Khi mở nhiều bài hát của các nghệ sĩ này trên YouTube vào ngày 28.9, người xem nhận được thông báo: "Video này chứa nội dung từ SESAC. Nội dung này không khả dụng ở quốc gia của bạn".
Một tranh chấp tương tự giữa Universal Music Group (UMG) và TikTok đã kéo dài trong nhiều tháng vào đầu năm nay trước khi được giải quyết.
Trong một tuyên bố gửi đến Variety, một đại diện của YouTube cho biết: "Chúng tôi đã đàm phán thiện chí với SESAC để gia hạn hợp đồng hiện tại. Và dù đã nỗ lực hết sức, chúng tôi vẫn không thể đạt được thỏa thuận công bằng trước khi hợp đồng hết hạn. Chúng tôi rất coi trọng bản quyền và do đó, nội dung do SESAC đại diện không còn khả dụng trên YouTube tại Mỹ. Chúng tôi đang tích cực đàm phán với SESAC và hy vọng sẽ có thể sớm đạt được thỏa thuận mới". Đại diện của SESAC không trả lời bình luận.
Một nguồn tin cho biết hợp đồng thực tế sẽ hết hạn vào tuần tới và cho rằng động thái của YouTube là một chiến thuật đàm phán. SESAC, với khoảng 30.000 thành viên và 1,5 triệu ca khúc, nhỏ hơn nhiều so với ASCAP (Hiệp hội các nhà soạn nhạc, tác giả và nhà xuất bản Mỹ), có gần 800.000 thành viên; nhưng các nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm cho thấy, SESAC đại diện cho một tỷ lệ tương đối lớn của thị trường.
Các tổ chức về quyền biểu diễn như ASCAP, BMI và SESAC tại Mỹ thu tiền bản quyền và giúp bảo vệ bản quyền cho các nhạc sĩ và nhà xuất bản âm nhạc. Họ có khả năng chặn một số buổi biểu diễn âm nhạc công cộng, từ phát trực tuyến đến phát thanh, nhạc được phát trong nhà hàng… Vấn đề này phức tạp về mặt pháp lý và có thể liên quan đến những cá nhân hay tổ chức nắm giữ bản quyền khác.
Liên quan đến điều này, một số bài hát do Beyoncé, Nicki Minaj và các nghệ sĩ khác trình bày cũng bị ảnh hưởng, có lẽ là vì chúng có sự góp mặt của các nhạc sĩ trực thuộc SESAC.
Người hâm mộ đã nhanh chóng nhận ra sự ngăn chặn này và nhận được những phản hồi vào ngày 28.9 từ tài khoản TeamYouTube trên X (trước đây là Twitter).
"Chúng tôi lắng nghe bạn. Hợp đồng cấp phép sử dụng âm nhạc của chúng tôi với SESAC đã hết hạn mà không có thỏa thuận về các điều kiện gia hạn mặc dù chúng tôi đã nỗ lực hết sức. Vì lý do này, chúng tôi đã chặn nội dung trên YouTube tại Mỹ, được cho là có liên quan đến SESAC – theo luật bản quyền", nội dung ghi rõ trên tài khoản TeamYouTube.
YouTube phản hồi các dòng tweet sau đó từ người dùng rằng: "Chúng tôi hiểu đây là tình huống khó khăn và nhóm vẫn đang tiếp tục làm việc với SESAC để đạt được thỏa thuận, nhưng vẫn chưa có ngày chính xác cho các bản cập nhật trong tương lai".
Những lần ngăn chặn như vậy là phổ biến và thường không kéo dài quá vài ngày hoặc vài tuần khi chủ sở hữu tác quyền (như hãng thu âm, nhà xuất bản, đài phát sóng) chưa thể đạt được thỏa thuận về việc cấp phép. Tuy nhiên, cùng với cuộc chiến UMG-TikTok, YouTube và Warner Music Group từng khiến Warner gỡ video khỏi nền tảng này trong khoảng 9 tháng trong năm 2008 và 2009 trước khi các điều khoản đạt được.
Trong những năm tiếp theo, mối quan hệ vốn "căng thẳng" giữa YouTube và các công ty âm nhạc đã trở nên "lạc quan" hơn nhiều sau khi công ty này thuê cựu giám đốc âm nhạc của Warner là Lyor Cohen làm giám đốc âm nhạc vào năm 2016. Tuy nhiên, vào ngày 28.9 tranh chấp vẫn xảy ra.
Bình luận (0)