Tuần qua nhiều nhà đầu tư đã xôn xao khi các môi giới của Công ty chứng khoán VnDirect (VNDS) giới thiệu sản phẩm giao dịch option. Đây là một sản phẩm phái sinh quen thuộc trên thị trường tài chính thế giới nhưng chưa được xuất hiện chính thức tại VN.
Thỏa thuận quyền mua, bán CP
Loại option mà VNDS giới thiệu với NĐT là theo kiểu Mỹ, có thể thực hiện quyền trước ngày đáo hạn hợp đồng. Quyền chọn mua (call option) trong đó người nắm giữ quyền chọn có quyền, nhưng không bị bắt buộc phải mua với một giá đã được định trước (strike price) trong một thời gian đã định. Người mua phải trả cho người bán một khoản phí giao dịch (option premium). Người nắm giữ quyền chọn mua (call option holder) sẽ quyết định thực hiện quyền của mình khi thấy có lợi nhuận và người bán quyền chọn mua sẽ phải có nghĩa vụ là bán tài sản đó cho người nắm giữ quyền chọn. Quyền chọn bán (put option) trong đó người nắm giữ quyền chọn có quyền, nhưng không bị bắt buộc phải bán với một giá đã được định trước trong một thời gian đã định. Người mua phải trả cho người bán một khoản phí giao dịch. Người nắm giữ quyền chọn bán (put option holder) sẽ quyết định thực hiện quyền của mình khi thấy có lợi nhuận và người bán quyền chọn bán sẽ phải có nghĩa vụ là mua tài sản đó từ người nắm giữ quyền chọn. |
Theo giới thiệu của VNDS, trong tình hình thị trường chứng khoán (TTCK) đang hết sức khó khăn nên sản phẩm "giao dịch quyền mua option" do VNDS đưa ra nhằm hỗ trợ cho nhà đầu tư (NĐT). Danh mục cổ phiếu (CP) được sử dụng cho dịch vụ option khoảng 20 CP trên cả hai sàn TP.HCM và Hà Nội. Đa số là những CP có tính thanh khoản cao và hay có “sóng” thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT. Thời gian tối thiểu cho một hợp đồng là 1 tháng và tối đa là 3 tháng. Mức phí khi ký hợp đồng sẽ được VNDS thu trước là 7%/giá trị hợp đồng/tháng hoặc 10 - 12%/3 tháng (tùy mã CP).
Hợp đồng option có khối lượng tối thiểu là 10.000 CP trở lên. Ví dụ NĐT chọn mã chứng khoán là M với giá chốt ở thời điểm chọn là 40.000 đồng/CP. Nếu NĐT dự báo sau 1 tháng giá CP này sẽ giảm xuống thì ký hợp đồng mua quyền chọn bán M với mức phí phải trả cho VNDS là 7% x 40.000 x 10.000 = 28 triệu đồng. Đến ngày thực hiện hợp đồng, nếu giá giao dịch thực tế của M đạt 35.000 đồng/CP thì NĐT sẽ lời được 5.000 đồng/CP, tương đương mức lời 50 triệu đồng. Nếu như trừ phí đã trả cho VNDS, phí giao dịch và thuế thu nhập cá nhân thì thực tế NĐT còn lời khoảng 20 triệu đồng.
Giả sử trong trường hợp giá CP tăng lên so với giá chốt trên hợp đồng thì NĐT có quyền bỏ không thực hiệp hợp đồng và mất khoản phí 7% đã đóng trước cho VNDS. Ngược lại, nếu NĐT dự báo CP M sẽ tăng lên cao hơn sau 1 tháng thì mua quyền chọn mua. Cách giao dịch đến ngày thực hiện cũng tương tự như mua quyền chọn bán... Mỗi hợp đồng sẽ được quy định chi tiết, bao gồm cả việc NĐT buộc phải thực hiện quyền mua trong thời gian hợp đồng nếu công ty chia tách, phát hành thêm CP.
