Cá chết hàng tấn ở hồ Tây, Q.Tây Hồ kiến nghị Hà Nội cho đánh tỉa cá

25/10/2024 15:07 GMT+7

Khi thời tiết giao mùa, tại hồ Tây (Q.Tây Hồ, Hà Nội) ghi nhận tình trạng cá chết hàng tạ mỗi ngày, bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân quanh khu vực.

"Đến hẹn lại lên", tình trạng cá chết ở hồ Tây lại tái diễn. Xác cá trôi dạt vào bờ trong tình trạng đang phân hủy, bốc mùi hôi thối khiến nhiều hộ kinh doanh dịch vụ trên phố Trích Sài (Q.Tây Hồ) ngán ngẩm.

Cá chết hàng tấn ở hồ Tây, Q.Tây Hồ kiến nghị Hà Nội cho đánh tỉa cá- Ảnh 1.

Cá chết trôi dạt vào ven bờ ở hồ Tây, bốc mùi hôi thối

ẢNH: HƯƠNG LY

Bà H. (người địa phương) cho biết, hiện tượng cá chết tại hồ Tây diễn ra từ giữa tháng 10 đến nay. Mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ những con cá chết lẫn vào trong không khí khiến công việc kinh doanh của gia đình bị ảnh hưởng vì khách "sợ không dám ngồi".

"Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm này thì lại xuất hiện tình trạng cá chết. Chúng tôi mong chính quyền sớm có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan cho hồ Tây", bà H. bày tỏ.

Thống kê sơ bộ của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thể hiện, từ ngày 14.10 đến nay, đơn vị thu gom, vớt được khoảng 5 tấn cá chết ở hồ Tây.

Cá chết hàng tấn ở hồ Tây, Q.Tây Hồ kiến nghị Hà Nội cho đánh tỉa cá- Ảnh 2.

Công nhân Xí nghiệp thoát nước số 1 thu gom cá chết lên bờ vào trưa 25.10

ẢNH: KHẮC HIẾU

Theo ông Nguyễn Hữu Khôi, tổ trưởng sản xuất Xí nghiệp thoát nước số 1 (thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội), để bảo đảm vệ sinh môi trường, hàng ngày có hàng chục cán bộ, công nhân chia ca để vớt cá chết quanh hồ.

"Theo kinh nghiệm bản thân thì hàng năm cứ từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10 ở hồ Tây sẽ xảy ra tình trạng cá chết. Mấy ngày gần đây, lượng cá chết đã giảm dần", anh Khôi nói.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hưng Quốc, Phó trưởng ban Quản lý hồ Tây, cho biết nguyên nhân chính khiến cá chết ở hồ Tây là do thời tiết đang giao mùa "cuối thu, đầu đông". Qua điều tra, khảo sát sơ bộ, hồ Tây có mức độ đa dạng sinh học thấp, cơ cấu thành phần các loài ngoại lai xâm hại lớn.

Đặc biệt, lượng cá rô phi chiếm trên 80%. Loài này sinh sản nhiều lần trong năm, phát triển rất nhanh dẫn đến mật độ cá trong hồ dày đặc ảnh hưởng đến sự phát triển các loài thủy sản đặc hữu trong hồ như cá trắm đen, cá chép, tôm,... gây mất cân bằng sinh thái và tác động xấu đến môi trường nước mỗi khi thời tiết thay đổi.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, UBND Q.Tây Hồ đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội xin chủ trương đánh tỉa giảm mật độ cá ở hồ Tây.

Hồ Tây được biết đến là hồ tự nhiên lớn nhất của Hà Nội, có diện tích gần 530 ha với chu vi hơn 17 km. Theo số liệu điều tra năm 2017, trên hồ có 18 loài cá, trong đó chủ yếu là cá rô phi.

Vào năm 2016, việc quản lý, khai thác hồ Tây được giao cho 6 sở thuộc Hà Nội, gồm: Xây dựng, GTVT, TN-MT, NN-PTNT, VH-TT quản lý theo từng lĩnh vực chuyên ngành và không có đầu mối thống nhất quản lý. Đầu năm 2024, UBND TP.Hà Nội đã chính thức bàn giao hồ Tây cho Q.Tây Hồ quản lý toàn diện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.