Thịt cà dái dê xốp nên có người tưởng nó chả có tích sự gì về dinh dưỡng. Các nhà khoa học đã phân tích và thấy đúng là nó chứa rất ít vitamin nhưng cứ 100 g sẽ có 92% nước; 5,5% glucid; 1,3% protein; 220 mg kali; 15 mg phốt-pho; một ít magiê, canxi, lưu huỳnh, sắt, mangan, kẽm. Ruột quả nhiều chất nhầy, vỏ có violantine là một chất chống ôxy hóa. Như vậy thì cà dái dê cũng không đến nỗi quá nghèo dinh dưỡng.
Trong dân gian, có người bảo ăn cà dái dê sẽ bị nhức mỏi. Điều này đúng nhưng theo phân tích của các nhà dược học thì chỉ chính xác với trường hợp ăn quả cà xanh non vì lúc bấy giờ nó chứa nhiều solanin là một trong những chất tự nhiên bảo vệ cây và có tính gây mê. Quả cà càng già thì lượng solanin càng giảm. Khi nướng, cà dái dê có mùi thơm hấp dẫn chính là do có chất solanin.
Đông y ghi nhận cà dái dê có tính mát gan, thông tiểu, thông mật, nhuận tràng và điều hòa tiêu hóa. Trong ẩm thực của người VN, cà dái dê được chế biến thành các món nướng, xào mỡ, xào thịt... Nhiều người thấy ruột cà dái dê sau khi chế biến thì nhão, ướt nên nghĩ nó có chất dầu, mỡ, thật ra là không hề.
Cà dái dê có khả năng sinh nhiệt thấp kèm với chất xơ và chất nhầy nên sẽ là thực phẩm tốt cho người muốn giảm cân, cao huyết áp, tiểu đường. Các thầy thuốc cũng khuyên nên ăn cà dái dê nướng nhưng đừng rưới thêm dầu mỡ và cũng không nên ăn món cà dái dê xào mỡ. Khi chế biến, nên để nguyên cả vỏ để không lãng phí chất villantine.
Theo Lê Sơn / NLĐ
Bình luận (0)