Phí trên trời
Với mức lãi suất cho vay sử dụng đòn bẩy (cũng thông qua hình thức hợp tác đầu tư) ở các công ty chứng khoán tối đa là 1,4%/tháng - 1,5%/tháng thì mức phí option 7% là quá cao. Với mức phí này, để có được lợi nhuận cho mình thì bắt buộc NĐT phải nắm chắc được mức giá của CP mình chọn option tăng mạnh hay giảm mạnh từ 10% trở lên trong thời gian 1 tháng. Nếu giá CP dao động càng cao thì lợi nhuận của NĐT thực hiện option cũng gia tăng nhưng điều này rất ít khả thi khi TTCK đang dao động trong biên độ hẹp và đi ngang là chủ yếu.
Đặc biệt, ngay cả trong trường hợp NĐT dự báo đúng thì mức phí 7% cũng đảm bảo để bù lỗ cho VNDS trong hợp đồng ký với NĐT. Trở lại với ví dụ trên. Nếu như NĐT thực hiện hợp đồng với cổ phiếu M ở mức giá 40.000 đồng, dự báo đúng và lãi 5.000 đồng/CP thì sau khi trừ các loại phí (gồm cả phí giao dịch, thuế thu nhập cá nhân và phí thực hiện option), NĐT chỉ còn được khoảng 20 triệu đồng. Trong khi bản thân VNDS đã thu trước 28 triệu đồng và thêm khoảng 1 triệu đồng cho phí giao dịch. Cũng có nghĩa là, công ty chứng khoán đã nắm đằng chuôi và toàn thắng bất kể NĐT dự báo đúng hay sai hay hủy hợp đồng.
Chưa được phép
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN) - khẳng định đến thời điểm hiện nay, UBCKNN vẫn chưa hề có văn bản nào cho phép thực hiện các nghiệp vụ phái sinh trên TTCK. Do đó, nếu công ty chứng khoán nào thực hiện phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Theo tìm hiểu, ngoài VNDS còn có một số công ty chứng khoán khác cũng có thực hiện dạng hợp đồng option với NĐT. Tuy nhiên chỉ thực hiện hạn chế đối với một số NĐT là khách hàng thân thiết thuộc dạng "siêu VIP" (tài khoản giao dịch trên 5 tỉ đồng).
Chuyên gia tài chính Lê Đạt Chí phân tích, nếu cả TTCK cùng thực hiện option thì rủi ro sẽ được chia sẻ nhiều hơn. Còn nếu chỉ một vài công ty chứng khoán thực hiện sản phẩm này thì mức độ rủi ro càng gia tăng. Khi đó bản thân công ty chứng khoán phải đảm bảo được nguồn tài chính và số CP để thực hiện hợp đồng sau khi ký với NĐT.
TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - nhận định: option là công cụ để hạn chế rủi ro trên thị trường. Người ta có thể sử dụng hợp đồng option cho bất kỳ loại hàng hóa nào như tiền tệ, vàng, sắt, thép, cà phê... Tuy nhiên, nếu lạm dụng nó là một sản phẩm kinh doanh để kiếm lời thì nó giống như trò đánh bạc. Khi đó, xác suất rủi ro cực kỳ cao cho cả NĐT tham gia lẫn công ty chứng khoán cho phép thực hiện. “TTCK Việt Nam hiện chưa đến lúc cho sử dụng các sản phẩm phái sinh như option vì phương thức quản lý lẫn quy mô thị trường, khả năng dự báo của NĐT... đều chưa hoàn hảo. Quan trọng nhất là khó xác định được động cơ sử dụng sản phẩm để làm gì thì không thể hạn chế được rủi ro", TS Lê Thẩm Dương nói.
Như vậy việc sử dụng hợp đồng hợp tác option hiện nay giữa các công ty chứng khoán với NĐT đầy rủi ro cả về pháp lý lẫn nghiệp vụ. Các NĐT nên tự lượng sức mình cũng như tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng. Đặc biệt khi TTCK hiện nay vẫn biến động trong biên độ hẹp, chưa có xu hướng rõ ràng nên việc dự báo giá CP lên hay xuống trong tương lai không thể chính xác.
Mai Phương
Bình luận (0)