(TNTS) Cùng đam mê du lịch, khám phá cảnh đẹp khắp nơi, mỗi chuyến đi caravan của chị Nguyễn Hoàng Hà thường có chồng và con trai làm bạn đồng hành. Các chuyến đi của chị và bạn bè thường kết hợp xây thư viện, tặng quà cho trẻ em vùng khó khăn... Với chị: “Giúp người để thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn”.
|
Dù có vẻ ngoài nữ tính, dịu dàng nhưng chị Nguyễn Hoàng Hà có cá tính mạnh. Ban đầu vì muốn thắng được nhược điểm say xe mà chị đi học lái xe hơi. Có lẽ do có năng khiếu, chị nhanh chóng trở thành tay lái cứng, theo kịp nam giới trong các hành trình caravan dài ngày. Chị kể: “Mình thích đi du lịch, khám phá những miền đất mới. Lần đầu tiên đi caravan là tham gia vào nhóm cùng với các anh chị trong câu lạc bộ Doanh nhân 2030 đi Lào cách đây 4 năm. Cả đoàn đi máy bay ra Đà Nẵng, rồi thuê xe hơi xuyên cửa khẩu Lao Bảo qua Lào. Hành trang mà các anh chị chuẩn bị, ngoài những vật dụng cá nhân là những phần quà tặng cho người dân nghèo ở nước bạn. Thấy chuyến đi chơi đầy ý nghĩa, vì mình được vui, người dân bản địa cũng vui, từ đó mà mê đi hơn”.
Chị Hoàng Hà vừa trở về từ hành trình caravan Thư viện “Vang xa tiếng đờn kìm” lần 6, lái xe hơn 560 km từ Sài Gòn đi Bạc Liêu để trao tặng trang thiết bị cho 3 thư viện của 3 trường tiểu học. Kết hợp tặng hơn 400 phần quà cho trẻ em nghèo ở 2 huyện Đông Hải và Giá Rai (Bạc Liêu). Chị chia sẻ: “Cứ mỗi chuyến đi, dù là tặng quà cho các em nhưng tôi và bạn bè thấy mình nhận được nhiều hơn. Nhìn nụ cười ngây thơ của con trẻ khi nhận được chiếc cặp sách chuẩn bị cho năm học mới, chúng tôi rất vui. Anh em trong đoàn mừng vì mình đã giúp được những người thực sự cần sự hỗ trợ của mình. Dù công việc bình thường bận rộn, phải tranh thủ đi khảo sát tiền trạm, đến xem tiến độ xây dựng thư viện, tự tay làm bàn, kệ, máy tính cho các em... nhưng không có ai thấy mệt mỏi hay chán chường, thấy việc là mọi người tự chia nhau làm. Thậm chí đoạn đường từ chỗ dừng xe đi vô trường các em học phải đi bộ 1 cây số qua đường đất rất xấu, đi qua một cây cầu cheo leo nhưng không có ai than vãn vì mệt. Các chị trong đoàn lo đường xấu vậy, vào mùa mưa làm sao các em đến trường...”.
|
Ảnh: NVCC
|
Chị chia sẻ thêm: “Hôm tới nơi thấy trường các em còn thiếu thốn quá, vậy là anh em lại vận động nhau góp thêm hơn 52 triệu đồng để nhà trường có thêm kinh phí tu bổ trường học. Giúp cho các em học sinh ở đây có điều kiện học tập tốt hơn. Nhìn các bé ở đó bằng tuổi con trai mình nhưng chỉ đứng đến vai, đến cổ, thấy thương lắm. Đến những vùng sâu vùng xa nhiều, tôi nhớ hoài những ánh mắt ngây thơ của các bé. Sau đó về nhà, mình cố gắng nỗ lực để làm việc tốt hơn, để mình đủ mạnh mẽ, đủ tiềm lực về kinh tế, sẻ chia khó khăn với nhiều mảnh đời hơn”.
Lúc trẻ đi chơi một mình, lúc có chồng, có con cả gia đình cùng đi. Thông thường phụ nữ rất cưng và bảo bọc con cái vì sợ con gặp nắng, sợ gió... Nhưng con trai của chị Hoàng Hà từ nhỏ đã theo mẹ đi phượt trên ô tô đi khắp nơi. “Từ lúc sinh con xong 2 tháng là bé đã theo mẹ đi các chuyến ngắn ra Vũng Tàu đón gió. Tôi thương con nhưng không cấm bé tự khám phá mọi thứ xung quanh. Đến bây giờ, bé đã có 4 năm theo các hành trình caravan của ba mẹ. Mà đi chơi với mọi người nhiều thấy con dạn dĩ tự tin. Nhớ lần đầu đi tặng quà cùng ba mẹ, lúc về bé không còn đòi hỏi mua cái này cái kia nữa. Quần áo, đồ chơi của mình giữ kỹ hơn, lâu lâu gom xếp lại một chỗ, bảo để dành tặng các bạn không có điều kiện. Thấy con biết yêu thương mọi người, biết sẻ chia, hai vợ chồng mình cũng mừng, càng quý các chuyến đi, con được bài học mà khó có trường học nào dạy thiết thực bằng”.
Một chi tiết khá đặc biệt, chị Hà và chồng gặp nhau cũng nhờ những chuyến đi caravan. Chồng chị Hà luôn được giao vị trí dẫn đoàn, điều phối hỗ trợ các thành viên đi về an toàn. Chị tâm sự: “Hồi xưa lúc chưa yêu nhau cứ nghĩ công việc của người dẫn đoàn bình thường. Các xe cứ việc lái thôi, chẳng cần làm gì vì mọi người đều tự giác. Sau này cưới nhau, những khi ngồi ở vị trí tài phụ, thấy chồng phải đi trước dẫn đoàn, cầm bộ đàm hướng dẫn mọi người giữ tốc độ, tránh ổ voi ổ gà, hay xin đường... chẳng đơn giản chút nào. Nhờ những lần đi cùng chồng, cùng con, ngồi trên xe trò chuyện, trao đổi mà gia đình gắn kết hơn nhiều”.
Bình luận