao, lên đến 390 triệu đồng. Các bác sĩ đã tất bật chạy tìm nguồn kinh phí hỗ trợ cho bệnh nhân miễn phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.