Vào ngày 25.9.2012, tàu sân bay Type 001 chính thức được đưa vào biên chế và được đặt tên là Liêu Ninh. Tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 23.9 dẫn lời giới quan sát cho rằng sau 12 năm, chương trình tàu sân bay của Trung Quốc đã đi vào giai đoạn phát triển nhanh chóng.
Theo lịch trình huấn luyện hằng năm, lực lượng hải quân thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) mới đây đã tổ chức cho nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh tiến hành tập trận tại các vùng biển trong đó có Tây Thái Bình Dương. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Trương Hiểu Cương cho biết mục đích của cuộc tập trận là nhằm tăng cường năng lực tác chiến.
Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, phía Nhật phát hiện nhóm tác chiến tàu Liêu Ninh đi vào vùng biển lớn ở Thái Bình Dương hôm 18.9, trước khi tổ chức các hoạt động cất và hạ cánh các máy bay tiêm kích và trực thăng tại vùng biển phía đông nam đảo Miyako của Nhật vào 2 ngày sau đó.
Đến hôm 19.9, đài truyền hình CCTV đưa tin tàu sân bay thứ 2 của Trung Quốc là Sơn Đông vừa có hoạt động huấn luyện ở biển Đông, trong đó có tổ chức bài bay đêm cho một nhóm phi công tiêm kích mới.
Theo bản tin CCTV, hoạt động này nhằm tiếp tục tăng cường năng lực chiến đấu của lực lượng không quân thuộc hải quân Trung Quốc, vì ngày càng có nhiều phi công máy bay chiến đấu đủ điều kiện để hoạt động trên tàu sân bay.
Còn tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc là Phúc Kiến đã ra khơi lần thứ 4 vào ngày 3.9 để tiến hành một đợt thử nghiệm trên biển mới. Thông tin này được tạp chí Newsweek của Mỹ đăng tải, trích dẫn những bức ảnh lan truyền trực tuyến và thông báo an toàn hàng hải về lệnh hạn chế giao thông do hoạt động của một con tàu lớn ở cửa sông Dương Tử.
Thông thường, các tàu sân bay dành 1/3 thời gian để bảo dưỡng, 1/3 thời gian để huấn luyện và 1/3 thời gian để triển khai. Do đó, theo một chuyên gia quân sự Trung Quốc, việc có 3 tàu sân bay trở lên đồng nghĩa với việc luôn có ít nhất một nhóm tàu sân bay sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Bình luận (0)